Kinh tế 6 tháng: Phía sau con số tăng trưởng GDP

05/07/2009 05:55

Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng chỉ vỏn vẹn 3,1% trong quý 1/2009, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thì đến quý 2, GDP bất ngờ tăng tốc và đạt 4,5%.

Kinh tế 6 tháng: Phía sau con số tăng trưởng GDP

Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng chỉ vỏn vẹn 3,1% trong quý 1/2009, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thì đến quý 2, GDP bất ngờ tăng tốc và đạt 4,5%. Tính chung lại, GDP của Việt Nam sáu tháng đầu năm 2009 tăng 3,9%, thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Tại buổi họp báo công bố thống kê kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2009 của Tổng cục Thống kê, tổ chức ngày 1/7, nhiều thông tin liên quan đến con số tăng trưởng 3,9% đã được các chuyên gia của Tổng cục "hé mở".

Tiêu dùng của dân thực chất đã giảm

Trong khi các chỉ tiêu như vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng qua tăng 18,1%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ cùng thời kỳ cũng tăng 20%, chi tiêu công, xuất khẩu ròng cũng tốt hơn các năm trước, thì vì sao GDP chỉ tăng rất thấp?

Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia: Theo số liệu thì tổng mức tiêu dùng, doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2008 tăng 7,6%, của năm nay tăng 8,8% (đã loại trừ yếu tố giá). Như vậy có nghĩa là sức mua có dấu hiệu phục hồi.

Nhưng chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, vẫn giảm. Vì xử lý tổng mức bản lẻ, về mặt kỹ thuật, hơi khác một chút.

Theo quy ước, bán lẻ là bán cho người tiêu dùng, nhưng thực tế, trong tổng mức bán lẻ không phải tất cả đều bán cho người tiêu dùng mà có một bộ phận vẫn bán tư liệu sản xuất. Không ai người ta ăn thuốc trừ sâu ở đây cả.

Thứ hai, trong tổng mức bán lẻ, các cơ quan, tổ chức vẫn mua trong đó và phải được tính vào chi phí trung gian. Ví dụ Tổng cục Thống kê mua giấy. Hay với xăng, rất nhiều ôtô của cơ quan đến quấy bán lẻ để mua.

Nên khi xử lý sang tiêu dùng của người dân là phải loại trừ cái đó. Nếu như theo cách đó, chúng tôi tính rằng tiêu dùng cuối cùng là giảm, chứ không phải tăng.

Tích lũy thì hầu như không tăng, mặc dù vốn đầu tư là tăng. Về điểm này, chúng ta cần lưu ý là tích lũy liên quan đến tồn kho. Năm ngoái tốn kho khoảng 5% GDP, tức là cỡ khoảng 4,5 tỷ USD.

Như vậy, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp phải bán tồn kho đã. Và sản xuất trừ tồn kho đi thì chỉ tăng có mức độ thôi.

Ví dụ như vừa rồi chúng tôi đi Phú Thọ, tại Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, hầu như 6 tháng đầu năm chỉ giải quyết 40.000 tấn tốn kho, hay giấy cũng phải giải quyết 18.000 tấn tốn kho...

Cho nên với Phú Thọ, khu vực hai (lĩnh vực công nghiệp xây dựng) tăng trưởng âm 3,1% trong 6 tháng đầu năm. Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chủ yếu tập trung bán hàng thu tiền về.

Hay trong tay tôi có 9 tỉnh báo cáo về thì Vĩnh Phúc “mạnh dạn” đưa con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm âm 4,3%...

Nhưng ngược lại, xuất khẩu lại tăng. Mặc dù xuất khẩu theo báo cáo là giảm 10%, nhưng đó là về mặt giá trị. Còn về mặt lượng, 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo tăng 56%, hay dầu thô tăng về lượng 25%.

Mà khi tính GDP phải loại trừ yếu tố giá để quy về giá năm 1994. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tính về mặt lượng, xuất khẩu tăng.

Vậy khoản 2,3 tỷ USD tái xuất vàng có đóng góp như thế nào đến tăng trưởng GDP 6 tháng qua?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Về 2,3 tỷ USD xuất khẩu vàng, phải xét cơ cấu của nó. Nếu như cơ cấu vàng đã chế biến thành đồ trang sức xuất đi nhiều thì giá trị tăng thêm của nó đóng góp cho GDP sẽ cao.

Còn nếu chúng ta nhập vàng vàng miếng, vàng cục về mà không chế biến gì, xuất vàng vì giá vàng thế giới đầu năm nay cao thì đóng góp vào GDP không nhiều.

Ông Bùi Bá Cường: Về tái xuất vàng, nếu không loại trừ vàng, xuất khẩu giảm 10,1%. Nhưng nếu loại trừ vàng, xuất khẩu giảm 18%. Thông qua đó, cũng có thể thấy được một chút đóng góp của xuất khẩu vàng đến tăng trưởng GDP.

Tính theo tổng cung mà nói thì có thể cho rằng loại vàng ra, tăng trưởng GDP không đến 3,9%.

Nguy cơ tái lạm phát đang hiển hiện

Khi nói về con số tăng trưởng GDP 3,9%, Tổng cục Thống kê có nhận xét rằng tăng trưởng chưa vững chắc và lạm phát có khả năng quay trở lại. Xin giải thích rõ nhận định này?

Ông Bùi Bá Cường: Thứ nhất, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa chuyển cho chúng tôi báo cáo về cán cân thanh toán quốc tế của 6 tháng. Nhưng dựa trên số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 2,1 tỷ USD. Nếu trừ trị giá tái xuất vàng thì nhập siêu tăng lên 4,6 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng năm 2009 chúng ta sẽ nhập siêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là con số rất đáng lưu ý.

Thứ hai, liên quan đến thu chi ngân sách nhà nước, theo con số của chúng tôi nắm được, thu ngân sách Nhà nước dự toán năm 2009 của Quốc hội đề ra cỡ khoảng 390 nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, theo nhận định của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng khó đạt được dự toán thu 390 nghìn tỷ đồng. Và theo những con số mà chúng tôi có được, khả năng con số thực tế sẽ giảm khoảng từ 30 nghìn tỷ đồng đến 60 nghìn tỷ đồng so với con số tính toán.

Cùng với chính sách kích cầu, theo như Quốc hội vừa thông qua, khả năng bội chi sẽ lên đến khoảng 7% GDP.

Con số thứ ba, nếu tính GDP theo giá thực tế, 6 tháng đầu năm tăng 12,4%. Trong khi đó, lạm phát là 10,27%. Theo con số mà chúng tôi có được, tốc độ tăng cung tiền cũng đã vượt tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm (Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tổng phương tiện thanh toán đã tăng trên 16%, tăng trưởng tín dụng trên 17% - PV).

Ở đây chúng tôi muốn lưu ý, tăng trưởng cung tiền và GDP phải xoay quanh nhau, nếu không nói rằng cung tiền phải tăng thấp hơn GDP.

Nhìn lại năm 2008, chúng ta đã làm rất tốt vấn đề này. Nếu như tăng trưởng GDP thực tế năm 2008 là 29% thì cung tiền cỡ khoảng 20%. Thêm nữa, tổng dư nợ tín dụng năm 2008 tăng khoảng 25%, tức là cũng thấp hơn tăng trưởng GDP.

Trong khi đó thì 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng đã tăng vượt GDP. Điều này cũng có lý do. Năm nay, chúng ta đã đưa một loạt chính sách kích cầu, an sinh xã hội…

Tôi muốn dẫn nhận định của Tổng cục Thống kê là nền kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Và nguy cơ tái lạm phát đang hiển hiện nếu như chúng ta không làm tốt chính sách tài chính.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả: CPI tháng 6 tăng 2,68% so với tháng 12/2008. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nó thể hiện sự cố gắng, tính hiệu quả của các giải pháp của chính phủ hướng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2008 và trong thời gian vừa qua.

Nhưng, có một mục tiêu nữa là phải tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Và để đảm bảo tăng trưởng thì cũng có những ảnh hưởng tác động đến lạm phát.

Nhận định về các tháng còn lại của năm, chúng tôi cho rằng giá hàng hóa có thể tăng nhẹ trong những tháng tiếp theo. Thứ nhất là về nền kinh tế thế giới, Mỹ và một số nền kinh tế khác đã có dấu hiệu phục hồi.

Và sự phục hồi, do vậy nhu cầu về nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng lên và giá của các mặt hàng, đặc biệt là nguyên liệu thiết yếu có thể sẽ tăng cao. Như chúng ta thấy, giá dầu thô so với thời điểm đầu năm đã có những biến động mạnh và tăng lên. Và giá dầu thì còn tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa nữa.

Về kim ngạch nhập khẩu của chúng ta đã tăng trở lại, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu phụ vụ sản xuất. Và như vậy, nhập siêu 6 tháng cuối năm có thể sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Một nguyên nhân nữa, sau một khoảng thời gian dài thắt chặt tiền tệ thì sang năm 2009 có nới lỏng hơn. Tuy nhiên, những chính sách như giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, hay gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế… đều góp phần đưa lạm phát quay trở lại. Ngoài ra, nguyên nhân tiền tệ cũng có tác động đẩy lạm phát tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD so với VND tăng lên thì rõ ràng có ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước. Và trong 6 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá USD đã tăng 5,3% rồi.

Một yếu tố trong nước nữa là sau khi giá một số mặt hàng được điều chỉnh theo thị trường thì một số giá nguyên vật liệu như than, điện, nước đều đã tăng. Giá xăng dầu điều chỉnh đến hôm nay, 1/7, đã tăng 5 lần liên tục.

Việc tăng giá nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp một lần khi tăng giá mà nó còn ảnh hưởng gián tiếp các vòng tiếp theo đến nhiều hàng hóa khác.

Xét về tổng thể, cân đối cung cầu cho tới thời điểm này, theo một số dánh giá và dự báo thì vẫn đảm bảo, chưa có dấu hiệu thiếu hàng hay thiếu trong khâu cung. Nhưng hàng dù vẫn có nhưng chi phí đầu vào tăng.

Sản xuất trong nước cũng còn những diễn biến khó lường có thể xảy ra như thiên tai dịch bệnh… chúng ta cũng chưa thể lường trước được trong 6 tháng cuối năm.

Với những phân tích như vậy, chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, lạm phát vẫn có thể tăng ở mức chấp nhận được, tuy nhiên nguy cơ tái lạm phát có thể kéo tới tận năm sau.

GDP vẫn còn khả năng đạt mức tăng 5%

Tổng cục Thống kê có nhận định gì về khả năng đạt được mức tăng trưởng 5% trong năm nay?

Ông Đỗ Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,9%. Để cả năm đạt tăng trưởng 5% như Chính phủ đã trình Quốc hội thì 6 tháng còn lại phải tăng 5,9% so với 6 tháng cuối năm trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm: Bối cảnh kinh tế thế giới gần đây có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Ví dụ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng EU tăng từ 70,2 lên 72,5 điểm %. Rồi trong khu vực, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Thái Lan cũng tăng hơn 20%.

Ngay ở Mỹ cũng có dấu hiệu tốt. FED đã giữ nguyên lãi suất 0% để khuyến khích sản xuất. Rồi chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ cũng tăng.

Đó là dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Hay gần đây, Nga cũng có dấu hiệu phục hồi. Việt Nam cũng có tín hiệu tốt như trong ngành dệt may, thủy sản đãy ký nhiều đơn hàng. Doanh nghiệp dệt may bây giờ phải tuyển gấp lao động…

Còn ngành nào đóng vai trò dẫn dắt để chúng ta đạt mức tăng trưởng GDP 5% trong năm nay thì các nhà kinh tế đưa ra ngành xây dựng đáp ứng được yêu cầu này do độ co dãn lao động cao.

Theo tính toán của chúng tôi, nếu ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng trên 10% thì chúng tôi tin rằng GDP sẽ đạt mức 5% trong năm nay.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5% cũng có khả năng chúng ta đạt cao hơn với những dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh như vậy, cộng với các chính sách quyết liệt của chúng ta.

Ông Bùi Bá Cường: Về mặt cung thì nên tập trung vào khu vực 1 (nông - lâm - ngư nghiệp) và ngành công nghiệp xây dựng.

Thứ hai, về mặt cầu phải kích thích tiêu dùng. Như chúng tôi tính, 6 tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu về kích thích tiêu dùng. Sáu tháng đầu năm nay, tiêu dùng dân cư đã tăng trưởng âm cỡ khoảng xấp xỉ 10% so với 6 tháng đầu năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế 6 tháng: Phía sau con số tăng trưởng GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO