Giảm thuế, phí xăng dầu: Nên xem là một khoản đầu tư

Hồng Nga - Ngọc Quỳnh| 11/07/2022 01:30

Từ ngày 11/7/2022, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu giảm kịch khung trong khi các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) đang chờ duyệt. Đây là thông tin vui đối với doanh nghiệp và người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quyết sách kịp thời và cần thiết.

-5759-1657506554.jpg

Theo nhận định của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm 2022 đến nay, do áp lực của giá xăng dầu thế giới biến động (chủ yếu tăng), giá xăng dầu bán lẻ ở trong nước đã được điều chỉnh tới 17 lần (điều chỉnh tăng tới 13 lần và điều chỉnh giảm 4 lần). Quốc hội cũng đã thông qua hai nghị quyết với các phương án giảm thuế môi trường đối với nhóm hàng xăng dầu để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dù thuế BVMT với xăng dầu đã giảm "kịch trần" nhưng giá xăng dầu còn bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và với đà tăng giá thế giới, việc giảm thuế một vài loại thuế chưa đạt được mục tiêu kiểm soát giá xăng dầu tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao như thời gian qua là vấn đề bất thường, cần có giải pháp cấp bách để ngăn chặn. Bởi đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh...

Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đời sống người dân, doanh nghiệp. Chỉ riêng với ngành đánh bắt, tình trạng của 50.000 tàu đánh cá không ra khơi vì giá dầu quá cao, càng ra khơi càng lỗ cho thấy tác động trực tiếp của giá xăng dầu. Và việc ngư dân không ra khơi, nguyên liệu chế biến trong ngành thủy hải sản xuất khẩu bị thiếu hụt, sẽ ảnh hưởng ngành xuất khẩu theo hiệu ứng domino. Rồi hàng loạt tài xế taxi rời bỏ nghề vì không "gồng" nổi giá xăng dầu cũng là thực trạng đáng lo. Nhưng không chỉ có bấy nhiêu con người bị tác động, mà sau họ là hàng trăm nghìn gia đình đang bị tác động tiêu cực từ giá xăng dầu tăng.

Cần xem giảm thuế đánh vào xăng dầu như là một khoản đầu tư lúc này để kiểm soát giá không vượt ngưỡng cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cuộc sống của người dân. Điều này cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng, tạo ra các nguồn thu khác ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần.

Theo ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giữ mức thuế đối với xăng dầu như hiện nay sẽ khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, việc có quyết sách giảm các loại thuế đối với xăng dầu rất cần thiết. Bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu không có chính sách điều chỉnh kịp thời sẽ làm giá các hàng hóa khác tăng lên, đời sống người dân sẽ khó khăn và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vừa qua đợt dịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, rất khó khăn cho việc phục hồi. Giá xăng dầu tăng cũng đương nhiên đẩy lạm phát tăng lên sẽ không kiểm soát được ổn định vĩ mô, nguy hại đến quá trình phục hồi nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay, việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp".

Trước áp lực giá xăng dầu thế giới tăng, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp điều chỉnh chính sách thuế đánh vào các mặt hàng xăng dầu nhằm kiềm chế tăng giá tác động mạnh đến đời sống xã hội và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế BVMT với xăng thêm 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 500 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn 1.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít đã được Quốc hội thông qua. 

Bên cạnh đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động nghiên cứu các chính sách thuế khác đối với xăng dầu như thuế khập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để đề xuất cấp có thẩm quyền các phương án điều chỉnh kịp thời, phù hợp diễn biến thực tế của tình hình từng thời điểm kể từ nay đến cuối năm 2022 nhằm ổn định giá xăng dầu, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng giảm thuế sẽ hụt nguồn thu ngân sách nhà nước. Với thuế BVMT, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 1.000 đồng/lít, ngân sách nhà nước hụt thu 1.400 tỷ đồng mỗi tháng. Theo dự báo, giá dầu thế giới khoảng 110-120 USD/thùng, nếu bỏ thu hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng cuối năm (đã bao gồm giảm thuế VAT), ngân sách sẽ hụt thu 10.000 tỷ đồng...

Link bài viết

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, đương nhiên việc giảm thuế sẽ tác động đến nguồn thu và gây khó khăn trong cân đối ngân sách, nhưng phải chấp nhận để bình ổn thị trường, đời sống sản xuất kinh doanh, từ đó mang lại tác động tốt hơn. 

PGS-TS. Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc giảm thuế xăng dầu không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách dài hạn, nhưng lại có tác động ngay tức thì đối với việc kiềm chế đà tăng giá xăng dầu cũng như hàng hóa khác tăng giá do giá xăng dầu tăng mạnh. Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu hiện nay vẫn cao là một gánh nặng với người dân do Việt Nam vẫn có mức thu nhập trung bình thấp. Tại Trung Quốc, mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần của Việt Nam, nhưng giá xăng của Trung Quốc cũng chỉ tương đương mức giá của Việt Nam. Kiềm chế đà tăng hoặc làm giảm giá xăng dầu hiện nay là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều quốc gia đã phải tìm cách kiềm chế thông qua việc giảm các loại thuế, phí xăng dầu. Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chỉ có cách giảm thuế BVMT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới có thể kìm hãm được đà tăng giá bán lẻ của nhóm mặt hàng này. Theo ông Lâm, cần xem giảm thuế đánh vào xăng dầu như là một khoản đầu tư lúc này để kiểm soát giá không vượt ngưỡng cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cuộc sống của người dân. Điều này cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng, tạo ra các nguồn thu khác ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần.

Ngoài việc giảm thuế, bãi bỏ các sắc thuế đối với xăng dầu, các chuyên gia cho rằng phải áp dụng nhiều biện pháp khác như tăng nguồn cung, công suất các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung và không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thuế, phí xăng dầu: Nên xem là một khoản đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO