Kinh tế số cần được thúc đẩy hơn nữa

Song Anh| 19/12/2019 01:00

Kinh tế số là lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) muốn tập trung đầu tư vào Việt Nam, nhưng hiện nay hạ tầng, cơ sở nền tảng của Việt Nam chưa đủ để đáp ứng được mục tiêu này.

Kinh tế số cần được thúc đẩy hơn nữa

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam.

Do đó, để thu hút đầu tư, những vấn đề liên quan đến kinh tế số cần được thúc đẩy hơn nữa, Đại sứ EU tại Việt Nam - ông Giorgio Aliberti chia sẻ.

* Dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao. Ông nhận xét thế nào về điều này?

- Tôi cho đây là điểm tích cực, thể hiện sự hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI với công nghệ cao. Các nhà đầu tư EU thông qua dòng vốn này, thể hiện sự tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số. Không chỉ các công ty thuộc EU mà còn nhiều công ty ở các nền kinh tế khác cũng nhận thấy điều này. Họ tự tin đầu tư vào Việt Nam khi thấy được quyết tâm của Chính phủ Việt Nam hướng tới môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, không phải không có những thách thức, bởi vì để tạo ra môi trường để thu hút đầu tư, những vấn đề liên quan đến kinh tế số cần được thúc đẩy hơn nữa. Chẳng hạn, xử lý dữ liệu như thế nào hay cách tiếp cận đối với nền kinh tế số hiện đại với hạ tầng phù hợp, đó là những vấn đề Việt Nam phải đáp ứng.

Đến năm 2018, EU có gần 25 tỷ USD của hơn 2.000 dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam. FDI từ EU vào Việt Nam đa số có chất lượng cao. Các nhà đầu tư EU được đánh giá là mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa.

* Nhưng với những gì đang có thì dường như đường đến nền kinh tế số còn xa?

- Đúng vậy, nên chúng tôi có thể đồng hành, giúp Việt Nam có được sự chuyển đổi đó. Tuy nhiên, kinh tế số không thể diễn ra một sớm, một chiều. Hiện nay, về hạ tầng, cơ sở nền tảng của Việt Nam là chưa đủ để đáp ứng được mục tiêu này. Do đó, phải nỗ lực cùng nhau để tạo ra môi trường thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển.

* Trong mắt các nhà đầu tư EU, Việt Nam vẫn còn chậm trong việc đưa ra những chính sách nền tảng đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế số. Ông nói gì về điều này?

- Tôi không thể đưa ra bình luận từ góc độ của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng còn nhiều việc phải làm và công việc không hề đơn giản. Cần đi vào những chi tiết cụ thể để xử lý một cách cụ thể từng vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số của Việt Nam.

* Việt Nam cần rất nhiều yếu tố để phát triển kinh tế, tại sao ông chỉ quan tâm đến kinh tế số?

- Kinh tế số là một lĩnh vực chúng tôi muốn tập trung hỗ trợ Việt Nam bên cạnh nhiều lĩnh vực khác như kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch... Những lĩnh vực này đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để chuyển đổi. Chẳng hạn, cần có cách nhìn mới về năng lượng liên quan đến tiêu dùng, sản xuất. Với kinh tế số, nếu thay đổi hệ thống sản xuất trong ngành công nghiệp theo hướng xanh hơn, sẽ thấy nó gắn kết trực tiếp với kinh tế số, cũng như cách thức tiêu dùng, sản xuất tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách góp phần thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam. Cách tiếp cận của chúng tôi là như vậy.

Các công ty của EU có nhiều kinh nghiệm và công nghệ, sẽ trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam để phát triển kinh tế số. EU sẽ hỗ trợ kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm về phát triển kinh tế số cho Việt Nam, từ đó mang lại lợi ích cho xã hội, tạo ra môi trường tốt hơn từ sự phát triển của công nghệ. Theo đó, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu tiên sẽ tập trung vào điện khí hóa nông thôn, nâng cao năng lực quản trị công.

* Cảm ơn ông!

SONG ANH thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế số cần được thúc đẩy hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO