Hội nhập TPP: SME Việt mới "hiểu" chứ chưa "biết"

VÂN THẢO thực hiện| 29/01/2016 03:33

Với cách ứng biến “nước tới chân mới nhảy”, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam chưa chủ động hội nhập khi chưa thấy một tác động đáng kể nào tới mình.

Hội nhập TPP: SME Việt mới

Dù đã bước vào sân chơi hội nhập, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam vẫn còn ứng biến theo kiểu “nước tới chân mới nhảy”. Họ chưa chủ động tận dụng các cơ hội cũng như có phương án đối phó với các khó khăn khi chưa thấy một tác động đáng kể nào tới doanh nghiệp mình.

Đó là nhận định của ThS. Nguyễn Hoàng Dũng – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM về tính chủ động của SME hiện nay liên quan đến dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Dũng xoay quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá thế nào về tính cấp thiết của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập hiện nay?

- Trước tình hình Việt Nam tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thì việc ban hành một luật hỗ trợ nhóm SME là điều cần thiết. Mặc dù hiện tại, chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp 2014 quy định khá đầy đủ, nhưng đối với hầu hết các SME việc điều chỉnh theo luật vẫn còn khá nhiều khó khăn.

ThS. Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM

Nguyên nhân một phần bởi các doanh nghiệp (DN) này có số lượng nhiều (SME chiếm hơn 90% tổng số DN các loại), quy mô nhỏ, một số SME quá nhỏ chưa thuộc phạm vi kiểm soát của Nhà nước, đồng thời những hoạt động kinh doanh thuần túy của một số SME chưa thực sự chuyên nghiệp nên phạm vi tác động của luật vẫn chưa nhiều.

Sau hơn nửa năm thực thi, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có nhiều tác động đến hệ thống DN nói chung, nhiều quy định mới khá thông thoáng đã hỗ trợ nhiều hoạt động của các DN (cả cũ lẫn mới thành lập).

Cụ thể, xét về số lượng, tính từ 01/07/2015 đến cuối năm 2015, đã có gần 50.000 DN mới thành lập và chủ yếu là các SME, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các SME Việt Nam rất cần phát triển về "chất", cần một hành lang pháp lý cho riêng mình xét cả trên 2 góc độ: tạo thuận lợi kinh doanh và quản lý được. Nói cách khác, thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa này, Nhà nước sẽ vừa hỗ trợ được nhiều hơn vừa quản lý các SME được tốt hơn.

Việc ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm này là hợp lý, không quá trễ cũng không quá sớm. Nếu trong năm 2016, luật được ban hành kịp thời, sẽ giúp cộng đồng DN Việt sớm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thế hệ mới và nâng cao vị thế của mình trên sân nhà lẫn quốc tế.

* Trong quá trình xây dựng và thực thi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần quan tâm đến vấn đề nào, thưa ông?

- Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta chỉ nên hỗ trợ DN trên một số khía cạnh nhất định thay vì hỗ trợ tất cả. Bởi để có thể hội nhập sâu rộng và tận dụng các cơ hội, ngoài điều kiện đầu tiên là tăng cường nhận thức thì các SME nên tận dụng tối đa các nguồn lực nội tại của chính DN để phát triển.

Xét về nội dung hỗ trợ, có thể chia làm 5 phần chính, bao gồm: hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thông tin.

Trong đó, hỗ trợ về pháp lý và đào tạo là quan trọng nhất, vì nếu SME cũng phải áp dụng hệ thống thủ tục như các DN lớn theo Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ là một nút thắt trong tình hình các chủ DN chưa cập nhập hết mọi thông tin cần thiết thì việc hỗ trợ đào tạo quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới là rất cần thiết.

Cụ thể, hỗ trợ về mặt pháp lý là hỗ trợ để DN đủ điều kiện được thành lập trong thời gian nhanh nhất và hỗ trợ pháp lý trong quá trình kinh doanh, ví dụ như giải quyết các tranh chấp, xử lý hàng giả, vấn đề sở hữu trí tuệ.

Hỗ trợ về đào tạo là việc phổ cập kiến thức kinh doanh, kỹ thuật đến DN thông qua các chương trình đào tạo được giảng dạy từ các trường đại học, các trường dạy nghề và trung tâm hỗ trợ SME. Đồng thời, cung cấp các kiến thức về kỹ năng mềm cho DN, tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện kỹ năng quản trị và lãnh đạo phù hợp.

Hỗ trợ về công nghệ là tài trợ những dự án nghiên cứu hiện đại bao gồm thành lập các khu công nghệ cao cho SME, hỗ trợ các yếu tố mà SME không thể tự đầu tư được. Song song với đó là hỗ trợ chuyển giao các công nghệ mới từ các nước phát triển về Việt Nam (phương pháp trồng rau sạch tư Nhật Bản, phương pháp nuôi bò sữa từ Australia, các phương pháp quản trị hiện đại từ Singapore…).

Riêng hỗ trợ về tài chính, SME phải thực hiện theo một lộ trình nhất định, tùy theo đặc thù từng ngành nghề mà có các quy định riêng trong việc miễn, giảm thuế (ưu đãi vừa phải, không quá kéo dài thời gian), ưu đãi lãi suất tín dụng (ví dụ lãi vay chỉ giảm tối đa 1% so với các DN khác), nhưng có vay phải có trả theo đúng các nguyên tắc của tín dụng,… DN phải tuyệt đối tuân thủ lộ trình và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình sử dụng vốn và vận hành dự án.

Cuối cùng, hỗ trợ thông tin là cung cấp các thông tin liên quan mà bản thân SME tự mình rất khó có được, bao gồm các quy định pháp lý, thị trường cho DN, chi tiết về sản phẩm của nước nhập khẩu, tập quán địa phương…

Để Luật hỗ trợ SME sát hơn với thực tiễn Việt Nam, cũng nên phân ra ít nhất 3 loại : vừa, nhỏ, siêu nhỏ để có các chính sách hợp lý và khả thi cho thời kỳ này.

* Ngoài những yếu tố hỗ trợ trên, ông có vừa nhắc đến việc tăng cường nhận thức của DN. Vậy ông nhận định thế nào trước kết quả khảo sát cho rằng DN Việt Nam hiểu biết về hội nhập còn thua cả Lào và Campuchia?

- Thật ra, cá nhân tôi không đồng tình hoàn toàn với kết quả trên, bởi để đánh giá hết tầm hiểu biết của hơn 500.000 DN Việt Nam hiện nay thì chúng ta cần nhiều thời gian nghiên cứu cũng như khảo sát với số mẫu có quy mô rất lớn mới cho một kết quả khách quan nhất.

Mặc dù nước ta xếp vị thứ thấp trong khối CLMV (Camuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) nhưng sự hiểu biết của người Việt Nam tốt hơn so với một số nước nhờ vào các chính sách được cập nhật liên tục và truyền thông Việt Nam nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, điều khác biệt nằm ở chỗ chúng ta thường có tâm lý ứng biến theo kiểu “nước tới chân mới nhảy”. Các chủ DN chưa “vội vàng” khi chưa thấy một tác động đáng kể nào tới DN mình, họ biết nhưng ít thể hiện chứ không phải không biết.

* Tâm lý đó liệu có đúng với tình trạng lao đao của các DN cá tra hiện nay trước việc Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành quy định thanh tra tại chỗ các nhà máy nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam không, thưa ông?

Nhắc đến cá tra, chúng ta phải xét đến nhiều bên liên quan trong đó có DN sản xuất, Hiệp hội chế biến xuất khẩu và Chính phủ Việt Nam. Xét về mặt tích cực, lâu dài thì quyết định trên của Bộ Nông nghiệp Mỹ góp phần tạo điều kiện giúp DN cá tra Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của cá tra Việt nói riêng và cho ngành xuất khẩu Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Hơn nữa, với 18 tháng chuẩn bị, hay chính xác hơn là hơn 3 năm chuẩn bị (nếu tính từ khi Mỹ áp dụng Luật Farm Bill vào tháng 2/2014) thì thời gian này chưa phải là “gấp” để phía DN chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi, nâng cấp này.

Riêng đối với những DN đã biết trước thông tin và có sự đầu tư, chuẩn bị thì đây lại là cơ hội giúp họ vượt qua các đối thủ cạnh tranh nội địa khác trong việc thâm nhập vào thị trường Mỹ. Cái thiệt trước mắt, là tạm thời những DN bị kiểm soát mà chưa có sự chuẩn bị đầy đủ có thể sẽ bị mất một phần thị trường ngoại (Mỹ) trong lộ trình thực thi luật.

Còn xét chung cho SME Việt Nam, về dài hạn, có thể xem việc Mỹ áp dụng kiểm soát 100% quá trình sản xuất, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu cá tra vừa là một rào cản (hợp pháp hay không còn phải chờ Tòa án quốc tế phân xử nếu Việt Nam có khởi kiện), vừa là một kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu.

Đây cũng là cơ hội để nền sản xuất thủy sản nói riêng, các ngành xuất khẩu khác nói chung buộc phải cải thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng bền vững đến tất cả các quốc gia khác.

Trong đó, quan trọng nhất là các DN sản xuất và xuất khẩu phải nắm vững luật của các nước nhập khẩu, các cam kết quốc tế trong các Hiệp ước đã đàm phán và ký kết (FTA) và liên tục nỗ lực tăng năng lực nội tại của chính mình.

* Cảm ơn ông về các chia sẻ!

>Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngơ ngác trước thềm AEC

>Doanh nghiệp SME: Khơi nguồn nội lực để phát triển

>Hiệp định TPP: Ngách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập TPP: SME Việt mới "hiểu" chứ chưa "biết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO