Giành thị phần từ nhà thầu ngoại

07/04/2014 04:34

Nếu như trước đây, hầu hết các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài thì nay nhiều nhà thầu nội đã quay lại chiếm lĩnh thị phần, thậm chí thuê lại nhà thầu nước ngoài cùng thực hiện dự án.

Giành thị phần từ nhà thầu ngoại

Nếu như trước đây, hầu hết các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài thì nay nhiều nhà thầu nội đã quay lại chiếm lĩnh thị phần, thậm chí thuê lại nhà thầu nước ngoài cùng thực hiện dự án.

HBC đã trúng thầu thi công giai đoạn 2-3 của dự án Sunrise City (Q.7) - Ảnh: Đình Sơn

Từ thầu phụ sang thầu chính

Công ty Hòa Bình (HBC) vừa công bố đã trúng gói thầu chính xây dựng phần hầm và khối đế của dự án Saigon Center (Q.1, TP.HCM) trị giá hơn 1.600 tỉ đồng, do Công ty Keppel Land WATCO II và Keppel Land WATCO III làm chủ đầu tư. Trước đó, công ty này giành được hợp đồng thi công giai đoạn 2-3 của dự án Sunrise City (Q.7) từ nhà thầu ngoại Kumho E&C (Hàn Quốc). Hòa Bình cũng đã vượt qua nhiều nhà thầu ngoại để trúng thầu thi công xây dựng bê tông cốt thép và kết cấu phần ngầm công trình VietinBank Tower (Hà Nội), với tổng giá trị gói thầu gần 770 tỉ đồng...

Năm 2013, Công ty cổ phần xây dựng Cotec (Coteccons) đã làm giới nhà thầu trong nước nức lòng khi vượt qua hơn chục công ty xây dựng nổi tiếng nước ngoài để làm tổng thầu dự án Hồ Tràm Strip (Bà Rịa-Vũng Tàu), với tổng giá trị khoảng 3.200 tỉ đồng, do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) làm chủ đầu tư. Để thắng thầu được dự án SC Vivo City (Q.7), Coteccons cũng phải vượt qua 4 nhà thầu đến từ Hàn Quốc trong cuộc cạnh tranh đầy căng thẳng.

Ông Nguyễn Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Coteccons, cho biết sau khi trúng thầu dự án Hồ Tràm Strip, đơn vị này đã thuê lại 30 nhà thầu Nhật, Trung Quốc, Singapore... để cùng thực hiện dự án.

Ngoài HBC, Coteccons, nhiều nhà thầu xây dựng khác như Unicons, Sông Đà, Vinaconnex, CC1… cũng đang chứng tỏ được năng lực, sức cạnh tranh của mình trước các “đối thủ” ngoại khi thắng thầu rất nhiều dự án có quy mô lớn.

Liên kết để mạnh hơn

Có một thực tế nhiều chủ đầu tư đều biết là sau khi trúng thầu, nhà thầu ngoại thường bán lại thầu cho các công ty trong nước. Nhưng vì sính ngoại, vì muốn PR cho dự án, nhiều chủ đầu tư vẫn chọn nhà thầu ngoại dù giá đắt đỏ hơn.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC cho biết việc ngày càng có nhiều nhà thầu nội đảm nhận thi công các công trình quy mô lớn cho thấy năng lực cạnh tranh và uy tín của các nhà thầu nội ngày một tăng lên. Đây cũng là niềm tự hào của các nhà thầu trong nước, có thể sánh ngang các nhà thầu hàng đầu trong khu vực và hoàn toàn tự tin bước ra thị trường xây dựng quốc tế.

Từ kinh nghiệm đấu thầu với nhiều nhà thầu ngoại, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng các nhà thầu nội có nhiều ưu thế và cơ hội. Các nhà thầu nước ngoài có thể làm bài bản hơn nhưng họ phải thuê nhân công, máy móc, thiết bị qua hai, ba đơn vị trung gian trong nước nên giá thành cao hơn, kiểm soát chi phí khó hơn. "Trước đây, chúng ta ngại nhất là kỹ thuật, nhưng bây giờ ngang ngửa rồi, nếu đấu thầu sòng phẳng, có tính điểm đàng hoàng thì không ngại. Trong khi chúng ta là người Việt nên hiểu văn hóa, thổ nhưỡng, thói quen của người Việt, có đầy đủ thiết bị, nhân lực nên giá thành của mình thấp hơn. Đây là một lợi thế rất lớn”, ông Dương nói.

Theo TS Vũ Gia Quỳnh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, năng lực các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đơn vị ngoại. Tuy nhiên, chính cách đánh giá về năng lực chưa thống nhất lại khiến cho nhà thầu nội “lép vế” và thường thua trên sân nhà. Cụ thể, ở nhiều nước, nhà thầu có quyền đi thuê máy móc, hoặc sử dụng tất cả các mối quan hệ để tham gia đấu thầu. Trong khi tại VN, các nhà thầu bị giới hạn bởi quy định về máy móc, số lượng công nhân nên nhiều trường hợp, không thể tham gia đấu thầu những dự án lớn. “Bây giờ, thử có quy định tất cả các dự án cứ cho nhà thầu VN làm tổng thầu hết, thì không những không phải làm người phụ, mà mình có thể thuê những đơn vị tốt nhất thế giới về tư vấn, thiết bị… phục vụ lại cho “mình”, ông Quỳnh nêu ý kiến. Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng thừa nhận điểm yếu của các nhà thầu nội là thiếu liên kết, chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau. “Vốn” đã ít, các nhà thầu cần liên kết với nhau thành một đơn vị có vốn lớn mới đủ lực mà cạnh tranh", ông Quỳnh nói.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng nhìn nhận những năm gần đây nhiều nhà thầu trong nước đã lớn mạnh, so với trình độ nhà thầu nước ngoài gần như không thua kém về trình độ. Những công trình lớn, phức tạp đã được các nhà thầu trong nước làm rất tốt như thi công những công trình 60 tầng; hầm đường bộ Hải Vân, một số cầu dây văng: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Nhật Tân… “Trong tương lai, nhà thầu VN sẽ còn trưởng thành lên nhiều nếu khắc phục tốt hơn nữa các hạn chế về vốn, kinh nghiệm, nguồn nhân lực”, TS Liêm đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giành thị phần từ nhà thầu ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO