Kiềm chế lạm phát, cách nào?

Minh Hào| 11/06/2022 06:00

Xăng dầu, nguyên vật liệu liên tục tăng giá khiến chi phí sản xuất tăng cao, nhưng doanh nghiệp (DN) rất khó điều chỉnh giá bán và đang trông chờ các gói hỗ trợ tín dụng để kìm giá, góp phần giảm áp lực lạm phát.

Giá xăng dầu tăng đã đẩy chi phí nguyên liệu đầu vào của Bidrico tăng suốt thời gian qua. Theo tính toán của DN này, sau Tết Nguyên đán, chi phí đầu vào tăng đã khiến giá thành sản phẩm đồ uống của DN tăng đến 26%, vì vậy DN phải điều chỉnh giá bán tăng từ 5-8%. Liên tiếp trong hai tháng 4 và 5/2022, giá thành tiếp tục tăng 6-8% nhưng DN không thể tiếp tục điều chỉnh giá bán.

Ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, việc nguyên vật liệu đầu vào trong và ngoài nước liên tục tăng gây không ít khó khăn cho DN. Công ty phải cắt giảm chi phí, sản xuất với mức lợi nhuận thấp nhất để có thể tồn tại vì không thể điểu chỉnh giá bán trong điều kiện sức mua thấp như hiện nay.

Giá xăng dầu tăng cao đã gây ra hiệu ứng dây chuyền lên tất cả các mặt hàng hóa của một chuỗi cung ứng. Theo các DN, trước đây khi chi phí sản xuất tăng thêm 5% là đã có thể đàm phán với đối tác điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đã làm ví tiền của người mua giảm đi thì việc tăng giá bán lại trở thành vấn đề nan giải. Với những khó khăn hiện tại, các DN đang trông chờ vào dòng vốn giá rẻ từ Nhà nước để có thể giảm phần nào chi phí đầu vào.

bai2-lamphat-1-5045-1654828975.jpg

Theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các DN, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trong năm 2022-2023. Ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này là 40.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, DN vẫn đang ngóng dòng vốn giá rẻ từ gói hỗ trợ này.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, công ty đang vay nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng với lãi suất 8%/năm. Khi chi phí đầu tư đã tăng hơn 20% như hiện nay thì việc trả mức lãi suất này cũng là một áp lực. Chính vì vậy, DN rất mong muốn được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng này. Hiện công ty đã đặt vấn đề với đối tác ngân hàng, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là khi có những thông tin hướng dẫn cụ thể sẽ liên lạc với DN. 

Giá đầu vào, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng là áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, chống lạm phát bằng các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bởi lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và làm giảm giá trị gia tăng sản xuất, giảm thu nhập lao động. 

Chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội TS. Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát. Nếu cứ điều chỉnh xăng dầu liên tục sẽ tác động đến tất cả các loại hàng hóa và khi đó rất khó để kiểm soát, kiềm chế. Và khi phải dùng đến công cụ lãi suất trở lại sẽ gây ra hậu quả tiêu cực mà bài học về phương án tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát năm 2008 khiến tình trạng nợ xấu vẫn còn đó và kéo dài cho đến bây giờ. 

Cũng theo TS. Trần Hoàng Ngân, để hỗ trợ DN, góp phần giảm áp lực lạm phát, trước mắt cần triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, cơ khí, vật liệu, hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số. Hỗ trợ DN chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh của nước ta và các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng về lương thực. 

Yếu tố thuận lợi của mục tiêu kiểm soát lạm phát, theo nhiều chuyên gia là nguồn cung hàng hóa hiện nay khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần không gây biến động lớn về giá. Thực tế, trong 10 năm qua (từ năm 2012-2021), xuất siêu đã chiếm áp đảo với 9 năm và chỉ năm 2015 là nhập siêu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giữ tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cao cũng giúp ổn định tỷ giá làm giảm áp lực lạm phát. 

Ngoài ra, nhiều DN đề nghị ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu trong nước, để giảm thiểu các tác động bởi xung đột trên thế giới và chủ động trong sản xuất, kinh doanh. DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi, giám sát sự biến động giá nguyên vật liệu, kịp thời có giải pháp hỗ trợ các DN song song với việc chỉ đạo các bộ ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục. Với mặt hàng chiến lược như xăng dầu, Chính phủ cần có chiến lược, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn của nền kinh tế.

Và gói hỗ trợ lãi suất 2% là chính sách đầu tiên từ ngân sách nhà nước có quy mô lớn lên đến 40.000 tỷ đồng, được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện các DN vẫn đang chờ các ngân hàng triển khai. Các chuyên gia tính toán, gói hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn như hiện nay sẽ tạo ra động lực phục hồi cho nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, tránh hiện tượng xin cho, làm méo mó chủ trương của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiềm chế lạm phát, cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO