Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN

P.V (tổng hợp)| 10/12/2012 08:58

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 đã chính thức khai mạc.

Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 đã chính thức khai mạc. Sau 20 năm nhấn mạnh vào đề tài tài trợ cho Việt Nam, Hội nghị CG lần này sẽ tập trung vào thảo luận các vấn đề kinh tế vĩ mô đang nóng.

Với chủ đề “Lập nền tảng cho sự phát triển bền vững”, Hội nghị CG cuối kỳ năm nay sẽ tập trung thảo luận các vấn đề bao gồm cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm nay và những ưu tiên trong năm sau; sửa đổi chính sách đất đai, tạo lập nền tảng để buớc vào nuớc có thu nhập trung bình thành công.

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ bàn về tiến trình phát triển Hội nghị CG trong tuơng lai, từ vai trò một bàn tròn tài trợ, Hội nghị sẽ là nơi các bên đối thoại về chính sách cấp cao.

Trước thềm Hội nghị CG sáng nay, các bên đã cùng nhau tham dự 3 Diễn đàn, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Diễn chống tham nhũng và Diễn đàn Hiệu quả viện trợ.

Trong Hội nghị CG các năm trước, lần luợt các nhà tài trợ song phương và đa phương sẽ đưa ra mức cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm sau. Còn lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có thể sẽ chỉ đưa ra một con số chung vào cuối phiên họp.

Năm ngoái, tổng mức ODA cam kết từ các nhà tài trợ là gần 7,4 tỷ USD, giảm so với con số 7,9 tỷ USD tại Hội nghị CG 2010 hay 8 tỷ USD hồi năm 2009. Trước đó, suốt từ Hội nghị CG đầu tiên năm 1993 đến Hội nghị 2009, mức cam kết của các nhà tài trợ liên tục tăng.

Trong 11 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã giải ngân được 3,56 tỷ USD, vượt 17% so với kế hoạch cả năm. Tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam những năm gần đây luôn ở mức cao, từ mức 1,785 tỷ USD năm 2006 lên 3,541 tỷ USD năm 2010 và 3,65 tỷ USD năm 2011.

Tính đến hết năm 2011, đã có khoảng 33,414 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam được giải ngân kể từ kỳ CG đầu tiên, chiếm 61% tổng vốn ODA đã ký kết. 

Phòng chống tham nhũng: Nâng hiệu quả theo kịp… quyết tâm!

Tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế diễn ra sáng 6/12, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian vừa qua với quyết tâm rất cao, nhưng việc triển khai các giải pháp lại chưa cao. Thời báo Kinh doanh đã có cuộc trao đổi với Tổng thanh tra Chính phủ xung quanh đề tài này:

* Xin ông cho biết về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam và công tác phòng chống tham nhũng ở các địa phương thời gian qua?

- Trong 5 năm qua, chuyển biến lớn nhất trong công tác phòng chống tham nhũng là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy cơ quan Nhà nước và cải cách thủ tục hành chính. Toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 63.000 cuộc thanh, kiểm tra; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; thu hồi về Ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít so với thực tế, nhiều vụ việc xử lý còn chậm, kéo dài… Đặc biệt, tham nhũng ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp, ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

* Trong các bài phát biểu của đối tác nước ngoài họ, đều cho rằng cách tiếp cận của Việt Nam về phòng chống tham nhũng vẫn chưa thiết thực, thậm chí chưa sẵn sàng hành động. Ông đánh giá thế nào về những ý kiến này?

- Chúng tôi rất chia sẻ với các ý kiến của đại biểu. Có thể nói, về chủ trương, Nghị quyết, các Luật cùng với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước rất cao. Chẳng hạn, Luật Phòng chống tham nhũng đã ra đời năm 2005, và đến tháng 11/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Trong đó sửa đổi 20 điều, với các nội dung rất rõ ràng, cụ thể và tiến tới sẽ sửa đổi hoàn chỉnh Luật vào các năm tiếp theo trên cơ sở thực tiễn đã thực hiện những chủ trương vừa qua.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Khiếu nại, tố cáo, và đặc biệt sửa đổi Bộ luật Hình sự… cũng đã đề cập đến các giải pháp phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở các Luật này, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với công ước Liên Hợp quốc về xây dựng chiến lược quốc gia đến năm 2020. Có thể thấy, trên cơ sở Luật, các chủ trương của Đảng, Chính phủ và các chiến lược đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xây dựng thể chế.

Tuy nhiên, cũng như các đại biểu đã bình luận, Việt Nam đã đưa ra 9 giải pháp cụ thể để triển khai những chủ trương này, phần lớn giải pháp đưa ra là có hiệu quả, song cũng còn một vài giải pháp chỉ mang tính hình thức, chưa sâu, thực hiện chưa đến nơi đến chốn, chưa triệt để. Sắp tới, để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cũng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động.

* Có đại biểu đã thẳng thắn rằng: "Chúng ta cần phải hành động nhiều hơn là nói". Vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần có những hành động thiết thực gì để tạo được lòng tin trong dân?

- Sau khi sơ kết 5 năm Luật Phòng chống tham nhũng, sơ kết Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Chính phủ nhận thấy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Do đó, trên cơ sở các cuộc đối thoại, chúng tôi tin tưởng nhiệm vụ phòng chống tham nhũng sắp tới sẽ mang lại hiệu quả hơn. Vì thời gian vừa qua, chúng ta đã đưa ra một số giải pháp nhưng chưa thật sự mang lại kết quả. Những giải pháp này sẽ được điều chỉnh, bổ sung bằng các văn bản pháp quy, sau đó sẽ triển khai thực hiện đến nơi đến chốn.

Tham nhũng là hành vi tinh vi khó phát hiện, càng về sau càng tinh vi; người tham nhũng là người có chức, có quyền, nên phát hiện hành vi rất khó khăn. Các tổ chức tố cáo tham nhũng cũng rất ít.

Các giải pháp phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ngày càng mạnh mẽ hơn, các hành vi tham nhũng được xử lý kịp thời, kiên quyết do đó giảm đi.

* Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Nhưng trên thực tế, quyền lợi người đi tố cáo lại không được đảm bảo, thậm chí những người tích cực chống tham nhũng lại có tâm trạng thái độ rất tiêu cực. Vậy việc triển khai phòng chống tham nhũng tới đây sẽ quan tâm và bảo vệ những người đứng ra tố cáo như thế nào, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, việc bảo vệ người tố cáo cũng đã được các ngành, các cấp quan tâm. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải thừa nhận việc bảo vệ này vẫn chưa được đầy đủ và chặt chẽ, người tố cáo chưa được bảo vệ an toàn. Chúng tôi đang triển khai các giải pháp, ví dụ Luật Khiếu nại, tố cáo đang có Nghị định của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ có những Thông tư hướng dẫn cụ thể để các cấp, ngành thực hiện làm sao cho hiệu quả.

* Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế bảo vệ người đi tố cáo?

- Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng cơ chế đó, đồng thời sắp tới sẽ nâng những cơ chế đã có lên một bước cao hơn để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO