Kinh tế VN qua đánh giá của dư luận thế giới

Nguồn Nhà báo và Công luận| 04/09/2009 01:01

Tạp chí Investor’s Business Daily vừa đưa ra dự báo, trong tương lai không xa, VN có thể tiếp bước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trở thành “con hổ” mới của khu vực.

Kinh tế VN qua đánh giá của dư luận thế giới

Tạp chí Nhật báo kinh doanh Nhà đầu tư (Investor’s Business Daily) vừa đưa ra dự báo, trong tương lai không xa, Việt Nam có thể tiếp bước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trở thành “con hổ” mới của khu vực.

Đây là một trong số rất nhiều đánh giá mang tính khách quan nói về tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là khả năng phục hồi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam - điểm du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á

Việt Nam - thị trường viễn thông sôi động ở Đông Nam Á

Trong báo cáo thường niên mang tên Việt Nam - viễn thông, di động, băng thông rộng và những dự báo, Tập đoàn tư vấn Business Wire (BW) đã đưa ra cái nhìn tổng thể và những xu hướng triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Cũng theo BW thì mặc dù rất mới mẻ nhưng thị trường viễn thông Việt Nam đang phát triển rất sôi động và thực sự trở thành thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng theo BW, giống như các quốc gia khác đều bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì lạm phát và kích cầu kinh tế phát triển nên tương lai Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia sớm thoát khỏi khủng hoảng này.

Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong điều kiện khó khăn

Đó là nhận định và cũng là nhan đề bài viết của ông J. Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đăng trên bản tin ASEAN Economic Bulletin số ra tháng 4/2009. Bài viết đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong 2 thập kỷ trở lại đây cũng như những tác động của suy thoái toàn cầu mà Việt Nam phải gánh chịu. Đặc biệt là chương trình cải cách các doanh nghiệp lớn do Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này sử dụng có hiệu quả đồng vốn, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, tạo thêm công ăn việc làm, tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, thâm hụt tài chính thương mại. 

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng, nhờ kinh nghiệm thu được trong hai thập kỷ với mức tăng trưởng GDP bình quân trên 7% năm, Việt Nam có thêm được nhiều bài học quý báu, giúp người dân có “cái ăn cái để” để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế. Sở dĩ Việt Nam đạt được thành tựu này là do Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp kích cầu mang tính thời sự và phù hợp, trong đó có cả các giải pháp mang tính cứng rắn đối với các doanh nghiệp Nhà nước và kiểm soát sự đa dạng hoá các doanh nghiệp này trong lĩnh vực tài chính.

Năm 2009, Việt Nam phá kỷ lục về xuất khẩu gạo

Tờ Bloomberg trực tuyến của Mỹ số ra gần đây đã trích dẫn nguồn tin của Tổ chức Nông – lương Thế giới (FAO) cho biết chưa bao giờ Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục như hiện nay. Theo FAO thì năm nay Việt Nam có thể đạt mức xuất khẩu 5,4 triệu tấn, đứng sau Thái Lan (8,3 triệu tấn) so với 5,2 triệu tấn của năm 2005. Cũng theo FAO thì Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này, nhất là về giá vì gạo của Việt Nam rẻ hơn gạo Thái Lan tới trên 160 USD/tấn.

Việt Nam nằm trong Top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới

Đầu tháng 7, Quỹ News Economics Foundation của Anh đã công bố danh sách những nước sống hạnh phúc nhất thế giới hay còn gọi là chỉ số HPI (Happy Planet Index - Chỉ số hành tinh hạnh phúc) trong đó 10 vị trí đầu lại không thuộc về các nước có nền kinh tế phát triển mà người ta quen gọi là các quốc gia giàu có mà phần lớn nằm ở các nước đang phát triển vùng Mỹ Latinh, Caribe và châu Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất của khu vực châu Á có tên trong danh sách với vị trí khiêm tốn thứ 5. 

So với các chỉ số khác như GDP (Chỉ số thu nhập bình quân đầu người), HDI (chỉ số phát triển con người) thì chỉ số HDI trọng tâm đến yếu tố như tuổi thọ, thoả mãn cuộc sống của người dân và ít chú ý đến tiêu chí về kinh tế. Trong khi Việt Nam xếp thứ 5 thì Trung Quốc xếp thứ 20, Singapore xếp thứ 49, Hàn Quốc xếp thứ 68 và Nhật Bản xếp thứ 75, Mỹ xếp thứ 144, Anh 74, Pháp 71 và Đức 51. Đây là bảng xếp hạng được thực hiện ở 143 quốc gia, dựa trên mối quan tâm đến mức độ thoả mãn cuộc sống của người dân, mức tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo, đa dạng hoá hệ sinh thái.

Việt Nam chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tạp chí Thế giới đương đại của Trung Quốc số ra cuối tháng 7 đã có bài viết nói về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam. Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia với trên 70% dân số nông nghiệp nhưng nhờ chính sách đổi mới, mở cửa mà Việt Nam không chỉ lo đủ cái ăn cái mặc mà còn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Nhằm không ngừng hoàn thiện, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình để nhằm tạo ra bộ mặt nông thôn, nông nghiệp mới, trong đó trọng tâm đến kế hoạch “ba bước” đổi mới chính sách đất đai, gồm 3 giai đoạn. Một là chuyển từ chế độ tập thể hoá nông nghiệp sang chế độ khoán đến từng hộ gia đình (cuối thập kỷ 80). Giai đoạn 2 từ năm 90 xây dựng chế độ về nền sở hữu đất đai lấy “5 quyền” làm trọng tâm và giai đoạn 3 là thúc đẩy thêm một bước thương mại hoá quyền sử dụng đất và quy mô hoá kinh doanh đất đai trên cơ sở xây dựng chế độ về quyền sở hữu đất đai làm mục tiêu chính.

Việt Nam - điểm du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á

Trong số ra đầu tháng 6/2009 tờ Independence của Anh đã đăng tải bài viêế ca ngợi về tiềm năng du lịch của Việt Nam, xem Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Theo Independence, trung bình mỗi năm Việt Nam thu hút khoảng 4 triệu lượt khách và ngày càng nhiều du khách nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, đơn giản, Việt Nam có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, khách sạn cao cấp, nhiều bãi biển đẹp, trong khi đó chi phí sinh hoạt lại phải chăng, môi trường thân thiện, người dân mến khách nhưng quan trọng hơn, Việt Nam là nơi rất an toàn cho du khách thập phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế VN qua đánh giá của dư luận thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO