Giải pháp nào cho các doanh nghiệp FDI?

Lữ Ý Nhi| 20/08/2021 08:47

Sáng 20/8, UBND TP.HCM đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để lắng nghe chia sẻ và đề xuất các giải pháp sản xuất kinh doanh của khối DN này.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp FDI?

Chi phí tăng và nguy cơ bị mất đơn hàng

Mở đầu buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Mặc dù thời gian qua TP đã nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh và quyết tâm trước 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên, với một đô thị lớn, dân số đông, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các DN đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có các DN FDI. Hàng trăm ngàn lao động bị ngưng việc, mất việc làm, các ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đều bị ảnh hưởng và giảm sâu, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM trong năm nay có khả năng âm thay vì dương, nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành nên GDP cũng khó đạt”. 

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc đối ngoại Intel VN chia sẻ: “Chi phí DN phát sinh khi áp dụng phương án "1 cung đường - 2 điểm đến" cho gần 1.870 công nhân trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp là các nhà thầu, chuyên gia phải lưu trú trong các khách sạn, tạm tính từ 15/7 đến 15/8 là 140 tỷ đồng. Nếu tính thêm giãn cách đến 15/9 thì chi phí phát sinh này sẽ tăng gấp đôi, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách cũng như kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn”.

Tuy chi phí phát sinh lớn nhưng Intel phải gồng gánh để hoàn tất các đơn hàng, bà Uyên cho biết thêm: "Hiện nay, Intel VN đang sản xuất sản phẩm vi mạch, bán dẫn với số lượng lớn cho cả tập đoàn và xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới. Vì thế, hoạt động của nhà máy Intel VN có giá trị và ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Intel VN đã đạt 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả Khu công nghệ (KCN) cao và khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP.HCM". 

Cũng phát sinh chi phí lớn tương tự như Intel là Công ty TNHH Jabil Việt Nam. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Lê Hữu Bình cho biết: “Khi áp dụng phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" cho khoảng 2.500 lao động, chi phí phát sinh mỗi ngày của Jabil khoảng 4 tỷ đồng, một tháng mất khoảng 120 tỷ đồng, chưa kể công ty đang hoạt động chỉ còn 30% công suất nên doanh thu xuất khẩu cũng đã mất khoảng 60 tỷ USD.

Song, điều đáng lo nhất là công ty không thể bảo đảm thời hạn giao hàng đã ký kết nên một số khách hàng đã cắt hợp đồng và chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, do đó công ty mất khoảng 200 triệu USD. Nếu tiếp tục giãn cách thì chúng tôi sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất tại Việt Nam”.

Tổng Giám đốc Datalogic Việt Nam Trần Tiến Phát cũng cho biết: "Nếu như trước tháng 7/2021, Datalogic Việt Nam có 831 nhân viên và 580 lao động làm việc theo mô hình 3T thì đến nay, công ty chỉ còn 502 nhân viên và 440 người làm việc theo phương án này. Doanh số tháng 6 từ 18,6 triệu USD đến tháng 7 chỉ còn 11 triệu USD, thu nhập của người lao động giảm 60%."  

Giải pháp đến 15/9

Hy vọng sau 15/9 dịch bệnh được khống chế, các DN FDI tập trung vào các giải pháp "hộ chiếu vaccine" cho công nhân và chuyên gia, tăng giờ làm ngoài giờ và phương án sản xuất "4 xanh".

Nhận xét mô hình 3T vẫn là giải pháp tốt vì sau 3 tuần thực hiện, Datalogic Việt Nam vẫn chưa có ca nhiễm Covid-19 nhưng ông Phát vẫn cho rằng, nếu sau 15/9 vẫn tiếp tục giãn cách thì công ty cũng gặp khó.

Lý do là các công nhân không đủ điều kiện tham gia 3T thì phải nghỉ việc không lương nên khó khăn, số khác thì về quê nên khi DN trở lại sản xuất sẽ không có đủ lao động, trong khi Datalogic Việt Nam đòi hỏi lao động tay nghề cao, nên rất khó tìm nguồn nhân lực thay thế. 

Hoat-dong-san-xuat-tom-tai-Fim-6525-7484

Vì thế, ông Phát kiến nghị, khi người lao động tiêm chủng 2 mũi vaccine thì được phép đi làm. Ngoài ra, Bộ Y tế  cần công bố số liệu các ca F0; tỷ lệ người đã tiêm chủng 2 mũi vaccine vẫn bị nhiễm Covid-19 và lây nhiễm cho người khác là bao nhiêu; tỷ lệ người đã tiêm chủng vaccine vẫn bị nhiễm Covid-19 bị biến chứng nặng là bao nhiêu... Những con số này không chỉ giúp mọi người tin tưởng vào việc tiêm chủng mà còn giúp DN yên tâm hoạt động tiếp khi có người lao động bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, ông Phát và các DN FDI cũng đề nghị TP bảo đảm hoạt động của chuỗi cung ứng nguyên liệu liên tục, vì nếu chuỗi cung ứng này bị đứt gãy, DN "2 tại chỗ" hoặc "3 tại chỗ" cũng phải ngưng sản xuất.

Cũng theo bà Uyên, phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" vẫn có thể áp dụng nhưng DN phải bố trí xe đưa đón công nhân và không dừng dọc đường, một thời gian sau công nhân quen dần và tự giác thì mới cho họ đi làm bằng phương tiện cá nhân. Bà Uyên cũng cho rằng phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh" có thể áp dụng hiệu quả vì đỡ tốn kém cho DN, ngoài ra còn giúp ổn định tâm lý và sức khỏe của người lao động. Mặt khác lại tương đồng với phương án "4 xanh" mà TP.HCM vừa đưa ra.

Tuy nhiên, bà Uyên cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương nơi "vùng xanh" - chỗ cư trú cùa người lao động với DN để khi vùng này chuyển sang vàng hoặc đỏ, DN sẽ có phương án xử lý sớm tránh lây nhiễm trong công ty. Bà đề nghị TP.HCM cần ra hướng dẫn cụ thể hơn về phương án "4 xanh" để DN thực hiện.

Các DN FDI cũng đề nghị chính quyền TP cần có cơ chế cho DN thuê dịch vụ tiêm vaccine để việc miễn dịch cộng đồng hoàn tất sớm,  do hiện nay có nhiều công nhân hoặc chuyên gia nước ngoài đã tiêm mũi 1 cả hai tháng và đang chờ tiêm mũi 2. Đại diện Jabil  đề nghị thêm, cần xem xét cấp "hộ chiếu vaccine" cho người lao động đã tiêm một mũi hoặc hai mũi, vì hiện nay có 200 công nhân của Jabil đã tiêm một mũi nhưng vẫn phải thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm".

Bên cạnh đó, các DN cũng đề xuất TP nên thành lập bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân Covid-19 tại KCN cao. Các đề nghị khác của DN FDI là tăng 100 giờ làm việc ngoài giờ. Bên cạnh đó, để giải quyết việc thiếu lao động có tay nghề, đề nghị cho chuyên gia nước ngoài có đủ hai mũi tiêm được sang Việt Nam đào tạo tại chỗ cho công nhân và rút ngắn thời gian cách ly cho các chuyên gia và người lao động bị F1 và F2 từ 28 ngày còn 19 ngày (nếu đảm bảo xét nghiệm PCR  và ba lần xét nghiệm nhanh đều âm tính); đơn giản thủ tục hành chính khi DN nhập khẩu trang hoặc trang phục bảo hộ cho công nhân...

Ghi nhận ý kiến của các Hiệp hội và DN FDI, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN FDI. Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền của TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu sở ngành liên quan tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: "TP.HCM mong muốn các DN có vốn đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào công tác chống dịch Covid-19 và tiếp tục đồng hành với TP.HCM, tin tưởng TP luôn chia sẻ và tìm mọi cách hỗ trợ DN để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp FDI?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO