Mở cửa thoát hiểm cho nợ xấu

08/12/2011 02:34

Việc tái cấu trúc các ngân hàng thương mại sẽ không thể thực hiện được nếu nợ xấu không được minh bạch và xử lý.

Mở cửa thoát hiểm cho nợ xấu

Việc tái cấu trúc các ngân hàng thương mại sẽ không thể thực hiện được nếu nợ xấu không được minh bạch và xử lý. 

>> Rắc rối nợ xấu thị trường liên ngân hàng
>> Lo nợ xấu ngoại tệ
>> Nợ xấu lây lan
>> Lo nợ xấu ngoại tệ
>> Nợ xấu: Vấn đề lớn của Ngân hàng Việt Nam
>> Chuyện lỗ, nợ xấu và chiếm dụng vốn
>> Lo ngại về nợ xấu tại Việt Nam
>> Làm sao đẩy lùi nợ xấu?

Về mặt ý nghĩa, việc công khai chính xác số nợ xấu của mỗi ngân hàng cũng giống như việc thông báo chính xác thực trạng sức khỏe của một ngân hàng để từ đó, đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo ngân hàng cũng như cơ quan điều tiết chính sách có thể chẩn đoán đúng bệnh và kê đúng thuốc. Vì thế, Thông tư số 35/2011/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành buộc các ngân hàng phải công khai nợ xấu kể từ ngày 1/4/2012, trong đó có một số tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp thị trường tài chính lành mạnh hơn.

Công khai đã có, minh bạch thì chưa

Nợ xấu càng nhiều thì tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại càng bị thu hẹp, vì tỉ lệ trích lập dự phòng sẽ tăng căn cứ trên nhóm nợ.

Nợ xấu càng nhiều thì tính thanh khoản của các ngân hàng càng bị thu hẹp, vì theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ trích lập dự phòng tăng qua các nhóm nợ. Cụ thể, tỉ lệ trích lập đối với nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là 20%; nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) là 50% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 100%.

Do đó, việc công khai và có hướng xử lý nợ xấu sẽ giúp ngân hàng kiểm soát được tình hình, tránh nguy cơ đổ vỡ vì mất thanh khoản. Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, Trung tâm Thông tin Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, khuyến cáo, mất thanh khoản lớn trong một thời gian ngắn có thể khiến một ngân hàng sụp đổ rất nhanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã nỗ lực trong việc ban hành các tiêu chí, kể cả theo tiêu chuẩn quốc tế để buộc các ngân hàng thương mại công khai nợ xấu. Tuy nhiên, công khai thôi vẫn chưa đủ mà điều quan trọng là phải minh bạch. Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện các ngân hàng thương mại công bố những con số nợ xấu rất khác nhau.

Nhiều khoản nợ xấu nằm chôn chân ở các thị trường bị mất thanh khoản như bất động sản, chứng khoán. Nợ xấu có thể đã bị mất (tức giảm đi giá trị thực) nhưng khi thống kê, các ngân hàng vẫn cố gắng duy trì giá trị trên sổ sách. “Nếu không có sự thẩm tra, kiểm soát sổ sách, giá trị thực của các khoản nợ thì chất lượng của những công bố đó sẽ không cao”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng đề xuất cần có một ủy ban hay nhóm hành động về tái cấu trúc ngân hàng để đánh giá nợ xấu và nhóm này phải được tiếp cận số liệu chính xác và đầy đủ. Trong khi đó, bà Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, lại thiên về hướng hình thành các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để đánh giá một cách khách quan sức khỏe của từng ngân hàng.

Biến nợ xấu thành tiền sạch

• Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được dự báo vào khoảng 76.000 tỉ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm khoảng 50%. Nhưng một số tổ chức cho rằng, con số thực tế lớn hơn nhiều.

• Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây dự báo nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối năm chiếm khoảng 3,6-3,8% tổng dư nợ, tăng khá nhiều so với mức 2,14% vào cuối năm 2010. Trong đó, cho vay bất động sản chiếm 8,3% tổng dư nợ; nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ lĩnh vực này.

• Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu hay những khoản vay có nguy cơ không đòi được của các ngân hàng ngày càng tăng, đồng thời trở nên xấu hơn, gây rủi ro cho nền kinh tế.

Bà Ngọc cho rằng khó có ngân hàng thương mại nào mua một ngân hàng khác mà lại chấp nhận gánh toàn bộ nợ xấu của ngân hàng đó với mệnh giá ban đầu. Vì thế, bước tiếp theo của việc công khai, minh bạch nợ xấu là tăng tính thanh khoản của phần nợ xấu đó, làm sạch bảng cân đối tài chính. Cách tốt nhất, theo ông Thành, là phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu của ngân hàng để vừa tạo thanh khoản, vừa đưa các khoản nợ trở về giá trị thực.

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc của Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), cho rằng tiềm năng của thị trường mua bán nợ Việt Nam rất lớn. Theo ông, chỉ cần mỗi đơn vị tham gia trả bằng 30% mệnh giá của tổng lượng nợ xấu ngân hàng hiện nay thì đã giúp các ngân hàng thu về 40.000-50.000 tỉ đồng tiền sạch cho nền kinh tế.

Tiếp cận ở góc độ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc xử lý khoản nợ của các doanh nghiệp này, ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam, cho rằng các ngân hàng cũng có công ty mua bán nợ trực thuộc. Nếu doanh nghiệp nhà nước có giao dịch vay nợ, có thể chủ động đàm phán với ngân hàng để có giải pháp phù hợp như tái cơ cấu khoản vay, chuyển vốn vay thành vốn góp.

Điều này vừa giúp ngân hàng không bị mất vốn vừa giúp doanh nghiệp nhà nước tái cấu trúc nhanh chóng. Ông Cường cũng gợi ý nên thu hút cả các công ty mua bán nợ nước ngoài, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý các khoản nợ.

Vấn đề lúc này lại nằm trong tay chính các ngân hàng thương mại. Đó là họ có sẵn sàng công khai số liệu nợ xấu thực sự và bán khoản nợ với giá thấp để thu hồi vốn, hay vẫn cố tình giữ trên sổ sách. Việc định giá lại các khoản nợ xấu về sát giá trị thực (thường là thấp hơn mệnh giá nợ) là rất quan trọng, vì có như vậy mới giúp việc mua bán, sáp nhập ngân hàng diễn ra nhanh hơn.

Còn có một công cụ khác là chứng khoán hóa các khoản nợ xấu (những khoản nợ còn khả năng thu hồi) mặc dù hình thức này chưa phát triển ở Việt Nam. Theo ông Thành, đây cũng là một hướng đi, nhưng cái khó là thiếu thông tin để biết được tính chính xác của các khoản nợ đó đến đâu. Nếu không xác minh được khoản nợ thì rủi ro sẽ rơi vào các nhà đầu tư chứng khoán nợ.

“Chứng khoán hóa và giao dịch các khoản nợ là một cuộc chơi trên thị trường. Nhưng cần thí điểm ở quy mô nhỏ, thuần túy là thị trường tự do, không có sự tham gia mua bán của Nhà nước (để không tích nợ xấu trong tay Nhà nước), nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ về mặt thông tin”, ông Thành đề xuất.

Một điểm nữa được bà Ngọc, Học viện Ngân hàng, lưu ý khi phát triển thị trường mua bán nợ là thông tin tài chính ở Việt Nam chưa minh bạch trong khi hiểu biết của người dân về tài chính - tiền tệ có phần hạn chế. Do đó, khi công khai khoản nợ, các bước đi cần phải thận trọng để tránh đổ vỡ về mặt tâm lý, gây hệ lụy xấu. Một bệ đỡ quan trọng là Luật bảo hiểm tiền gửi hiện đang được Quốc hội nghiên cứu. Nếu luật này sớm ra đời thì sẽ giúp các công ty kinh doanh nợ mạnh dạn hơn trong việc mua bán các khoản nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa thoát hiểm cho nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO