Kỳ 3: "Quặng tặc" bao giờ mới dẹp bỏ?

NGUYÊN VI (Nghệ An)| 17/12/2011 06:25

Trong mấy năm trở lại đây tình hình khai thác quặng trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã trở thành vấn đề rất nhức nhối, đến nay vấn nạn trên chưa thể ngăn chặn được đã gây ra nhiều hậu quả xấu, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Kỳ 3:

Trong mấy năm trở lại đây tình hình khai thác quặng trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã trở thành vấn đề rất nhức nhối, đến nay vấn nạn trên chưa thể ngăn chặn được đã gây ra nhiều hậu quả xấu, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Thực tế trên đang diễn ra trong sự bất lực của chính quyền địa phương...

>> Kỳ 2: Quặng thiếc và nỗi kinh hoàng... bùn thải
>> Kỳ 1: Tan hoang vùng "rốn" quặng

Cán bộ xã cũng là..."quặng tặc"

Các "quặng tặc" đang thảnh thơi nghỉ giải lao bên bãi quặng trái phép - ảnh N.V

Trên con đường ngoằn nghoèo từ cụm công nghiệp nhỏ Châu Quang đi vào mấy lèn đá cao chót vót, trước mắt chúng tôi hiện ra con suối với màu đỏ quạch, đặc quánh bùn đất đang từ từ chạy ra vắt vẻo qua mấy ngọn núi, qua nhiều hang động rồi đổ ra khe Nậm Nhộng.

Được biết đây là con khe cung cấp nước tưới tiêu cho gần trăm ha lúa nước của xã Châu Quang, tuy nhiên do khe đã bị ô nhiễm, nguồn nước khô cạn nên hầu hết lúa nước đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Xã Châu Quang bị mất hoàn toàn 10ha lúa nước không thể sản xuất, 300/400ha sản xuất không hiệu quả vì... ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do dòng nước này bị ô nhiễm trầm trọng như vậy là do tình trạng khai thác quặng thiếc trái phép đang diễn ra phía thượng nguồn.

Ngoài nguồn ô nhiễm từ xã Châu Hồng do người dân khai thác tự do thì khu vực hang Nậm Nhộng cũng bị quặng tặc cày xới tơi tả. Hàng ngày, dòng người nườm nượp đi vào khu vực này để "hành nghề". Họ mang theo cuốc xẻng, máy hút, máy sàng vào cày xới lòng hang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước đỏ quạch có nổi váng dầu mỡ khiến cho các loại thuỷ sinh không thể sống nổi.

"Đại bản doanh" hoạt động mạnh nhất của quặng tặc tại khe Nậm Huống (xã Châu Tiến) - ảnh N.V

Theo tìm hiểu của chúng tôi, "quặng tặc" có đầy đủ "lai lịch", từ người nông dân bỏ "nghề" nông nghiệp đến cán bộ xã, một số cán bộ xã "kiêm" luôn nghề "quặng tặc". Theo thông tin từ UBND xã Châu Quang, kế toán của xã này là ông Võ Tuấn Anh cũng tham gia khai thác quặng trái phép, xã đã nhiều lần nhắc nhỏ nhưng không được nên buộc phải xử phạt và khiển trách, cuối cùng ông này mới chịu bỏ "nghề".

Chưa hết, tại khu vực khe Nậm Huống thuộc các xã Châu Thành và Châu Cường, tình trạng "mót" quặng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay. Việc mót quặng diễn ra ngay giữa dòng khe, người dân đào bới và đãi quặng trực tiếp xuống khe khiến cho nguồn nước quanh năm đục ngầu, dòng chảy bị thay đổi, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tình trạng mót quặng và khai thác quặng trái phép đang diễn ra rất phổ biến và công khai trên địa bàn các xã có nhiều quặng thiếc như Châu Hồng, Châu Quang, Châu Cường, Châu Thành, Châu Tiến...thực trạng trên diễn ra đã hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để đẩy lùi vấn nạn này.

Cận cảnh quặng tặc "đại náo" các dòng khe ở Quỳ Hợp - ảnh N.V

Ngoài những "điểm nóng" kể trên, tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện miền núi Quỳ Hợp và Tân Kỳ cũng có rất nhiều mỏ khai thác thiếc lậu hoạt động. Do hoạt động khai thác rất không an toàn nên mới đây nhất (đầu tháng 5/2011) đã xẩy ra vụ tai nạn khiến 2 anh Vi Văn Tiến (27 tuổi) và Vi Văn Hoàng (25 tuổi), cả hai đều trú tại bản Bồn, xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) chết ngạt dưới hầm quặng độ sâu 10m.

Nạn "quặng tặc", bao giờ mới dẹp bỏ?

Một sự thật mà từ lãnh đạo các xã đến lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đều thừa nhận, đó là tình trạng khai thác quặng, mót quặng trái phép đang diễn ra rất mạnh và ngày càng có chiều hướng phức tạp.

Ông Lô Văn Mỏ, Chủ tịch UBND xã Châu Cường thẳng thắn: "nói thật là việc mót quặng diễn ra đã hàng chục năm nay, chủ yếu là người dân nghèo, không có việc gì làm nên họ đi mót quặng kiếm sống qua ngày. Cùng với những đơn vị khai thác ở thượng nguồn đổ xuống và khu vực Suối Bắc (giáp với xã Châu Hồng - PV) việc mót quặng gây ô nhiễm nặng cho dòng khe, nước khe suối quanh năm đục ngầu. Trước thực trạng đó, chúng tôi đa tiến hành nhiều cuộc truy quét nhưng thật sự là rất khó chấm dứt tình trạng này".

Hình ảnh nguồn nước đỏ quạch ở hạ nguồn khe Nậm Huống, dòng khe đang bị ô nhiễm trầm trọng - ảnh N.V

Còn ông Nguyễn Ngọc Luyện, Chủ tịch UBND xã Châu Quang thì cho rằng: "Việc khai thác quặng trái phép diễn ra trên địa bàn là rất phổ biến, chúng tôi cũng đã kiểm tra thường xuyên, tuy nhiên do lực lượng mỏng, cộng thêm địa hình hiểm trở nên việc truy quét, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế".

Về việc ô nhiễm tại hang Nậm Nhộng, ông Luyện cho rằng: "Đó là do nguồn nước ô nhiễm từ việc khai thác ở xã Châu Hồng đi vào các hang caster chảy xuống địa phần xã chúng tôi chứ riêng khai thác ở xã Châu Quang thì không thể ô nhiễm đến như vậy"(!?).

Về vấn đề khai thác quặng trái phép, mót quặng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các dòng khe đầu nguồn, ông Vi Thanh Tường, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thừa nhận: "Tại các khe đầu nguồn hiện nay nguồn nước luôn bị đục và có màu đen thẫm, đó là màu của nước đã bị nhiễm asen (một loại chất độc có thể gây 19 bệnh khác nhau, trong đó có ung thư da và phổi - PV) do các đơn vị khai thác dùng trong quá trình sơ chế. Chúng tôi cũng luôn kiểm tra công tác khai thác tại các Công ty. Tuy nhiên hiện nay cái khó là việc khai thác tự do vẫn diễn ra tràn lan, nhất là việc mót quặng tại khe Nậm Huống, hang Nậm Nhộng và nhiều nơi giáp ranh giữa các xã vẫn đang rất phổ biến khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề".

Về hướng xử lý khai thác quặng trái phép và mót quặng, ông Tường cho biết: "Quả thật xử lý khai thác lớn thì làm được nhưng việc xử lý mót quặng rất khó vì dân ở đây nghèo khổ nên họ chỉ làm để kiếm dăm chục bạc mua gạo trong mùa giáp hạt. Mình làm "căng" quá cũng tội".

Trước thực trạng khai thác quặng trái phép diễn ra tràn lan đã khiến cho môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn Quỳ Hợp bị ô nhiễm trầm trọng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Kỳ 4: Nhức nhối chế biến đá "chui" bức tử sông Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 3: "Quặng tặc" bao giờ mới dẹp bỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO