Hồi hộp... thuế kinh doanh vàng

14/04/2011 00:31

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM đang hết sức lo ngại, không rõ hoạt động chế tác vàng phải nộp thuế theo phương pháp nào thì mới đúng. Nếu thực hiện theo cơ quan thuế, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn sẽ bị truy thu, nộp phạt với số thuế lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng!

Hồi hộp... thuế kinh doanh vàng

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM đang hết sức lo ngại, không rõ hoạt động chế tác vàng phải nộp thuế theo phương pháp nào thì mới đúng. Nếu thực hiện theo cơ quan thuế, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn sẽ bị truy thu, nộp phạt với số thuế lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng!

Nơi bị phạt, nơi được chấp nhận

Khách hàng mua vàng ở Công ty SJC. Ảnh: LÊ TOÀN.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng đầu tiên bất ngờ bị xử phạt là Công ty TNHH Kim cương Ki Ta. Bất ngờ vì bình thường trước đây, công ty đều khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động chế tác vàng theo phương pháp trực tiếp (chỉ tính trên giá trị gia tăng).

Thế nhưng, đến năm 2009 cho rằng tính theo phương pháp trên là sai nên Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM đã ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền thuế truy thu và phạt tổng cộng 665 triệu đồng.

Theo cơ quan thuế, hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý phải thực hiện tính thuế theo phương pháp khấu trừ (tính trên doanh thu, khấu trừ thuế đầu vào) thì mới đúng pháp luật.

Không đồng ý với việc xử phạt, Công ty Ki Ta đã khởi kiện vụ việc ra tòa. Ở cả hai phiên xử sơ thẩm, TAND quận 1 đều kết luận việc xử phạt của Chi cục Thuế quận 1 là không có cơ sở, đồng thời tuyên hủy các quyết định xử phạt đối với Công ty Ki Ta.

Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn bảo lưu ý kiến của mình và tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Hiện, vụ kiện đang chờ xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Lo ngại có thể xảy ra rủi ro, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị hướng dẫn cách tính thuế đối với hoạt động kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý.

Đáng nói là, theo SJC, từ năm 2008 trở về trước khi tiến hành kiểm tra thuế hàng năm của công ty, các đoàn kiểm tra của Cục Thuế TPHCM và Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đều “chấp nhận, thống nhất” tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Công ty SJC cho biết nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển mà Chính phủ và UBND TP.HCM đã đề ra, lâu nay doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khâu chế tác là hoạt động đưa lại GTGT cao cho sản phẩm vàng, bạc, đá quý. Chỉ trong năm năm, từ năm 2005-2009, tổng doanh thu của công ty đạt gần 140.000 tỉ đồng.

Như vậy, nếu thực hiện theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất 10% tính trên doanh thu mà không được khấu trừ chi phí nhập mua đưa vào chế tác thì trong năm năm nói trên công ty sẽ phải nộp gần 14.000 tỉ đồng tiền thuế GTGT, tức khoảng 2.800 tỉ đồng mỗi năm.

Đó là chưa kể các khoản phạt lớn không kém như phạt do khai sai (10% giá trị khai sai), phạt chậm nộp (lãi chậm nộp x giá trị khai sai)...

Theo SJC, mặc dù kinh doanh vàng, bạc, đá quý có doanh thu rất lớn nhưng chênh lệch mua bán so với giá vốn lại rất nhỏ. Tỷ suất lãi gộp kinh doanh vàng, bạc, đá quý tính trên doanh thu trung bình chỉ đạt khoảng 0,53%, thấp hơn rất nhiều so với mức thuế suất thuế GTGT 10% khi tính theo phương pháp khấu trừ.

Do đó, nếu buộc thực hiện theo phương pháp khấu trừ, SJC “sẽ không có khả năng nộp thuế và bị lỗ gộp nặng vì số tiền thuế GTGT phải nộp phát sinh sẽ rất lớn”, SJC tuyên bố.

Được biết, ngoài Ki Ta và SJC, hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng tương tự trên địa bàn TP.HCM lâu nay cũng đều khai và nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.

Theo ước tính của một chuyên gia, nếu áp thuế theo phương pháp khấu trừ thì số thuế GTGT truy thu có thể lên tới ba, bốn chục ngàn tỉ đồng.

Rối rắm, mâu thuẫn

Theo Luật Thuế GTGT, “hoạt động mua, bán vàng, bạc, đá quý” được tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (1) . Khi đưa ra quy định này, Luật Thuế GTGT không hề giải thích rõ khái niệm pháp luật “hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý” nói trên là gì và bao gồm những thành tố nào.

Thế nhưng, đến Nghị định 123/2008/NĐ-CP, hoạt động “kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý” (thêm chữ “kinh doanh”) được Chính phủ “chẻ” ra thành hai phạm trù khác nhau: “kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý” và “hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý”.

Theo đó, “trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT” (2) .

Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về vấn đề này cũng có quy định tương tự (3) . Từ quy định nói trên, các cơ quan thuế cho rằng mua bán vàng, bạc, đá quý thuần túy thì áp dụng phương pháp trực tiếp trên GTGT, còn hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp khấu trừ.

Đây cũng là quan điểm của Cục Thuế TPHCM tại văn bản giải đáp về vướng mắc của cơ quan này cho SJC vào hồi tháng 6 năm ngoái.

Ngược lại, một văn bản khác của Bộ Tài chính là Thông tư 60/2007/TT-BTC (4) lại đưa ra khái niệm “kinh doanh vàng, bạc, đá quý” (không có chữ “mua, bán”) và quy định hoạt động kinh doanh này được áp dụng khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Trong khi đó, theo giải thích của Chính phủ tại Nghị định 174/1999/NĐ-CP, kinh doanh vàng bao gồm “hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật” (5) .

Nói cách khác, kinh doanh vàng, bạc, đá quý được áp dụng phương pháp trực tiếp thì hoạt động chế tác (gia công) cũng phải áp dụng theo phương pháp đó vì hoạt động kinh doanh vàng bao gồm cả chế tác.

Đây là một trong những cơ sở pháp lý mà Công ty Ki Ta đã dùng để phản bác trong vụ kiện và được tòa chấp nhận.

Việc phát sinh những rắc rối, tranh chấp trong cách tính thuế nói trên rõ ràng có nguyên do từ những quy định mập mờ, mâu thuẫn và cả việc thực thi thiếu thống nhất như hiện nay. Luật quy định một đàng, nghị định, thông tư hướng dẫn và áp dụng mỗi nơi một nẻo.

Điều đáng nói ở đây là các khái niệm pháp lý đã không được luật giải thích rõ ràng trong khi lại được các văn bản dưới luật “đẻ” ra một cách vô tội vạ, tạo nên một ma trận bùng nhùng, khó hiểu.

Thiết nghĩ, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính với trọng trách của mình cần kiểm tra lại vụ việc và có văn bản hướng dẫn, giải thích theo đúng tinh thần của Luật Thuế GTGT, đồng thời sát với thực tế hơn.

Không thể để tình trạng thực thi luật trong mớ bùng nhùng, vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa gây lúng túng cho các cơ quan quản lý. Về lâu dài, việc soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật cần được nâng chất để không xảy ra những trường hợp rối rắm tương tự. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi hộp... thuế kinh doanh vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO