Hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc: Cơ hội lớn, điểm yếu nhiều

LÂM THAO| 11/09/2013 05:59

Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư mạnh vào Việt Nam. Xu hướng này càng được khẳng định khi hai nguyên thủ Nhật và Hàn Quốc lần lượt đến thăm Việt Nam. Nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu trong mối quan hệ với hai đối tác lớn này.

Hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc: Cơ hội lớn, điểm yếu nhiều

Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư mạnh vào Việt Nam. Xu hướng này càng được khẳng định khi hai nguyên thủ Nhật và Hàn Quốc lần lượt đến thăm Việt Nam. Nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu trong mối quan hệ với hai đối tác lớn này.

Đọc E-paper

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty TNHH Công nghiệp Tempearl Việt Nam của Nhật Bản)

Tiến hành khảo sát 1.874 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương về khó khăn gặp phải trong đầu tư, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho hay có 45,6% số doanh nghiệp phản ánh, khó khăn nhất với họ là vấn đề tìm kiếm nhà cung cấp, nguồn cung ứng linh kiện.

Trong đó, tại Việt Nam con số này chiếm 74,5%, kế tiếp là Lào 84,6%, Bangladesh 83,3% và Campuchia 81,8%. Như vậy, cứ bình quân 4 công ty của Nhật đầu tư tại Việt Nam thì có 3 đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp linh phụ kiện.

Trong số 158 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được khảo sát thì chỉ có 27,9% tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, con số này quá thấp nếu so với Thái Lan là 52,2%, Indonessia 43% và Malaisia là 42,4%.

Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan được như ngày hôm nay là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thái rất tốt, ngược lại Việt Nam thì không.

Cùng với Nhật Bản, giao thương Hàn Quốc - Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, đặc biệt những khoản đầu tư lớn của các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai... đang rót mạnh vào Việt Nam.

Hiện Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 4 về thương mại của Việt Nam, riêng năm 2012 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21 tỷ USD, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã cam kết đầu tư vào Việt Nam với số vốn 26 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 9/9/2013, Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun Hye cho rằng tiềm năng hợp tác của hai nước còn cao, nhất thiết cần xây dựng khung chính sách thông qua Hiệp định Thương mại Tự do. Hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020.

Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Hàn Quốc được khởi động vào tháng 8/2012. Việt Nam kỳ vọng thông qua FTA sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước và thúc đẩy hơn nữa thương mại giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, về thương mại, một khi FTA có hiệu lực, cũng sẽ tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc cân bằng cán cân thương mại.

Sau 20 năm hợp tác giao thương, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu từ Hàn Quốc. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đạt 21,1 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt gần 5,6 tỷ USD, và nhập khẩu của Hàn Quốc hơn 15,5 tỷ USD, tương đương Việt Nam đã nhập siêu gần 10 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2013 được dự báo có thể ở mức cao hơn năm 2012, bởi 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc xấp xỉ 8 tỷ USD.

Việt Nam hiện đang là nước gia công các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao; hàng dệt may cho phía Hàn Quốc. Hai nhóm mặt hàng này chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng khá lớn sắt thép, sản phẩm từ sắt thép; hóa chất, sản phẩm hóa chất các loại từ Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có 2 mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhưng không thuộc nhóm hàng gia công cho Hàn Quốc là gỗ, đồ gỗ và thủy sản.

Khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam dự báo sẽ được mở rộng hơn. Mặt trái của nó là áp lực cạnh tranh thấp trong ngắn hạn nhưng cao hơn trong dài hạn đối với các ngành thép, dược, động cơ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc: Cơ hội lớn, điểm yếu nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO