Giá một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ

Nguồn Dân Trí| 04/09/2009 08:10

Giá xăng dầu bất ngờ tăng thêm 1.000 đồng/lít vào ngày 30/8 đang buộc các hãng vận tải, taxi phải tính toán lại cước phí và thời điểm điều chỉnh giá mới.

Giá một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ

Giá xăng dầu bất ngờ tăng thêm 1.000 đồng/lít vào ngày 30/8 đang buộc các hãng vận tải, taxi phải tính toán lại cước phí và thời điểm điều chỉnh giá mới. Một số mặt hàng tại chợ có xu hướng tăng nhẹ, còn siêu thị vẫn giữ giá.

Giá rau xanh liệu có tránh được đợt "té nước theo xăng dầu"?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 3/9, tức là 4 ngày sau khi giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít, chưa có một doanh nghiệp vận tải, taxi nào báo cáo lên hiệp hội về việc điều chỉnh tăng giá cước.

“Trong tháng 8, một số hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá cước, còn các doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng diễn biến giá xăng dầu thời gian tới, cũng như động thái của các doanh nghiệp trong ngành mới có quyết định chính thức”, ông Hùng nói.

Dù chưa có mức giá mới, nhưng theo một số hãng taxi, họ đang lên phương án tăng giá cước, với mức tăng tối thiểu là 500 đồng/km. “Giá xăng dầu chiếm tới gần một nửa tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải, taxi nên việc điều chỉnh tăng giá cước thời gian tới khó tránh”, nhân viên một hãng taxi nói.

Trong khi giá cước vận chuyển đang được doanh nghiệp tính toán lại, thì tại các chợ, một số mặt hàng như: rau thơm, nước mắm, đường sữa… có xu hướng tăng nhẹ. Bà Xuyên, sống tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Giá rau xanh, thịt cá - các mặt hàng trước đây thường chịu ảnh hưởng sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu - không tăng, còn các loại gia vị lại tăng nhẹ. Người bán hàng nói là do thời tiết mưa nắng thất thường, một số loại rau thơm trái vụ nên khan hàng và nước mắm, đường sữa tăng do nhà sản xuất tăng giá…”.

Tại các siêu thị, giá nhiều loại mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống vẫn giữ nguyên so với thời điểm tháng 8. Ông Nguyễn Thái Dũng, đại diện siêu thị BigC Thăng Long cho hay: “Hầu hết những đợt tăng giá xăng dầu gần đây không có hiện tượng nhà cung cấp kiến nghị tăng giá các mặt hàng và ở lần tăng giá xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít cũng vậy. Cơ cấu giá thành sản phẩm liên quan tới xăng dầu chỉ chiếm từ 10 - 12%, trong khi giá điện ở Việt Nam thấp, phần lớn các nhà sản xuất sử dụng điện. Nếu có tăng giá thì giá thành sản phẩm chỉ tăng có 0,5% so với mức giá hiện tại”.

Đại diện một số doanh nghiệp khác tại Hà Nội cũng cho biết họ chưa nhận được đơn kiến nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, khả năng một số mặt hàng “té nước” theo giá xăng dầu trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

TPHCM: Vận tải rục rịch tăng giá

Đến cuối ngày 3/9, hai hãng taxi lớn của TPHCM là Vinasun và Mai Linh đã chính thức công bố sẽ tăng giá cước taxi thêm 500 đồng/km. Cả hai hãng này đều thống nhất mức giá là 10.500 đồng/km cho xe 4 chỗ và 11.000 đồng/km cho xe 7 chỗ.

Theo ông Trương Quang Mẫn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh thì trong 7 lần tăng giảm chủ yếu là tăng giá của xăng dầu từ đầu năm đến nay, Mai Linh chỉ tăng giá cước taxi 1 lần vào tháng 6/2009. Nay việc xăng tăng giá lên 1.000 đồng/lít vượt quá biên độ cho phép nên buộc phải điều chỉnh để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Taxi đã quyết định tăng giá cước.

Đồng quan điểm đó, từ ngày 3/9, nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi nhỏ khác thuộc Hiệp hội Taxi TPHCM cũng điều chỉnh tăng giá taxi lên 500 đồng/lít. Kể từ ngày 3/9, xe nào đã hoàn tất thủ tục điều chỉnh đồng hồ cước sẽ bắt đầu áp dụng giá cước mới này.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng ước lượng là lần tăng giá xăng dầu mới này khiến giá cước vận tải hàng hoá tăng khoảng 4% do đó, hiện hầu hết các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đều đã tăng giá cước vận tải lên 5 - 7% tuỳ mặt hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO