Kinh tế Việt Nam: Ngẫm chuyện thay đổi

BÍCH HỒNG| 16/02/2018 06:56

Trong bữa tiệc cuối năm 2013 của giới doanh nghiệp miền Trung, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã nói về tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Nhớ lại, đó là một năm kinh doanh vất vả bởi những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Kinh tế Việt Nam: Ngẫm chuyện thay đổi

Tiếng ông Trần Đình Thiên vẫn nhỏ nhẹ, liệu có ai cảm nhận được những dự báo nặng nề như sấm sét. Cuối cùng không khí yên lặng dần khi nghe chuyên gia dự báo. TS. Trần Đình Thiên nói đại ý thế này: TPP sẽ "nuốt chửng" tất cả chúng ta. Thế nhưng tại sao Chính phủ vẫn phải ráo riết, bở hơi tai đàm phán hiệp định này? Là do hình dung ký Hiệp định TPP như "mở một con đường máu" về kinh tế, mong thoát khỏi nguy khốn. Con đường máu hoàn toàn theo nghĩa đen. Hoặc là thoát, hoặc là chết. Dĩ nhiên ông nào (doanh nghiệp) mạnh, ông ấy thoát, ông nào yếu, ở lại với nền kinh tế FDI.

4 năm đã trôi qua kể từ hôm đó. Hiệp định TPP vẫn chưa được ký kết. Hoa Kỳ thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP còn Canada thì do dự. Hiệp định TPP phải đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Trans Pacific Partnership), hay còn gọi là TPP11 (không có Hoa Kỳ) để phù hợp với các đối tác tham gia lẫn nội dung hợp tác và cũng để đàm phán tiếp sau phiên họp căng thẳng tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Tin tốt lành là trong cuộc họp báo sau đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Phạm Bình Minh - cho biết, có khoảng 20 tỷ USD nằm trong các thỏa thuận hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Link bài viết

Tại Hội thảo khoa học quốc tế Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng, diễn ra ngày 24/11/2017 tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã dự báo, trong giai đoạn 2018 - 2020, các lợi thế so sánh của nền kinh tế như chi phí lao động rẻ sẽ mất dần so với các nước chi phí thấp khác. Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Lợi ích tự do hóa thương mại sẽ mất dần. Nguy cơ bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" có thể xảy ra. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 6,75%/năm.

Qua theo dõi các nội dung trao đổi trong phiên đối thoại giữa thành viên APEC và ASEAN tại Đà Nẵng cuối năm rồi, có thể thấy nhiều nỗi lo âu về sự bất ổn chính trị ở khu vực châu Á. Sự căng thẳng leo thang theo mỗi trái tên lửa của Triều Tiên bắn ra biển đã đặt các doanh nghiệp trong sự tính toán rằng nếu khả năng chiến tranh xảy ra tại khu vực thì không một nước nào không chịu rủi ro về kinh tế.

Công nghệ số, thông tin toàn cầu cho thấy "quyền lực thị trường lớn" của Trung Quốc và Ấn Độ. Với dân số ngót nghét 1,4 tỷ của Trung Quốc và 1,35 tỷ của Ấn Độ cũng như vị thế cường quốc kinh tế trong tương lai gần, các nước này đã chứng tỏ quyền lực tác động đến thị trường toàn thế giới.

Đầu năm 2017, đi vòng quanh các điểm phục vụ du khách ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy khách du lịch Trung Quốc được chào đón bởi sức mua cao. Thế nhưng kể từ tháng 3/2017, do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc sau khi Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, đảo Jeju của Hàn Quốc không còn thấy bóng dáng một du khách Trung Quốc nào.

Đó là một sự "trừng phạt" nhắm vào kinh tế, bởi tuần lễ nghỉ Quốc khánh đầu tháng 10 của Trung Quốc được dự đoán có khoảng 710 triệu lượt người du lịch, trong đó khoảng 2% đến xứ Hàn. Thế nhưng, du khách chỉ là những cá nhân lẻ tẻ. Đột nhiên mất một thị trường lớn, Hàn Quốc đã có động thái "xả cảng": Nới các điều kiện để hút khách du lịch nước khác, trong đó có Việt Nam.

Visa được cấp nhanh, không phải chứng minh tài chính hay trình sổ tiết kiệm rất mất lòng du khách như trước đây. Nhưng, thực tế là khách du lịch Việt Nam không thể lấp chỗ trống về lượng cho thị trường du lịch Hàn. Bên cạnh đó, các tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc vẫn còn "xính vính" vì sự trừng phạt "cứng" và "mềm" của thị trường Trung Quốc. Lotte - tập đoàn đa ngành lớn thứ 5 Hàn Quốc - dự báo doanh thu tại Trung Quốc sẽ mất hơn 1.000 tỷ won (885 triệu USD) trong năm 2017, khi người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc.

Link bài viết

Doanh số của Hyundai Motor và Kia Motors tại Trung Quốc cũng giảm gần 50% doanh thu trong 7 tháng năm 2017. Lợi nhuận của tập đoàn mỹ phẩm AmorePacific cũng mất gần 30% trong nửa đầu năm ngoái. Hãng bánh kẹo Orion phải sa thải một phần năm nhân lực tại Trung Quốc và lợi nhuận nửa đầu năm 2017 giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Nên biết là doanh thu năm 2016 của Orion tại Trung Quốc là 1.300 tỷ USD, chiếm 50% tổng doanh thu của hãng này.

Đó là sự hé lộ một phần sức mạnh "thị trường dân số", về những biến động chính trị sẽ tác động vào kinh tế trong khu vực Đông Bắc Á và ASEAN. Đó là sự lo âu khi du lịch của Việt Nam đang dần lệ thuộc vào 2 thị trường chính là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thử nhìn những trung tâm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, khách Trung Quốc và Hàn Quốc đang chiếm tới 60% tổng du khách nước ngoài với ước tính 7 triệu khách Hàn và Trung đến Việt Nam trong năm 2017. Hạ tầng du lịch phát triển nhanh chóng, thậm chí thời gian gần đây người ta thấy mỗi tuần Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang khai trương một khách sạn. Đó là lối đầu tư mạo hiểm bởi tầm nhìn ngắn hạn, lệ thuộc vào một vài thị trường trong khu vực.

Nếu cách nay 4 năm, TS. Trần Đình Thiên gọi kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế FDI (đầu tư bởi doanh nghiệp nước ngoài), thì hiện nay cũng không khá gì hơn. Và như vậy, chỉ cần chút biến động về quan hệ chính trị giữa các nước với nhau đã đủ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong nước.

Từ thực tế của Hàn Quốc và "đòn trừng phạt" qua mạng xã hội ở Trung Quốc tạo nên làn sóng tẩy chay hàng hóa Hàn, từ việc không đi du lịch Hàn Quốc cho đến những dấu hiệu bất ổn trong khu vực đều liên quan đến kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Hôm nay, các công ty lữ hành, nhập khẩu Việt Nam được chào đón từ đối tác Hàn Quốc trong cảnh khó khăn của họ, ngày mai cục diện lại có thể thay đổi.

Nhớ lại nội dung bài nói chuyện của TS. Trần Đình Thiên về "mở đường máu cho nền kinh tế" bằng các hiệp định hợp tác quốc tế đa phương như TPP, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam: Ngẫm chuyện thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO