Hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương| 03/03/2015 08:52

Thế giới đang ngày càng phẳng. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP, FTA Việt Nam-EU và RCEP có chất lượng cao, đòi hỏi mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng cũng như những cam kết mở cửa gắn với hàng loạt chính sách "sau đường biên giới".

Hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế

Thế giới đang ngày càng phẳng. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP, FTA Việt Nam-EU và RCEP có chất lượng cao, đòi hỏi mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng cũng như những cam kết mở cửa gắn với hàng loạt chính sách "sau đường biên giới".

Đọc E-paper

Điều đó hàm nghĩa Việt Nam phải nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế (khung pháp lý, chế tài thực thi) để có thể đáp ứng các cam kết. Trước mắt, Việt Nam cần khôi phục, tạo dựng lòng tin đối với thị trường và các nhà đầu tư.

Điều đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị, mà cả sự nhất quán trong kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và tính quyết liệt trong cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.

Kinh doanh trong một thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp (DN) cần đổi mới tư duy phát triển. Phát triển không đơn thuần chỉ là gia tăng thu nhập, vốn - về cơ bản là nền tảng của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển phải thực sự vì chất lượng cuộc sống của con người.

Thị phần và lợi nhuận vẫn là một chiều quan trọng, song kinh doanh giờ đây khó có thể bỏ qua "màu xanh" và sự lựa chọn thông minh, hợp lý của tiêu dùng và xã hội.

Kinh doanh trong thế giới phẳng hơn đòi hỏi DN, doanh nhân không ngừng học hỏi và sáng tạo. Cơ hội kinh doanh, thị trường mở rộng (cả chiều rộng và chiều sâu) dựa trên lợi thế so sánh, cam kết hội nhập. Cơ hội cũng có thể xuất hiện nhờ xác định đúng năng lực (cả năng lực kết nối) trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu cùng với sự xuất hiện những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới.

Theo đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cần được tiếp cận lại theo nhiều góc độ, quan trọng là biết chuyển dần từ cách cạnh tranh "bằng giá”, sang chú trọng cạnh tranh "phi giá”.

Cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới với rất nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị, liên kết với công ty đầu đàn, tham gia chuỗi giá trị để tăng lợi thế nhờ quy mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ.

DN cũng phải học cách huy động vốn. Trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn hiện được chu chuyển rộng khắp, trên phạm vi toàn cầu. Các hình thức huy động vốn cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, mà còn là sự giao thoa giữa chúng.

Một lưu ý là các định chế tài chính ngày càng coi việc có hay không khía cạnh "xanh" trong dự án, trong sản xuất, kinh doanh như một yêu cầu bắt buộc để cung ứng vốn. Bên cạnh đó, DN cũng cần quan tâm hơn đến tương quan giữa tài sản có và dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Nhiều tài sản có khả năng thế chấp vay vốn cao, song vay vốn theo dòng tiền ngày càng được lưu ý.

DN học quản trị sự bất định. Nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật, nhất là tại các thị trường phát triển, cũng là một cách để hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu.

Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách (sốc chính sách) là cơ sở cho những điều chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh. Trang bị các biện pháp "có tính kỹ thuật" như bảo hiểm, công cụ phái sinh,... cũng là cách phòng chống rủi ro hữu hiệu.

DN học đồng hành với Chính phủ. Hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ, DN cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của Chính phủ vì các FTA hiện nay có nhiều đòi hỏi cao đối với các chính sách "sau đường biên giới".

Thực tiễn kinh doanh cũng là một cơ sở "đắt giá” để Chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Rõ ràng rất cần có những trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa DN, hiệp hội với Chính phủ. Nhà nước còn có thể có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho DN.

DN học "đối thoại pháp lý”. Tranh luận, thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh, quyền lợi DN dựa trên cơ sở, thủ tục pháp lý phải là một phần không tách rời của đời sống DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng dựa trên các cam kết, chuẩn mực quốc tế.

Điều đó chỉ có thể đạt được nhờ không ngừng nâng cao hiểu biết và khả năng vận dụng cơ sở pháp lý cũng như cơ chế, qui trình giải quyết tranh chấp.

Bài học sau 7 năm gia nhập WTO cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết.

Cam kết, thực thi cam kết trong các FTA Việt Nam đang đàm phán, tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đó cũng chính là cơ hội, thách thức cho cả Chính phủ, DN và nền kinh tế. Tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức tùy thuộc vào chính chúng ta.

>8 năm gia nhập WTO: Trâu chậm uống nước đục
>WTO ủng hộ tôm Việt Nam
>FTA - cơ hội vàng, nhưng không phải "cây đũa thần"
>WTO: Thuyền thúng và đại dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO