Mỏ vàng 8,1 triệu tấn hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam

28/05/2010 06:18

Một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư khai thác vàng tại Campuchia, nơi vừa phát hiện ra mỏ với trữ lượng quặng tới 8,1 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Mỏ vàng 8,1 triệu tấn hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam

Một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư khai thác vàng tại Campuchia, nơi vừa phát hiện ra mỏ với trữ lượng quặng tới 8,1 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Ảnh minh họa

Thông tin Công ty khoáng sản OZ Minerals Limited của Australia phát hiện mỏ vàng trữ lượng khoảng 8,1 triệu tấn quặng ở tỉnh Mondulkiri, phía đông bắc Campuchia, đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam.

Tờ Sydney Morning Herald dẫn tuyên bố của OZ Minerals cho biết, hàm lượng khai thác ở đây có thể đạt 2,3 gram mỗi tấn, tương đương 605.000 ounce (17,2 tấn) cả mỏ. Với thị giá ngày hôm nay, mỗi ounce tương đương 1.200 USD, lượng vàng của mỏ Mondulkiri sau tinh luyện có giá hơn 720 triệu USD. Mondulkiri nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam, cách Buôn Mê Thuột khoảng 100 km.

Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank (AJC) Nguyễn Thanh Trúc (người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh vàng bạc đá quý), nhận định nếu hàm lượng vàng của mỏ Mondulkiri chỉ ở mức 2,3 gram mỗi tấn quặng, hiệu quả kinh tế không thực sự cao. Hàm lượng vàng được các nhà khai thác kỳ vọng thường trên 3 gram mỗi tấn.

Tuy nhiên, ông Trúc đánh giá đây là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á từ trước tới nay. Một số doanh nghiệp trong nước từ lâu đã rục rịch kế hoạch tham gia khai thác ở Campuchia. Ông Trúc cho biết AJC có thể tính toán khả năng tương tự khi các điều kiện chín muồi. Ông Trúc có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh vàng bạc đá quý.

Chuyên gia Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng cho rằng mỏ Mondulkiri có quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ trước tới nay và đây cũng là mỏ quy mô lớn đầu tiên mà Campuchia công bố.

"Sẽ là cơ hội rất tốt nếu các doanh nghiệp được đầu tư khai thác tại Campuchia, cho dù năng lực và công nghệ khai thác của các nhà thầu Việt Nam chưa cao", ông Hùng nói. Theo đánh giá của ông Hùng, Campuchia chưa có công nghiệp khai thác quy mô, phải lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

Vị trí của tỉnh Mondulkiri, Campuchia, nằm không xa biên giới với Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Theo ông Hùng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới tập trung đầu tư sang Lào, nơi có nhiều mỏ và công nghiệp khai thác vàng cũng đã phát triển ở mức độ nhất định. Lào chưa có mỏ nào quy mô lớn như Mondulkiri, song lượng khai thác hằng tháng hiện đạt 100-200 kg.

Đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Campuchia hiện đạt gần 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp khai khoáng đã được cấp phép sang đây, tuy nhiên chưa có hồ sơ khai thác vàng nào chính thức nộp lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"Khoáng sản là ngành kinh doanh hiệu quả. Thủ tục đầu tư sang Campuchia khá đơn giản. Tuy nhiên, chi phí khai thác, tính chất của từng mỏ, năng lực quản lý của doanh nghiệp và việc vận chuyển là những bài toán cần tính kỹ", Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định.

Tại Việt Nam, Bồng Miêu hiện là mỏ vàng quy mô lớn nhất, đang được quản lý và khai thác bởi liên doanh giữa Công ty khoáng sản Quảng Nam và đối tác Canada. Năm 2006, liên doanh đã đưa vào khai thác mỏ Hố Gần (một trong ba mỏ chính thuộc khu vực Bồng Miêu). Trữ lượng quặng có khả năng cho vàng của mỏ này là 521.600 tấn, hàm lượng trung bình 3,85 gram mỗi tấn quặng. Sản lượng khai thác đạt 600 kg vàng mỗi năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mỏ 8,1 triệu tấn mới phát hiện tại Campuchia sẽ không tác động nhiều tới cung cầu trong khu vực cũng như giá vàng. Quặng thô khai thác được có thể sẽ phải chuyển ra nước ngoài để tinh luyện. Sản lượng thu về không lớn đến mức có thể tác động tới thị trường. Hơn nữa, dự trữ vàng của Campuchia hiện ở mức thấp, nhiều khả năng họ sẽ sử dụng vàng khai thác được để dự trữ hoặc tiêu dùng trong nước.

Chuyên gia Nguyễn Thế Hùng cho biết, vàng ở Lào chủ yếu do các đối tác Australia khai thác nhưng họ cũng mang quặng về nước tinh luyện rồi trả lại theo tỷ lệ phần trăm. Bản thân Lào cũng phải nhập vàng ở Thụy Sĩ và một số ngân hàng lớn trên thế giới. Trung Quốc có nhiều mỏ, nhưng họ đi theo hướng dự trữ quốc gia và tiêu thụ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỏ vàng 8,1 triệu tấn hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO