Hội nghị Thành uỷ TP.HCM: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm

Bảo Quân| 07/07/2020 04:00

Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội 5 năm qua và các giải pháp sắp tới, gắn với thực hiện 7 chương trình đột phá.

Hội nghị Thành uỷ TP.HCM: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm

Toàn cảnh Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 sáng 7/7/2020. Ảnh: VOV

Phát biểu tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 diễn ra sáng 7/7/2020, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Covid-19 đã làm các dự báo về kinh tế-xã hội không còn đúng theo quy luật, và khiến năm 2020 trở thành năm ngoại lệ.

Do đó, cần thiết có sự đánh giá về giai đoạn 2016-2019 và có đánh giá riêng cho năm 2020. Vì Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên chưa thể nói chính xác tình hình kinh tế-xã hội của 6 tháng cuối năm.

Đồng thời, ông Nhân cũng khẳng định, TP.HCM luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Vai trò này không phải tự nhiên có, mà mỗi giai đoạn đều có sự nỗ lực cố gắng… Giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP.HCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ này tăng lên 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm hơn 22% kinh tế cả nước.

"Điều đó cho thấy, khi nói vai trò đầu tàu là tỷ trọng đóng góp của TP.HCM cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên", ông Nhân nói, và cho rằng cơ sở quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế TP.HCM cao hơn bình quân cả nước là nhờ năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước, gấp 2,7 lần.

Bên cạnh đó, TP.HCM có các mô hình mới và hiệu quả như Khu Công nghệ cao thu hút 7 tỷ USD, xuất khẩu 8 tỷ USD; Khu công viên phần mềm Quang Trung, các khu chế xuất – khu công nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, TP.HCM luôn giữ tính tiên phong trong đổi mới, sáng tạo; là nơi có mô hình cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp rất tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn những lý do khách quan hạn chế sự phát triển; mà một trong số đó là tỷ lệ phân chia ngân sách cho TP.HCM ngày càng giảm. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của TP.HCM vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 và đến giai đoạn 2011-2019 là 27,5%.

"20 năm qua tỷ lệ đóng góp cho ngân sách của TP.HCM ngày càng tăng, nhưng phần đề lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. Năm 2000, tỷ lệ để lại cho TP.HCM từ 33% tổng thu trên địa bàn. Còn 2017-2020, tức là sau 20 năm, giảm còn xuống 18%. Chúng ta là địa phương giảm mạnh nhất", ông Nhân cho biết.

Và, để TP.HCM có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, ông Nhân cho rằng, cần làm tốt khâu hợp tác công tư; giải quyết những điểm bất hợp lý như công nghiệp dịch vụ TP.HCM chiếm hơn 90% nhưng đất dành cho công nghiệp dịch vụ lại chỉ chiếm 5% quỹ đất…

Đồng thời, trong những tháng cuối năm, chính quyền thành phố sẽ rà soát, hỗ trợ cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; chuẩn bị đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo chương trình, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025, cũng như đánh giá kết quả 5 năm thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

Hội nghị Thành uỷ TP.HCM diễn ra trong hai ngày 7-8/7/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị Thành uỷ TP.HCM: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO