Làm nông nghiệp thu nhập tốt hơn?

06/01/2010 01:03

Theo báo cáo cung cầu lao động 2009 của bộ LĐTBXH, thu nhập của lao động tự do và lao động nông nghiệp tốt hơn lao động đại học!

Làm nông nghiệp thu nhập tốt hơn?

Một bất ngờ lớn trong báo cáo cung – cầu lao động năm 2009 được bộ Lao động – thương binh và xã hội trình Chính phủ, đó là thu nhập của người lao động tự do và lao động nông nghiệp vẫn tốt hơn lao động đã tốt nghiệp đại học.

Làm nông nghiệp không phải dễ ăn. Ảnh: L.A.Đ

Thực tế này được đưa ra để lý giải cho việc lao động vẫn thích ở lại nông thôn để làm nông nghiệp, hơn là tham gia đào tạo để trở thành lao động công nghiệp. Đồng thời, vấn đề thu nhập thấp còn được dùng để lý giải cho việc khan hiếm lao động tại nhiều khu công nghiệp hiện nay.

Bấp bênh

Theo báo cáo, tiền lương bậc 1 với hệ số lương 2,34 của người vừa tốt nghiệp đại học là 50.700 đồng/ngày, trong khi lao động tự do, lao động nông nghiệp có thể kiếm được 80.000 – 120.000 đồng/ngày. Lao động tốt nghiệp đại học phải làm những việc yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và khó khăn khi tuyển dụng… thì lao động tự do làm những công việc như gặt lúa thuê, bốc vác… với thời gian ít ràng buộc nhưng thu nhập lại cao hơn.

Đây đúng là một công bố gây bất ngờ, ngay cả với những người đã nghiên cứu lâu năm về sự tồn tại và phát triển của thị trường lao động nước ta. Bởi trước hết nó là một cái nhìn chưa đầy đủ và chưa đúng. Mức tiền lương thấp theo hệ số của lao động tốt nghiệp đại học hiện nay chỉ áp dụng đối với những lao động khu vực nhà nước. Ở khu vực ngoài nhà nước, thu nhập thực tế của người lao động phụ thuộc vào thoả thuận.

Thực tế mức lương theo hệ số chỉ được dùng để đóng bảo hiểm xã hội, không phải là thu nhập của người lao động. Theo kết quả một cuộc điều tra về thu nhập của người lao động năm 2009 của chính bộ này, thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đạt 2,75 triệu đồng/tháng, trong đó cao nhất thuộc về doanh nghiệp nhà nước là 3,2 triệu đồng/tháng, sau đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,6 triệu đồng/tháng và doanh nghiệp tư nhân là 2,35 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp khó đạt được mức này trong nhiều năm nữa.

Kể cả trong trường hợp lao động nông nghiệp và lao động tự do có thể kiếm được 80.000 – 120.000 đồng/ngày thì đây cũng là một công việc bấp bênh. Không ai đảm bảo được cả 30 ngày trong tháng, những lao động này có thu nhập.

40 triệu lao động chưa được bảo vệ

Cùng với mức thu nhập cao hơn hẳn, lao động làm việc trong các doanh nghiệp và khu vực hành chính sự nghiệp, thường được gọi là khu vực chính thức đang được hưởng một chính sách an sinh xã hội tốt hơn. Luật Cán bộ công chức, luật Lao động, luật Bảo hiểm xã hội được ban hành để bảo vệ người lao động ở khu vực này.

Tất cả những quy định về mức tiền lương tối thiểu, điều kiện làm việc tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, những việc cấm sử dụng lao động nữ, bảo hiểm thất nghiệp… được quy định chỉ để bảo vệ người lao động làm việc ở khu vực nhà nước và có hợp đồng lao động. Họ còn được bảo đảm bởi các chế độ bảo hiểm xã hội cả ngắn hạn và dài hạn như tai nạn lao động, ốm đau thai sản, lương hưu và tử tuất. Nhưng số lao động ở khu vực chính thức hiện chỉ khoảng 4 triệu người trong tổng số 44 triệu người đang trong độ tuổi lao động ở nước ta.

Trong khi đó, còn tới 40 triệu người đang làm việc trong khu vực phi chính thức hay khu vực không có hợp đồng lao động hầu như đang nằm ngoài các chính sách an sinh xã hội. Chỉ có một nhóm người rất nhỏ thuộc diện khó khăn được hưởng trợ cấp. Còn lại họ không được bảo hiểm việc làm, hưởng lương hưu, trợ cấp nặng nhọc độc hại hay trợ cấp khi bị tai nạn lao động…

Tất nhiên, mức thu nhập của họ không cao như báo cáo của bộ Lao động – thương binh và xã hội. Nhìn vào những điều này để thấy vì sao người ta cố thi đỗ đại học và theo đuổi các chương trình đào tạo chắc chắn không phải để nhận được một mức lương thấp hơn người mò cua bắt ốc, mà để có được sự đảm bảo về tương lai vững chắc hơn.

Trong thực tế, vẫn đang có một dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp do tương lai của những người nông dân ngày càng bấp bênh hơn vì mất đất sản xuất. Nhưng sự dịch chuyển này không được định hướng, dẫn dắt bởi sự can thiệp từ phía những nhà quản lý thị trường lao động nên nó tự phát trong nhiều năm qua. Đến lúc suy thoái, sự dịch chuyển lao động ít hơn lại đổ tại lương người mò cua bắt ốc cao là không khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm nông nghiệp thu nhập tốt hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO