Kỳ I: Những con nợ khó đòi

PHAN PHAN - HIẾN CHƯƠNG| 12/12/2011 09:13

Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài triền miền và trở thành những con nợ khó đòi của cơ quan BHXH Nghệ An.

Kỳ I:  Những con nợ khó đòi

10 tháng đầu năm 2011 do tác động của lạm phát, thắt chặt đầu tư công và chính sách tiền tệ chặt chẽ của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tình hình thực hiện chính sách BHXH đã gặp phải không ít khó khăn, tình trạng nợ BHXH trong các doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài triền miền và trở thành những con nợ khó đòi của cơ quan BHXH Nghệ An.

Công ty nạo vét đường biển

Chi nhánh khách sạn Mường Thanh - Thanh niên thuộc Xí nghiệp đầu tư xây dựng số 1 Lai Châu đóng tại số 74 Lê Hồng Phong, TP Vinh là một trong số ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện tốt chính sách BHXH. Bình quân, mỗi tháng doanh thu của khách sạn đạt trên 2 tỷ đồng. Hàng tháng, đơn vị đóng bảo hiểm cho 71 lao động với tống số tiền trên 23 triệu đồng, trong đó đóng BHYT 3,6 triệu đồng. Số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH, được giám đốc đơn vị đôn đốc nhắc nhở kế toán quyết toán ngay khi kết thúc tháng.

Bà Ngô Thị Bích Thìn, Giám đốc điều hành Chi nhánh khách sạn Mường Thanh - Thanh Niên chia sẻ: đối với khách sạn tính chất nữ nhiều hơn nam, quyền lợi cho người lao động đòi hỏi càng phải cao hơn. Tư cách là một giám đốc, hơn nữa mình cũng là nữ nên trách nhiệm của một người quản lý thì làm sao phải đảm bảo cho người lao động có quyền lợi bảo hiểm vì có nhiều vấn đề như sức khỏe, sinh sản, ốm đau. Hơn nữa mình bảo đảm quyền lợi cho họ thì chắc chắn hiệu quả lao động sẽ cao và từ đó chắc chắn doanh thu của khách sạn sẽ cao hơn nữa.

Ngược lại với doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp có tên tuổi lại đang nợ nần chồng chất. Tính đến thời điểm này, Công ty Công trình giao thông miền Trung đang nợ bảo hiểm của 47 lao động tổng cộng 68,83 tháng và hơn 2,2 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 24 nợ tới 14 tháng bảo hiểm của 315 người lao động với gần 2,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý là đứng đầu danh sách nợ đọng bảo hiểm khó đòi là công ty Nạo vét đường biển 2 một thời “vang bóng”. Hiện, công ty đang nợ bảo hiểm của 126 lao động, 34 tháng với số tiền lên tới hơn 3,7 tỷ đồng. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc và trực tiếp tới Công ty, thế nhưng giám đốc bận họp… và giao nhiệm vụ cung cấp thông tin phóng viên cho ông Đặng Ngọc Anh - trưởng phòng Tổ chức hành chính.

Theo ông Ngọc Anh cho biết, từ năm 2005 trở lại nay, công ty thường xuyên làm ăn thua lỗ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tác động của cơ chế thị trường, đặc biệt là do công ty đầu tư quá lớn vào con tàu TH129. Chi phí bỏ ra nhiều, doanh thu thấp dẫn đến việc không có nguồn thu để trả lương cho CBCNV. Năm 2011 này, công ty chỉ mới trả lương cho người lao động từ tháng 1 đến tháng 6 và cũng chỉ trả được 80% lương cơ bản.

Còn lại từ tháng 7 đến nay vẫn đang còn nợ lương của anh em. Tiền lương không có trả, vì vậy công ty đang nợ BHXH từ tháng 10 năm 2009 đến nay. Chính vì thế đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, chế độ của người lao động. Hiện, công ty có 19 người nghỉ chờ hưu và về hưu chính thức nhưng vẫn không được hưởng chế độ bảo hiểm.

Nhất là trong số 9 người đã có quyết định nghỉ hưu, do công ty còn nợ BHXH nên không được ngành BHXH cấp sổ hưu. Ông Đặng Ngọc Anh bức xúc nói: anh em đến tuổi về hưu hoặc số ra giám định có đầy đủ thủ tục về hưu thì không được nhận sổ bảo hiểm. Họ về hưu nhưng về nhà không có giấy tờ gì nạp cho địa phương, thì địa phương cứ nghĩ anh này là người bị đuổi việc hoặc là bị kỷ luật, chẳng có nơi nương tựa đâu cả, tình trạng của CBCN công nhân biển 2 là như thế. Người lao động muốn chuyển công tác thì bảo hiểm họ cũng không làm thủ tục để chuyển sang nơi khác cho. Lý do là công ty đang nợ bảo hiểm

Theo số liệu của BHXH Nghệ An, tính đến 16/11/2011, các doanh nghiệp, đơn vị trong toàn tỉnh còn nợ trên 97,5 tỷ đồng. Trong đó, có tới 830 doanh nghiệp, đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên. Số nợ BHXH bắt buộc hơn 52,5 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần 2,8 tỷ đồng và BHYT hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thuộc Tập đoàn Tàu thuỷ VINASHIN tại Nghệ An là Công ty cổ phần vận tải công nghiệp, có số lao động tham gia BHXH 173 người.

Nhưng từ đầu năm đến nay, công ty mới chỉ đóng được 660 triệu đồng, còn nợ tới 1,55 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nợ đọng kéo dài triền miên và trở thành con nợ quen thuộc và khó đòi của BHXH đó là, Công ty cổ phần công nghiệp ô tô Trường Sơn nợ tới 59 tháng bảo hiểm với hơn 1,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần xây dựng cầu đừơng Nghệ An nợ trên 2 tỷ, 30 tháng bảo hiểm, Công ty cổ phần xây dựng công trình 484 nợ 10 tháng bảo hiểm với hơn 1 tỷ đồng...

Điều đáng nói, trong 15 doanh nghiệp nợ BHXH điển hình đều liên quan đến lĩnh vực xây dựng, giao thông. Lý giải tình trạng trên, ông Ngô Ngọc Thanh, trưởng phòng Quản lý thu- BHXH tỉnh Nghệ An cho rằng: thời gian qua, do khủng hoảng và suy thoái kinh tế trên toàn cầu đã tác động mạnh đến nước ta, lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng.

Bên cạnh khó khăn kinh tế, việc thắt chặt tín dụng và Nghị quyết 11 của Chính phủ khiến các công trình xây dựng bị đình trệ, người lao động thiếu việc làm, doanh nghiệp không có nguồn thu để trả BHXH. Công ty cổ phần xây dựng 16 Vinaconex- 1 trong số các doanh nghiệp đang bị cơ quan BHXH khởi kiện vì nợ đọng bảo hiểm cũng đang lâm vào tình trạng trên. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thuận, Giám đốc Công ty cho biết, những năm trước đây công ty luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đóng BHXH, tuy nhiên do năm 2011 tình trạng đọng vốn ở các công trình quá lớn.

Danh sách nợ

Đơn cử như công trình Trung tâm thi đấu thể thao thành phố, Công ty đã hoàn thành xong hơn 3 năm nay nhưng tỉnh vẫn còn nợ 3 tỷ đồng chưa thanh toán. Chính vì nguồn thu hạn chế nên doanh nghiệp đành phải nợ bảo hiểm. Ông Thuận bày tỏ: hy vọng nguồn thu những tháng cuối năm sẽ đầy đủ để cuối năm sẽ đóng đủ bảo hiểm. Chúng tôi cũng đã đề xuất bảo hiểm làm việc với tỉnh, các khoản nợ của những công trình tỉnh đang nợ doanh nghiệp sẽ chuyển nạp trực tiếp sang cơ quan bảo hiểm. Tức là về ý thức trách nhiệm nạp bảo hiểm thì có nhưng do khó khăn đi quá điều kiện cho phép

Theo cơ quan BHXH tỉnh, năm 2010 đã có 4 doanh nghiệp nợ đọng BHXH bị khởi kiện bao gồm Công ty Nạo vét đường biển 2, Công ty cổ phần Xây dựng và tư vấn thiết kế cầu đường Nghệ An, Công ty cổ phần Gốm Vinh Viglacera, Công ty CP Công nghiệp ô tô Trường Sơn. Năm 2011, BHXH Nghệ An tiếp tục khởi kiện 2 đơn vị là Công ty Công trình giao thông miền Trung và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 24.

Và mới đây nhất, cơ quan BHXH Nghệ An đã công bố danh sách khởi kiện 17 doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, trong đó có tới 15 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng và giao thông. Hiện nay, BHXH tỉnh đang tiếp tục chuyển hồ sơ sang Toà án tỉnh đề nghị khởi kiện thêm 2 doanh nghiệp nữa, đó là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 24 và Công ty công trình Giao thông Miền Trung. Ông Ngô Ngọc Thanh, trưởng phòng Quản lý thu- BHXH tỉnh Nghệ An cho biết : khó khăn nhất của công tác thu hồi nợ đọng BHXH đó là đối với các đơn vị làm ăn SXKD kéo dài, việc thu hồi nợ khó nhất, vì thực trạng các đơn vị này sản xuất không có hiệu quả, người lao động không việc làm, tiền lương không có, thu nhập không có thì không có tiền đóng BHXH cho người lao động.

Mặc dù, cơ quan BHXH Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp, song tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Các doanh nghiệp vẫn không tích cực trả nợ, số tháng nợ và số tiền nợ cứ tiếp tục luỹ tiến theo thời gian. Vậy, ngoài nguyên nhân do khó khăn về kinh tế, có còn nguyên nhân nào khác dẫn tới tình trạng trên hay không?

Kỳ II: Cần một chế tài đủ mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ I: Những con nợ khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO