Kịch bản nào cho thị trường tài chính cuối năm?

THU THỦY| 19/09/2009 02:34

Vẫn còn dư luận khác nhau đánh giá về hiệu quả của gói kích cầu và vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục một gói kích cầu thứ 2 hay không?

Kịch bản nào cho thị trường tài chính cuối năm?

Theo các báo cáo mới nhất, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gói cho vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ từ đầu năm đã giúp cho rất nhiều doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, duy trì sản xuất và bắt đầu có tăng trưởng.

Vẫn có những luồng dư luận khác nhau đánh giá về hiệu quả của gói kích cầu này và vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục một gói kích cầu thứ 2 hay không?

Tuy nhiên, vẫn có những luồng dư luận khác nhau đánh giá về hiệu quả của gói kích cầu này và vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục một gói kích cầu thứ 2 hay không? Nhằm làm rõ những vấn đề trên, sáng 19/09/2009, báo Doanh nhân Sài Gòn đã có buổi trao đổi với một số chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng: TS Lê Thẩm Dương, ông Dương Đức Hiển, chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VAM và ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Hàng hải.

- Dư luận rất quan tâm đến hiệu quả của nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ trong thời gian qua có thực sự giúp DN vượt qua được khủng hoảng hay không? Có dư luận cho rằng phần nhiều nguồn vốn này đã chảy vào thị trường chứng khoán tạo nên “cơn sóng” tăng điểm ngoạn mục của VN Index vừa qua, điều này có đúng không? Liệu có hay không chuyện các quỹ đầu tư nước ngoài đang lần lượt “thoái vốn”?

Ông Nguyễn Đình Tùng, PGĐ Ngân hàng Hàng Hải: Điều đầu tiên phải khẳng định là gói cho vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ là rất kịp thời, giúp rất nhiều doanh nghiệp (DN) vượt qua được khủng hoảng, không chỉ là duy trì được sản xuất mà một số doanh nghiệp còn đạt được sự tăng trưởng khá tốt.

Việc kiểm soát nguồn vốn này từ phía cơ quan quản lý nhà nước là rất chặt chẽ nên khó có chuyện vốn chạy vào thị trường chứng khoán. Theo quan điểm của cá nhân tôi, chỉ số chứng khoán tăng trong thời gian qua là do những tín hiệu tốt của nền kinh tế VN, các DN chứng minh được hiệu quả kinh doanh của mình, tạo được lòng tin cho nhà đầu tư tiếp tục mua vào.

Ông Nguyễn Xuân Minh: Về phía quỹ đầu tư, chúng tôi đầu tư cụ thể vào công ty dựa vào những điều tra, phân tích cơ bản, theo tiêu chí tìm những công ty định hướng phát triển tốt, giá cả hợp lý. Việc một số quỹ đầu tư thoái vốn cũng là chuyên bình thường trong kinh doanh, không ảnh hưởng gì đến thị trường vốn. Theo đánh giá của tôi, VN vẫn thu hút được vốn từ nước ngoài vào nhiều hơn là hiện tượng thoái vốn. Không có gì phải lo ngại về nguy cơ các quỹ đầu tư nước ngoài thi nhau thoái vốn như nhiều người lầm tưởng.

Ông Dương Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Tôi hơi lo ngại trước thông tin tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thời gian qua lên tới 30% nhưng thị trường vẫn khát vốn, điều này chứng tỏ ngân hàng vẫn chưa thâu tóm được thị trường vốn, giao dịch ngầm vẫn quá lớn, đây chính là một trong những yếu tố chứa đựng nhiều rủi ro cho thị trường vốn.

- Liệu có cần thiết phải có gói cho vay hỗ trợ lãi suất thứ 2 hay không và nếu có thì tình hình của thị trường vốn cuối năm 2009 và năm 2010 sẽ ra sao?

TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia tài chính: Vốn thì lúc nào DN cũng cần cả, nhất là vốn hỗ trợ lãi suất, nhưng vấn đề đặt ra không phải chỉ là kiểm soát vốn được sử dụng đúng mục đích mà còn là hiệu năng sử dụng của nguồn vốn ấy. Điều này đòi hỏi trình độ và năng lực thẩm định dự án của cán bộ tín dụng của các ngân hàng. Một vấn đề nữa là nguồn lực của chúng ta có đủ để duy trì gói kích cầu này được lâu hay không? Nếu có giảm thì cũng nên giảm từ từ chứ đừng kết thúc đột ngột sẽ gây sốc.

Ông Dương Thế Hiển: Gói kích cầu thứ 2 nên đưa trực tiếp vào các DN sản xuất hàng hóa, tập trung cho các DN vừa, DN sản xuất, chế biến nông hải sản xuất khẩu, vào các công trình hạ tầng chứ không nên rót vào các DN nhà nước.

Ông Lê Đình Tùng: Bên cạnh gói kích cầu, chính phủ cần quan tâm hơn đến chính sách tài khóa, tăng cường tiết kiệm chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách, tạo hành lang pháp lý các định chế tài chính khác ngoài ngân hàng thương mại hoạt động để có thêm nhiều kênh cung cấp vốn trung và dài hạn cho DN.

TS. Lê Thẩm Dương: Với hàng loạt các giải pháp đúng đắn, với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các DN, hy vọng năm 2010, kinh tế VN sẽ có bước phát triển tốt hơn, tạo đà tăng trưởng cho những năm sau vì sau khủng hoảng bao giờ cũng là cơ hội cho các DN làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch bản nào cho thị trường tài chính cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO