![]() |
Chủ động phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đồng thời đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành da giày là những mục tiêu chính đã được đề ra tại Đại hội nhiệm kỳ VI ngành Da giày - Túi xách Việt Nam (2012 – 2017) ngày 19/7/2012, tại TP.HCM.
Đánh giá lại kết quả hoạt động nhiệm kỳ V (2007 - 2012) của Hiệp hội Da - giày Việt Nam, nay là Hiệp hội Da, Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết, mặc dù tình hình thị trường 5 năm qua có nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp (DN) ngành da - giày đã phấn đấu mở rộng thị trường đồng thời tận dụng tối đa các lợi thế về nhân công, lao động để gia tăng xuất khẩu.
Theo Lefaso, tổng vốn đầu tư của ngành da giày 5 năm qua ước đạt 9.500 tỷ đồng, sản lượng giày dép các loại tăng từ 673 triệu đôi lên 850 triệu đôi; da thuộc thành phẩm tăng từ 113 triệu sqft (10,17 triệu m2) lên 312 triệu sqft (28,8 triệu m2 ). Tính đến năm 2011, các nước thuộc liên minh châu Âu đạt 3.110,8 triệu USD chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, tiếp đến là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 28,2% đạt 1.864,8 triệu USD, Nhật chiếm 3,2% đạt 209,6 triệu USD, còn lại thuộc về các thị trường khác.
Thế nhưng, DN ngành da - giày xuất khẩu Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn sản xuất theo hình thức gia công (chiếm trên 70%), nhiều nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, đặc biệt là các nguyên liệu mũ giày. Do đó, nếu xét về tính cạnh tranh, toàn ngành da - giày Việt Nam vẫn còn yếu so với các nước xuất khẩu giày dép khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Lý giải hệ quả, đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực da - giày cho rằng, do thiếu khả năng cung ứng vật tư nguyên liệu từ nguồn nội địa, bên cạnh đó công tác đào tạo lao động lành nghề cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN.
![]() |
Trong khi đó, về mặt chính sách, các rào quản kỹ thuật áp đặt từ phía nhà nhập khẩu với khách hàng tiêu dùng quốc tế, cũng như các yêu cầu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, môi trường và các điều kiện đối với người lao động là những khó khăn không nhỏ đối với các DN.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thuấn - tân Chủ tịch Lefaso, Giám đốc Công ty CP đầu tư và sản xuất giày Thái Bình cho biết: “Đây là thách thức lớn với ngành da giày Việt Nam, do đó cần thiết phải có sự tập hợp nguồn lực trong ngành để hình thành nguồn nguyên phụ liệu nội địa, nhằm tận dụng lợi thế mà hiệp định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương mang lại, bởi một khi TPP được thông qua thì sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hoá nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi thuế suất”.
Thực tế hiện nay, ngoại trừ một số DN sản xuất, xuất khẩu giày lớn và có thương hiệu đã và đang đầu tư hệ thống sản xuất nguyên phụ liệu riêng, hầu như các DN chuyên xuất khẩu hoặc sản xuất, tiêu thụ nội địa vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các nhà sản suất nguyên phụ liệu.
Hiện cả nước có đến 119 DN sản xuất nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị trong ngành da giày. Trong đó, có 72 DN cổ phần, tư nhân, trách nhiệm hữu hạn và cơ sở sản xuất, và 47 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Tại Đại hội, các DN sản xuất nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành da giày, túi xách cũng đồng loạt kiến nghị nên có sự gắn kết hơn nữa giữa DN sản xuất da giày, túi xách và nguyên phụ liệu, thông qua hình thức kêu gọi DN tham gia xúc tiến trong hàng hóa trong hội và ngoài hội theo nhóm, ngành, qua đó, các DN sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa làm việc với nhau hơn.
Đứng ở góc độ DN, ông Lê Quang Doãn - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Minh Diệu, DN chuyên sản xuất, kinh doanh các loại đế giày và nguyên phụ liệu cho sản xuất giày cho biết, ngoài việc liên kết DN trong nước, DN trong ngành còn phải làm sao để nguyên phụ liệu da giày trong nước có thể cạnh tranh được với nguyên phụ liệu giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu DN sử dụng nguyên phụ liệu của Trung Quốc để sản xuất giày thì sản phẩm sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước thành viên TPP như Hoa Kỳ, bởi Trung Quốc không tham gia hiệp định TPP.
Tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2012 – 2017), Lefaso kỳ vọng sẽ xây dựng một số khu - cụm công nghiệp sản xuất da giày, sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung định hướng đến năm 2020, trên cơ sở lợi thế về hạ tầng và lao động để chủ động cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao năng lực cho ngành.