Hỗ trợ xuất khẩu gạo: Bài học từ Thái Lan

TS. ĐẶNG KIM SƠN - HẢI VÂN ghi| 15/08/2012 09:43

Chính phủ Thái Lan chủ trương tăng thu mua gạo cho nông dân. Nhưng với động thái này, Thái Lan tự làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nhất là khi lượng gạo dự trữ lớn, hiện có thông tin là khoảng 10 - 12 triệu tấn.

Hỗ trợ xuất khẩu gạo: Bài học từ Thái Lan

Chính phủ Thái Lan chủ trương tăng thu mua gạo cho nông dân. Nhưng với động thái này, Thái Lan tự làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, nhất là khi lượng gạo dự trữ lớn, hiện có thông tin là khoảng 10 - 12 triệu tấn.

Đọc E-paper

Với dự trữ lớn như vậy, Thái Lan đứng trước sức ép phải điều chỉnh giá bán, điều này không có lợi trong việc thương lượng. Mặt khác, việc trợ giá sẽ giữ giá gạo của Thái Lan trên thế giới tương đối cao, kém cạnh tranh so với các nước khác. Về tâm lý, khi được trợ cấp cao, nông dân hăng hái sản xuất, lượng gạo làm ra nhiều hơn.

Trong trường hợp này, người ta chú ý đến số lượng nhiều hơn chất lượng. Những yếu tố này, về lâu dài, có thể đe dọa khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan.

Thay đổi chính sách lúa gạo ở Thái Lan, trước hết là bắt nguồn từ việc giành quyền lực chính trị, bởi chính người nông dân bỏ phiếu, đảm bảo cho Chính phủ hiện nay lên nắm chính quyền. Sự ủng hộ này xuất phát từ lời hứa sẽ tích cực ủng hộ cho nông dân của bà Yingluck Shinawatra khi tranh cử chức thủ tướng.

Quyết tâm của chính phủ đã dẫn đến sự đánh đổi về chính sách, thực hiện cam kết hỗ trợ cho nông dân, dù tình hình của Thái Lan hiện nay không thuận lợi, hậu quả ngập lụt năm trước còn khá nặng nề trong khi kinh tế thế giới đi xuống.

Trong xuất khẩu gạo xưa nay, người trồng lúa Thái Lan không được hưởng lợi nhiều. Các chính sách trước đây như hỗ trợ trữ lúa đều tạo lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, DN xay xát hơn là cho nông dân. Nhưng với chính sách của chính phủ mới, các trợ cấp lúa gạo đã trực tiếp đến tay người dân và được mua với giá rất cao, tới 470-480 USD/tấn, trong khi bán ra chỉ trên 500 USD/tấn.

Như vậy, mức lợi của nông dân đã tăng lên, nhưng mức tăng này chủ yếu nhờ chính sách, không phải do thay đổi hệ thống canh tác. Xét về lợi thế so sánh, chính sách này không bền vững khi cạnh tranh với các nước khác, thậm chí, ở trong nước, người nông dân sẽ đứng trước lựa chọn trồng lúa hay sản xuất các mặt hàng nông sản khác.

Vì vậy, chính sách này kéo dài được hay không, áp dụng như thế nào trong tương lai, sẽ là thách đố đối với những nhà làm chính sách của Thái Lan.

Thực tế, nếu người nông dân muốn được hưởng lợi thì bản thân họ phải được tổ chức lại trong các hiệp hội, hợp tác xã và tham gia vào các khâu kinh doanh, chế biến gạo. Điều này, Thái Lan chưa mạnh và Việt Nam lại càng yếu. Đặc biệt, ở Việt Nam, không phải DN xay xát trực tiếp mua gạo mà qua thương lái, nên giá thấp hơn một mức nữa.

Việt Nam đã có chủ trương thu mua lúa cho nông dân, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%, nhưng chưa được như kỳ vọng. Mức độ tham gia vào chính sách của nông dân chưa đủ mạnh. Người nông dân chỉ phản ứng, khi gặp phải những vấn đề gay cấn, đe dọa quyền lợi sống, như đất đai, ô nhiễm môi trường, mất ngư trường..., còn trong điều kiện khó khăn, thu nhập thấp, họ không đề xuất ý kiến của mình để giải quyết.

Vì thế, chính sách hỗ trợ lúa gạo vừa qua là bắt nguồn từ Chính phủ chứ chưa phải từ phía người nông dân. Đây là sự khác biệt giữa Việt Nam và Thái Lan. Một điểm nữa, mức độ phát triển của Việt Nam thấp hơn Thái Lan. Việt Nam mới ra khỏi cái ngưỡng của các nước thu nhập thấp, cho nên nguồn thu của Chính phủ không đủ mạnh để thực hiện các chính sách trợ cấp tương tự như Thái Lan, hoặc các nước khác trong vùng.

Ở đây không so sánh chính sách nào ưu việt hơn, bởi mỗi một chính sách lại dựa theo hoàn cảnh thực tế của mỗi một nước. Song bất cứ chính sách, của quốc gia nào cũng phải dựa trên cơ chế thị trường, lợi thế phát triển bền vững. Vì thế, Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và phải đảm bảo được hai yếu tố.

Thứ nhất, phải theo cơ chế thị trường. Nếu không mua được lúa trực tiếp với giá cố định, có thể hỗ trợ cho nông dân trữ lúa lại vào lúc thu hoạch rộ, hay cho vay vốn để làm tiếp vụ sau không phải bán lúa ngay sau thu hoạch, hoặc hỗ trợ nông dân sấy lúa để giữ được lúa với phẩm chất tốt.

Thứ hai, phải tăng cường sức mạnh chính trị của người dân. Để tự người nông dân phải tham gia vào quá trình lập chính sách và chủ động triển khai chính sách một cách hiệu quả, chúng ta phải tổ chức các hợp tác xã, các hiệp hội của nông dân.

Nhà nước không thể giúp cho từng hộ nông dân nhỏ lẻ vay vốn, trữ lúa, sấy lúa, nhưng có thể hỗ trợ thông qua các hiệp hội, các hợp tác, như vậy sẽ giúp nông dân sản xuất, kinh doanh, tham gia ngày càng cao hơn trên chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả vững bền, như bài học từ Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ xuất khẩu gạo: Bài học từ Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO