Kinh tế năm qua: Bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê

05/01/2010 06:47

Năm 2009 kết thúc với toàn cảnh kinh tế Việt Nam khá sáng sủa. Nhiều chỉ tiêu vĩ mô đã xoay chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng ở mức khá...

Kinh tế năm qua: Bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê

Năm 2009 kết thúc với toàn cảnh kinh tế Việt Nam khá sáng sủa. Nhiều chỉ tiêu vĩ mô đã xoay chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng ở mức khá: GDP tăng vượt mục tiêu, lạm phát được kiềm chế, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh chóng, đầu tư trong nước khơi thông, tỷ lệ hộ nghèo giảm…

Cơ cấu kinh tế tuy bước đầu có chuyển dịch nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất.

Tuy nhiên, nổi lên trong năm qua là 4 hạn chế yếu kém, tồn tại ngay trong những kết quả đạt được. Tổng cục Thống kê đã làm rõ những vấn đề này tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2009, tổ chức ngày 31/12.

Thứ nhất, nhận xét về kết quả tăng trưởng 5,32% trong năm nay, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP tuy đã tăng lên, vượt qua giai đoạn suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả.

Năm 2009, vốn đầu tư phát triển đạt 704,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Với kết quả này, tỷ lệ đầu tư so với GDP đã tăng từ mức 41,3% trong năm 2008 lên mức 42,8% năm 2009. Tuy nhiên, tăng trưởng lại sụt giảm từ mức tăng 6,18% xuống 5,32%.

“Tăng trưởng chưa thật vững chắc, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao… Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Hòa nhận xét.

Làm rõ thêm quan điểm cấp lãnh đạo cao nhất của mình, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường cho biết thêm, năng suất các yếu tố tổng hợp TFP có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Theo tính toán của ông Cường, giai đoạn 2004 - 2009, TFP khoảng 15,1%. Trong khi đó, giai đoạn 2003 - 2008 là 15,53%. “Như vậy là đóng góp vào tăng trưởng có giảm”, ông Cường nhận xét.

Thứ hai, cơ cấu kinh tế tuy bước đầu có chuyển dịch nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất.

Năm 2009, cơ cấu tổng sản phẩm 3 khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ lần lượt là 20,66%; 40,24%; và 39,1%. Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ trọng này không khác nhiều so với năm 2008 và những năm gần đây.

“Cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý, chưa phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước”, Thứ trưởng Hòa dẫn lại nội dung báo cáo trong phần phát biểu của mình.

Thứ ba, Tổng cục Thống kê cho rằng các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc.

Cụ thể, nhập siêu hàng hóa năm 2009 tuy giảm 32,1% so với năm 2008 nhưng vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; nhập siêu dịch vụ bằng 18,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 17% so với năm 2008. Trong khi đó, kiều hối được dự báo sẽ giảm khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ USD trong năm nay; dòng vốn FDI giảm lượng vốn chảy vào và tăng lượng tiền rút ra…

Một số chuyên gia cho rằng thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm nay sẽ nghiêm trọng hơn so với nhiều năm trở lại đây.

Một điểm đáng chú ý khác, lạm phát trong năm 2009 tuy đã được khống chế nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

Phân tích các yếu tố gây áp lực tăng lạm phát hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ Giá cả Nguyễn Đức Thắng trước đó cho rằng, tác nhân có cả cầu kéo, chi phí đẩy và nhập khẩu lạm phát.

Đồng tình với quan điểm này ông Cường phân tích thêm, tăng trưởng cung tiền M2 đã đạt gần 29%; trong khi đó, tín dụng cho nền kinh tế cũng tăng gần 38%. Trong tương quan so sánh tiền - hàng, tăng trưởng GDP thực tế chỉ 11,4% trong năm nay không thể tạo vị thế cân bằng. Thêm vào đó, mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế nhưng đã lên tới 7% GDP trong năm nay.

Trong khi đó, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng lên, chưa kể phụ phí đươc có xu hướng gia tăng trong hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, chi phí tiền lương cũng sẽ tăng trong năm 2010. Nhưng ngược lại, nhiều chính sách hỗ trợ đã được cắt giảm vào cuối năm 2009 vừa qua. Có nghĩa rằng, doanh nghiệp phải thêm chi phí.

Thêm nữa, xu hướng tăng giá của thế giới là rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng sắp tới sẽ phải tăng nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đầu vào.

Thứ tư, Tổng cục Thống kê cho rằng một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, cả nước có 1,3 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp với tỷ lệ thất nghiệp là 2,9%, cao hơn mức 2,38% của năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn còn 12,3% (năm 2008 là 13,4%).

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng; tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện trên tất cả các khâu từ sản xuất đến bảo quản, giết mô và chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản, báo cáo của Tổng cục Thống kê chốt lại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế năm qua: Bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO