Kênh phân phối không chỉ có siêu thị

Nguồn SGTT| 01/10/2009 07:57

Với dự báo về tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ VN mạnh nhất ở phân khúc siêu thị khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách chen chân.

Kênh phân phối không chỉ có siêu thị

Những thông tin về tốc độ tăng trưởng của kênh siêu thị lên đến 30 – 40%/năm cùng với dự báo về tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam mạnh nhất ở phân khúc siêu thị khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách chen chân. Thực tế, có những doanh nghiệp lượng sức tìm đúng đối tượng và có thể phát triển bán lẻ không cần đến siêu thị.

Hàng tiêu dùng nhanh là những sản phẩm phù hợp với kênh phân phối siêu thị. Ảnh: L.H.T

Bà Nguyễn, chủ một công ty mỹ phẩm kể: “Tôi đã sáu lần nộp hồ sơ và chào hàng siêu thị C., nhưng vẫn không thể đưa được hàng vào bán dù các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu đều có đủ, và bản thân tôi tự tin là sản phẩm công ty tôi kinh doanh có thể cạnh tranh tốt về giá, về chất lượng, về mẫu mã bao bì… với hàng cùng loại đang bán trong C.”.

Cánh cửa hẹp ở siêu thị

Một giám đốc công ty bánh kẹo, vừa được siêu thị chấp nhận cho đưa hàng vào bán, than: “Khó khăn vô cùng mới lọt qua cánh cửa của họ. Số lượng hàng được cho vào bán bị hạn chế đã đành. Điều tôi lo nhất là sẽ không bán được nhiều, bởi cách tính của siêu thị đã đẩy giá hàng của tôi cao hơn đối thủ khác cả ngàn đồng/gói, trong khi thị trường bên ngoài tôi luôn bán giá thấp hơn đối thủ”.

Giá bán lẻ, các hệ thống siêu thị thường tính cao hơn 25 – 30% so với mức giá của nhà cung cấp. Chỉ có các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao hay tìm lợi thế quy mô nhờ lượng tiêu thụ lớn mới tìm vào siêu thị. Bà Nguyễn nói: “Siêu thị B. hay M. yêu cầu đóng năm triệu đồng cho mỗi mã hàng. Một lần đưa vào hàng chục mã tốn vài chục triệu. Nếu hàng bán không đủ doanh số, bị hất ra, coi như mất khoản này. Lần sau muốn vào lại đóng năm triệu đồng”.

Đứng ở góc độ nhà kinh doanh siêu thị, bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội cho rằng: những mặt hàng tiêu dùng nhanh như đường, sữa, bột ngọt, thực phẩm công nghệ, hoá mỹ phẩm, nước giải khát đóng gói, đóng chai… bán trong siêu thị rất tốt. Nhưng các mặt hàng may mặc có thương hiệu nổi tiếng, có mức giá cao thì không nên bán vào siêu thị, vì tốc độ tiêu thụ hàng sẽ chậm, mẫu không kịp thay sẽ bị cũ, làm mất đi hình ảnh thương hiệu.

Riêng nhóm các mặt hàng thực phẩm công nghệ, đa phần siêu thị đều đã có hàng của các công ty lớn, công ty quen thuộc nên hàng mới sẽ ít có cơ hội vào. Và người tiêu dùng mua thực phẩm cũng rất cẩn trọng khi “xài thử” loại hàng thực phẩm mới này.

10% hàng trong siêu thị dành cho người có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng

Tuy dãy sản phẩm trên các siêu thị khá rộng, đáp ứng nhu cầu người có thu nhập từ 1,5 triệu đến trên 7 triệu/tháng. Tính trên tổng lượng hàng hoá, 10% hàng giá rẻ dành cho người có thu nhập xấp xỉ 1,5 triệu/tháng, 60% hàng trung bình dành cho người có thu nhập từ 2 – 5 triệu/tháng, 20% hàng trung bình khá dành cho người có thu nhập 5 – 7 triệu/tháng và 10% còn lại xếp vào nhóm hàng cao cấp cho người có thu nhập trên 7 triệu/tháng. Tuỳ theo từng khu vực dân cư, mà các siêu thị có sự điều chỉnh tỷ lệ này. Chẳng hạn khu vực quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp… tỷ lệ hàng cho người thu nhập trung bình nhiều hơn. Các siêu thị khu Phú Mỹ Hưng, quận 1, quận 10… tỷ lệ hàng cao cấp nhiều hơn…

Căn cứ theo phân tích của bà Hải, thì những sản phẩm thời vụ như lồng đèn trung thu của công ty Kỹ Thuật Mới không thể chọn kênh phân phối là siêu thị. Ngoài ra, siêu thị ở trung tâm thành phố cũng khó có chỗ thích hợp cho sản phẩm cồng kềnh, choán chỗ và người dùng ít có thói quen mua sắm mặt hàng này trong siêu thị.

Cũng theo bà Hải thì khách đi siêu thị hiện nay chủ yếu là giới công chức, nhân viên văn phòng, sinh viên học sinh… Họ đi siêu thị vì ngán ngại ra chợ phải trả giá, mua lầm hàng kém chất lượng. Và nhà cung cấp cần xem hàng hoá của mình nhắm vào đối tượng nào.

Chợ hơn siêu thị?

YF (Youth Fashion) là một trong những nhãn hàng thời trang trẻ em được biết đến của công ty Đa Gia tại hệ thống các cửa hàng bán lẻ, các sạp chợ. Tại chợ Bến Thành, tất cả các bộ quần áo của YF đều có tem giá của nhà sản xuất, và người bán hàng bán theo giá này.

Vân, bán hàng ở chợ Bến Thành giải thích: “Nhờ thiết kế đặc trưng, cách phối màu và thêu, đính tỉ mỉ nên mẫu YF hầu như không đụng hàng các cơ sở khác. Chính vì vậy mà họ có tem giá thống nhất, mà sạp chợ vẫn sẵn sàng lấy hàng bán”.

Ông Đào Văn Dung, chủ công ty Đa Gia cho biết: “Đưa hàng vào siêu thị thủ tục quá rắc rối. Phải chào hàng nhiều lần, chờ duyệt, ký gửi. Công ty nhỏ làm gì có nhiều vốn để làm thế. Bí lối tôi tổ chức cho chào hàng ra chợ, và các cửa hàng quần áo trẻ em”.

Theo ông Dung, kênh phân phối của YF được tổ chức khá tốt. Hàng bán ra không bị ngâm vốn gối đầu, khách lấy hàng hầu hết đều thanh toán ngay. Các ý kiến phản hồi về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, thị hiếu… được các tiểu thương phản ánh rất nhanh.

Nhà phân phối giày Asia cũng cho biết: bán hàng qua siêu thị, hầu như tất cả các rủi ro về hàng tồn, hàng bị hư hỏng trong quá trình khách chọn lựa, nhà cung cấp hàng đều chịu. Trong khi ở chợ, giày Asia có thể thương lượng với các chủ sạp để chia sẻ rủi ro này.

Ông Lê Văn Lộc, phó giám đốc công ty Nutifood nhận xét: “Kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại…) đang chiếm khoảng gần 25% thị phần bán lẻ, hơn 75% còn lại vẫn nằm ở các chợ, tiệm tạp hoá, cửa hàng ngoài đường…”. Theo thống kê của bộ Công thương, mặc dù số lượng đã tăng rất nhanh trong các năm qua, nhưng cả nước vẫn chỉ có trên 1.000 cửa hàng tiện ích và khoảng 250 siêu thị, trung tâm thương mại. Con số này khá ít so với hơn 9.000 ngôi chợ và khoảng 250.000 điểm bán lẻ.

Ngay cả với các công ty có vị trí tốt trên quầy kệ siêu thị, thì kênh phân phối siêu thị đang chiếm tỷ lệ khá thấp trong tổng doanh thu của họ. Chẳng hạn với tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát chỉ khoảng 2,5%, hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo khoảng 3%, nhôm Kim Hằng khoảng 5% – theo thông tin từ các công ty này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kênh phân phối không chỉ có siêu thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO