Lãi vay giảm 0.5% đến 1,2% chưa đủ giúp doanh nghiệp vượt khó khăn

Phan Nhung| 01/08/2021 01:06

Tại chương trình trực tuyến Cafe lần thứ 57 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ về hàng loạt khó khăn mà họ phải đối diện trong đợt dịch thứ 4 và những điều họ đang mong muốn.

Khoanh, giãn nợ và giảm lãi vay

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó chủ tịch HUBA, cho biết thời gian qua HUBA đã nhận được nhiều kiến nghị từ cộng đồng DN, đa số kiến nghị TP nên có buổi làm việc với hệ thống các ngân hàng và chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ DN trong việc khoanh, giãn nợ và giảm lãi vay”. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị được giảm thuế thu nhập DN và tiền thuê đất để giảm áp lực về dòng tiền cho DN hoặc nếu DN đóng thuế chậm trễ thì không nên phạt.

Theo ông Hòa, thời gian qua việc chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu khiến khâu cung ứng nguyên vật liệu cho các ngành hàng khác ngoài thực phẩm gặp khó khăn, nguồn cung bị đứt gãy. Ngoài ra, việc hạn chế làm việc ban đêm 1 tuần nay cũng khiến nhiều DN gặp khó khăn, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Bên cạnh đó, số DN thực hiện 3T phải tốn kém thêm nhiều chi phí, còn số DN phải ngưng hoạt động vì không đủ điều kiện rơi vào tình cảnh không thể giao hàng đúng hẹn... 

e515cd5a67789026c969-2030-1627744642.jpg

Việc cấm ra ngoài sau 18 giờ và nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác khiến cho các DN gặp khó khăn. Ảnh: VTC News

Mong giảm lãi nhiều hơn các khoản vay cũ

Ông Phạm Văn Việt – Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, chia sẻ: “Ngành may mặc của TP.HCM đang duy trì sản xuất và cố gắng hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đúng thời hạn, có thể cầm cự được vài tháng nữa. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị sau khi doanh nghiệp đã làm tốt 3T thì cho phép được giãn giờ làm thêm cho công nhân, thay vì áp áp dụng 300 giờ làm thêm một năm như Bộ luật Lao dộng 2019 trước đây quy định”. Ông Việt giải thích do lúc này lao động đang thiếu nghiêm trọng nên việc tăng thêm giờ làm sẽ giúp tăng công suất, để DN kịp giao đơn hàng cho nhà nhập khẩu. 

Ngoài ra, ông Việt cho biết thêm vì hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách nên các DN trong Hội mong ngân hàng giảm bớt lãi suất vay. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc ngân hàng chỉ giảm 0.5% đến 1.2% lãi suất đối với những khoản vay cũ sẽ không đủ để các DN vượt qua khó khăn. 

28cda2a1fb830cdd5592-7872-1627744642.jpg

Các DN dệt may đều đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Nhân dân

Lắng nghe sự chia sẻ của các DN, ông Phan Đình Tuệ - Phó TGĐ ngân hàng Sacombank đã đưa ra các chính sách mà ngân hàng này sẽ hỗ trợ các DN trong thời gian tới. Ông nói: “Hiệp hội ngân hàng đã tổ chức họp với sự tham gia của 16 ngân hàng lớn, đồng thuận giảm lãi suất vay cho DN. Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía ngân hàng còn tùy thuộc vào tiềm lực cũng như khả năng của từng ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng san sẻ, tập trung cho các DN gặp khó khăn thực sự vì nguồn lực của ngân hàng là có hạn. Đối với những DN gặp khó nhiều thì ngân hàng sẽ hỗ trợ giảm lãi suất vay nhiều hơn 1%, còn lại chỉ có thể hỗ trợ giảm lãi suất vay dưới 1%". 

Ông Tuệ cũng chia sẻ thêm, khi giãn nợ, giảm lãi suất vay cho các DN, ngân hàng cũng gặp không ít áp lực vì phải trích quỹ dự phòng chứ không được tính vào lợi nhuận nhưng ngân hàng vẫn sẵn sàng đồng hành cùng DN. "Hiện tại, Sacombank đang triển khai gói 10.000 tỷ đồng cho các DN gặp khó khăn do đại dịch và ưu tiên cho 5 lĩnh vực là vận tải hành khách, dịch vụ du lịch lữ hành, khách sạn, giáo dục, y tế. Lãi suất vay từ 4%/năm trong 6 tháng", ông Tuệ thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi vay giảm 0.5% đến 1,2% chưa đủ giúp doanh nghiệp vượt khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO