Kinh tế có triển vọng khởi sắc

14/04/2014 06:39

Triển vọng kinh tế đang tăng lên - đó là nhận định tại báo cáo tình hình kinh tế quý I của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (GSTCQG).

Kinh tế có triển vọng khởi sắc

Cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa, thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Triển vọng kinh tế đang tăng lên - đó là nhận định tại báo cáo tình hình kinh tế quý I của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (GSTCQG).

Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tổng cầu, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất

Các chỉ số tốt nhất kể từ đầu năm 2012

Căn cứ để Ủy ban GSTCQG đưa ra nhận định trên là các chỉ số về khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp (DN) đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012. Theo đó, tỉ số thanh toán hiện thời, thanh toán nhanh và lãi vay đều được cải thiện đáng kể, tương ứng đạt 1,42 lần, 0,87 lần và 2,85 lần. Đòn bẩy tài chính (tỉ lệ nợ/tổng vốn) cũng giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 (59,79%). Hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng được cải thiện so với năm 2012.

Đáng lưu ý là khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Theo điều tra của Ủy ban GSTCQG trong tháng 2, có 17% số hộ gia đình được hỏi cho biết có dự định đầu tư vào sản xuất, tăng đáng kể so với mức 6% tại cuộc điều tra năm 2013. “Kinh tế vĩ mô ổn định cùng với tình hình DN được cải thiện giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường chứng khoán khởi sắc” - Ủy ban GSTCQG đánh giá. Trong thời gian này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp ghi nhận những tiến bộ mới kể từ năm 2009 và lọt vào danh sách thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong quý I/2014. Chỉ số VN-index đã tăng hơn 19% so với cuối năm 2013, lên mức cao nhất (601 điểm) kể từ tháng 11-2009.

Hệ thống ngân hàng cũng có những chuyển biến tích cực, chất lượng tài sản được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống khá tốt. Tính đến ngày 13/3, huy động vốn tăng 1,92% nhưng tín dụng vẫn giảm 1,05%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm nhưng huy động tiền gửi dân cư vẫn tăng khá.

Tiếp tục hỗ trợ tổng cầu

Tuy nhiên, Ủy ban GSTCQG cũng nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8% đang khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Vấn đề đáng lưu ý là tổng cầu chậm cải thiện với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng không cao hơn so với mức tăng của các năm trước. Tăng trưởng tín dụng vẫn âm trong quý I cho thấy đầu tư tư nhân chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, chi đầu tư phát triển quý I giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng.

Ủy ban GSTCQG cũng lo ngại bởi khu vực nông nghiệp vẫn khó khăn về đầu ra và giá cả, đặc biệt là mặt hàng gạo. “Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) của khu vực này đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng 2,8%” - Ủy ban GSTCQG cho biết.

Từ thực trạng trên, Ủy ban GSTCQG khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt, cần hỗ trợ nông dân về giá nông sản, giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ DN, người sản xuất trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngân sách, trái phiếu Chính phủ và chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỉ giá cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa thích hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế có triển vọng khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO