Loay hoay đặc khu kinh tế

ĐOÀN ANH THƯ| 12/09/2012 04:23

Sau gần chục năm đi vào thực hiện, các đặc khu kinh tế Việt Nam vẫn loay hoay chưa tìm ra lối đi, cái kết đẹp về một sự đột phá kinh tế vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Loay hoay đặc khu kinh tế

Sau gần chục năm đi vào thực hiện, các đặc khu kinh tế Việt Nam vẫn loay hoay chưa tìm ra lối đi, cái kết đẹp về một sự đột phá kinh tế vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Đọc E-paper

Khu kinh tế Dung Quất

Phép thử tốn kém


Năm 1991, việc Việt Nam buộc phải giải tán “phép thử” đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để trở về với mô hình tỉnh đã thể hiện sự hạn chế và thiếu sót trong quy hoạch và xây dựng đặc khu kinh tế ở nước ta.

Phải tạm gác gần chục năm, và mất thêm 5 năm “thai nghén”, đến năm 2003, Việt Nam mới tiếp tục cho “thí điểm” tại Chu Lai (Quảng Nam). Tuy vậy, khi bài học cách đây hơn 20 năm chưa thấm, mô hình Chu Lai cũng chưa kịp hoàn thiện thì cả nước lại đổ xô vào cuộc đua mở khu kinh tế.

Tính đến tháng 9/2008, 15 tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam đều đã “kịp” thành lập 15 đặc khu kinh tế. Không dừng lại ở đó, các tỉnh vẫn liên tiếp gửi lên Chính phủ hàng loạt đề án thành lập các khu kinh tế mới: Móng Cái (Quảng Ninh), Ninh Cơ (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Khu kinh tế ven biển Thái Bình...

Thậm chí còn mở rộng ra nước ngoài như dự án Long Thành Vientiane (ký kết tại Lào tháng 1/2012)... Như vậy, nếu chỉ xét về tốc độ gia tăng và số lượng thì trong tương quan so sánh, Việt Nam còn “vượt xa” một nước với tốc độ phát triển nhanh như Hàn Quốc (thử nghiệm đầu tiên là khu kinh tế biển Incheon năm 2003, đến nay Hàn Quốc mới chỉ có tất cả 6 đặc khu kinh tế).

Và trong tương lai, Việt Nam có lẽ sẽ không dừng lại ở con số gần 20 đặc khu kinh tế. Thực trạng này không quá khó hiểu, bởi một thời đặc khu kinh tế vẫn được xem là “gà đẻ trứng vàng”, có thể tạo ra sự đột phá về kinh tế được chứng minh qua sự phát triển thần kỳ của những mô hình Hồng Kông, Thẩm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) hay Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Tuy nhiên, tăng nhanh “như nấm sau mưa” nhưng lại không kéo được nền kinh tế phát triển tương xứng như mức kỳ vọng, mô hình đặc khu kinh tế ngay lập tức đã phát sinh những bất cập mới. Đầu tiên là gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ước tính để đầu tư cho Dung Quất từ nay đến 2015 đã lên tới 10.000 tỷ đồng, chỉ cần làm một phép tính nhân đơn giản cũng biết để nuôi gần hai chục dự án này sẽ tiêu tốn một con số khổng lồ đến mức nào!

Một loạt đặc khu kinh tế thiếu kế hoạch bỗng chốc đẩy Việt Nam vào cảnh “gia đình đông con” nhưng không đủ tài lực, cũng không thể “bỏ chợ” bất cứ đứa nào. Vòng luẩn quẩn này đưa đến hệ quả tất yếu: nguồn lực dàn trải, hạ tầng dở dang.

Theo nhận xét của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội tại kỳ họp 2011: “Hỗ trợ từ ngân sách chỉ như muối bỏ biển, không tạo được sức phát triển”.

Đáng lo ngại hơn là một nghịch cảnh khác khi những “chú gà cùng mẹ” thiếu vốn, yếu năng lực này không xoay xở được trước các mô hình khu kinh tế mở của nước ngoài thì quay lại cạnh tranh lẫn nhau trong ngân sách còm cõi.

Sau 9 năm thành lập, đến nay đã có hàng chục dự án bị treo dù được cấp vốn tới hàng trăm tỷ đồng. 18 khu kinh tế biển chiếm tới 730.000 ha mặt đất, mặt nước nhưng đến nay mới chỉ lấp đầy được 10% do vướng mắc trong khâu đền bù, giải tỏa.

Đâu là hướng đi?

Những gì mà các nhà đầu tư có thể thay đổi ngay lúc này là tiết chế việc đầu tư kiểu ồ ạt, tập trung hơn cho những khu vực trọng điểm tiềm năng. Trung Quốc, Hàn Quốc... đều bắt đầu thể nghiệm bằng Thẩm Quyến, Incheon... rồi từ những mô thức ấy mới rút kinh nghiệm và hoàn thiện những mô hình về sau.

Tất nhiên Việt Nam không thể rót quá nhiều tiền như kiểu Thẩm Quyến “mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ”, so ra bài học của Hàn Quốc có vẻ phù hợp hơn. Đó là tạo vốn từ việc biến các đặc khu kinh tế thành “khối nam châm” thu hút FDI, bằng cách tạo lập một môi trường kinh doanh quốc tế, phát triển cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ, dịch vụ,...

Thêm một kinh nghiệm quan trọng là phải xác định rõ thế mạnh của từng vùng kinh tế để có chiều hướng phát triển riêng phù hợp, nâng tầm thành thương hiệu cho mỗi đặc khu này. Có như thế mới phát huy được hết tiềm năng của mỗi vùng, đa dạng hóa thị trường đầu tư và lại tránh được hiện trạng cạnh tranh lẫn nhau.

Nhìn lại hiện trạng Việt Nam, rất khó chọn trong những đặc khu kinh tế “hao hao giống nhau” ấy đâu là mũi nhọn tiêu biểu của kinh doanh, của vận tải, của công nghệ hay du lịch...? Câu chuyện dang dở của những đặc khu kinh tế Việt Nam liệu có thể được viết tiếp từ những định hướng mới mẻ như đề án hành chính kinh tế mới Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh)?

Điều đáng suy nghĩ là, trên thực tế, Thẩm Quyến và Incheon khi được chọn là mô hình thí điểm đều chỉ là những làng chài nghèo, điều kiện thiếu thốn hơn các tỉnh thành nước ta hiện nay rất nhiều. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nên đừng để “cầm cờ trong tay” lại không biết cách phất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loay hoay đặc khu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO