Không chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn nói gì?

06/06/2016 06:15

Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt có mục đích chính là tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm hệ số an toàn vốn, gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực.

Không chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn nói gì?

Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt có mục đích chính là tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm hệ số an toàn vốn, gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực.

Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đề xuất giữ lại lợi nhuận năm 2015 để tăng vốn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài.

Đại diện VietinBank cũng cho biết thêm hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank tương đối hạn chế do tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, để có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chiến lược kinh doanh, việc nâng cao năng lực vốn đối với VietinBank là hết sức cần thiết và quan trọng.

Đề xuất giữ lại lợi nhuận chỉ là một trong những giải pháp trước mắt đối với VietinBank; bên cạnh giữ lại lợi nhuận, VietinBank cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết khác để tăng vốn và đa dạng hóa cơ cấu vốn tự có, tạo cơ cấu vốn tự có tối ưu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn và các giới hạn phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

VietinBank đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn bền vững đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi giải đáp về lý do không chia cổ tức bằng tiền mặt cho biết việc chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, đồng thời  vẫn bảo đảm lợi ích của cổ đông, giúp tạo thuận lợi hơn trong việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng. Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ đồng trong năm 2016 sẽ rất khó khăn.

Việc tăng vốn giúp nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh, tiến dần đến đáp ứng và tuân thủ theo thông lệ quốc tế trong an toàn vốn theo Basel II trong năm 2016. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tuân thủ chủ trương của NHNN tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng.

Tỉ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức tín dụng.

Thực tế tỉ lệ này của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore... Có thể nói đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra khu vực. Chính vì vậy các cổ đông chiến lược cũng yêu cầu các ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Trước đó, cuối tháng 5, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi NHNN về việc chi trả cổ tức của BIDV và Vietinbank.

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 2/6, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết sau khi nhận được kiến nghị của Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng của NHNN đang xem xét đánh giá mặt thuận lợi của việc chuyển cổ tức vào ngân sách Nhà nước và khó khăn của các tổ chức tín dụng. Từ đó đề xuất chính sách thực hiện, phù hợp với đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ thông qua và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

>Vì sao NHNN kiểm soát mức chia cổ tức ngân hàng?

>Ngân hàng Nhà nước ấn định chỉ tiêu chia cổ tức

>Ấm ức cổ tức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO