Gần 600.000 sĩ tử đua sức thi ĐH đợt 2

Tổng hợp| 09/07/2009 09:20

Đây là đợt thi phức tạp do có nhiều khối thi và nhiều môn học thuộc, nên Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, giám sát.

Gần 600.000 sĩ tử đua sức thi ĐH đợt 2

Sáng 9/7, thí sinh khối C, D thi môn Văn (180 phút), khối B thi Sinh (90 phút). Do có nhiều môn tự luận nên đây được đánh giá là đợt thi phức tạp. Bộ GD&ĐT cử 14 đoàn đi thanh tra đột xuất các điểm thi.

Tại TP HCM, thời tiết sáng nay khá mát thuận lợi cho các sĩ tử tiếp tục so tài.

Từ 5g sáng trên các tuyến đường đã bắt đầu tấp nập thí sinh.  Trước hội đồng thi Khoa học xã hội và nhân văn, những thí sinh đi sớm tranh thủ ăn sáng, kiểm tra lại tư trang. Nhiều ông bố, bà mẹ dặn dò con mấy câu trước khi bước vào phòng thi. Có người cẩn thận sợ con luống cuống rồi quên mang luôn điện thoại vào phòng nên bắt con để luôn ở ngoài cho chắc.

Tỏ ra khá tự tin với môn thi đầu tiên Phương Dung một thí sinh từ Nha Trang chia sẻ: "Năm nay em đăng ký khoa báo chí, môn Văn vốn là môn học em yêu thích nhất. 'Vạn sự khởi đầu nan', em hy vọng môn đầu tiên sẽ làm tốt", Dung cười vui vẻ rồi vội bước đi. Tuy nhiên nữ sinh này lại e ngại với môn Địa lý ở phần bài tập thực hành.

Trong khi đó tại hội đồng thi Mari Curi, Thành Trung một thí sinh từ Bình Định lại tỏ ra lo ngại với môn Sinh vì cậu vừa thi khối A vào ĐH Mở khoa Quản trị kinh doanh. "Môn thi này em không học được nhiều vì tập trung chủ yếu vào đợt thi trước. Đợt này em thi vào khoa Công nghệ sinh học, biết đâu may mắn lại có thể làm được, hơn nữa đối với khối B em nghĩ đề Toán và Hóa sẽ dễ hơn, nên cố gắng lấy điểm ở hai môn đó", thí sinh này tính toán.

7g khi các thí sinh chuẩn bị bước vào giờ làm bài, bên ngoài các điểm thi nhiều phụ huynh mới bắt đầu ăn sáng, ngồi túm lại kể chuyện gian nan đưa con đi ứng thí. Một vài người tranh thủ ngủ ở góc tường, hay trên xe máy. Nhiều phụ huynh từ nông thôn lần đầu ra thành phố thì suýt xoa vì phải mua những món hàng với giá quá đắt.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đợt thi này có lượng hồ sơ ảo chiếm hơn 30%, tăng hơn so với đợt thi đầu. Chỉ có hơn 580.000 thí sinh tới làm thủ tục dự thi vào 98 đại học, học viện, giảm hơn 6.000 thí sinh so với cùng kỳ năm 2008.

Để ngăn chặn và hạn chế các trường hợp thi hộ, Chánh thanh tra Nguyễn Văn Chiến cho hay, các trường sẽ tăng cường đối chiếu thông tin của thí sinh, tăng cường kỷ luật phong thi. Ngoài ra sẽ có 10 đoàn của thanh tra và 4 đoàn của lãnh đạo Bộ xuống các điểm thi kiểm tra tình hình.

Theo Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi, khi vào phòng thi, thí sinh chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, tẩy, máy tính không có thẻ nhớ, chức năng soạn thảo văn bản. Bài làm chỉ viết bằng một thứ mực, không được viết mực đỏ.

Ở kỳ thi này, bảng tuần hoàn hóa học, Atlat Địa lý không được mang vào phòng thi. Chỉ có hình tròn mới được vẽ bằng compa bút chì nên những em vẽ đồ thị bằng bút chì có nghĩa là phạm quy và giáo viên phải chấm tập thể bài đó.

Không ít TS đến nơi phải ngồi gục mặt xuống để tranh thủ ngủ thêm một vài phút trước khi vào phòng thi.

Trong khi làm bài, không được trao đổi, thảo luận, chuyển giấy nháp, bài thi cho người khác. Tùy theo mức độ, vi phạm này sẽ bị xử lý, nhẹ thì khiển trách (trừ 25% số điểm của bài đó), nặng hơn thì bị cảnh cáo (trừ 50% số điểm) hoặc đình chỉ thi, hủy kết quả thi môn đó và không được thi các môn tiếp theo.

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Cao Thị Lan, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (tỉnh Hà Tĩnh) vừa ôn bài, vừa tỏ ra lo lắng.

Đối với các môn văn hóa, sau khi làm phần chung dành cho tất cả thí sinh, các em chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm. Nếu em nào làm cả hai phần riêng là vi phạm quy chế và bài đó chỉ được chấm điểm phần chung.

Trước đó, để tránh lặp lại sự cố đề Vật lý tại cụm thi Quy Nhơn (Bình Định), Bộ GD&ĐT đã có công điện yêu cầu các Hội đồng thi, trong quá trình in sao phải cử người đọc, đối chiếu với đề thi gốc trên đĩa CD, cán bộ coi thi không tự ý giải thích bất cứ nội dung gì của đề...

Hà Nội thời tiết hôm nay khá mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh dự thi.

6g sáng tại các điểm thi đã đông nghẹt người, sinh viên tình nguyện phải đứng thành hàng dài để phân chia đường, tránh ùn tắc.

Tay cầm nắm xôi vừa đi vừa ăn, nét mặt rất căng thẳng, Nguyễn Thị Nhung quê ở Bắc Giangcả đêm hôm qua không ngủ nổi, chỉ mong sao trời sáng để đến trường thi. “Thấy thi đợt 1 các bạn kêu đề thi khó, em sợ đề Văn cũng sẽ khó. Không hiểu tại sao em cứ lo thế nào ấy, chỉ sợ mình không làm được bài” - Nhung lo lắng. Tự tin hơn, Vũ Hải Vân, quê ở Hà Nam cho rằng, môn Văn không đáng ngại bằng môn Sử, nếu chiều làm tốt môn Sử thì em yên tâm. Tại cổng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Văn Tùng quê Ninh Bình alo cho bố: “Bố cứ yên tâm, con sẽ làm tốt mà” trước khi vào phòng thi. Tay đưa điện thoại cho chị gái, Tùng tự tin cười tươi, nói với chị gái - môn Văn là sở trường của em mà.

Thí sinh dự thi Văn tại đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Sợ con gái đói sẽ bị hạ đường huyết trong thi, bà Đinh Thị Phượng, ở thị xã Ninh Bình có con thi vào ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, 5 giờ sáng đã đánh thức con gái dậy, xem lại bài và ép con ăn hết nắm xôi cùng một hộp sữa tươi.

No cái bụng thì mới làm được bài chứ, thi tận 3 tiếng cơ mà. Mình ở ngoài thì có nhiều thứ để ăn, trong phòng thi thì nó xoay xở làm sao - bà Phượng lo lắng cho biết.

7g, cổng trường ĐH Hà Nội đã khép lại, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực thi. Phụ huynh đưa con đi thi đứng kín hai bên lề đường. Nhiều người cố gắng chen đứng sát vào cánh cổng trường, dặn dò với theo cho tới khi các thí sinh đi khuất hẳn vào phía trong trường.

Mắt thâm quầng vẻ thiếu ngủ, ông Vũ Hồng Việt ở Thạch Thành - Thanh Hoá, cho biết, ông đã ở Hà Nội gần 10 ngày rồi từ thi đợt 1. Hiền, con gái ông thi đợt 1 vào ĐH Thủy lợi, còn đợt 2 này con gái thi ĐH Hà Nội. Mới hơn 4h sáng, hai cha con lục đục đi từ nhà người thân ở Cầu Diễn đến Thanh Xuân vì sợ tắc đường.

"Đêm qua, thấy con gái lo lắng vì Văn không phải môn sở trường nên tôi bắt cháu đi ngủ từ 8h tôi, nhưng bản thân tôi thì không chợp mắt được tí nào, chỉ sợ con không làm được bài" - ông Việt tâm sự.

Cũng như ông Việt, nhiều phụ huynh tại Hội đồng thi Hà Nội cho biết còn "hồi hộp" hơn cả các thí sinh khi vào phòng thi. Nhiều người không về nhà, ở lại đứng chờ các con làm bài thi.

Thí sinh dự thi vào ĐH Hà Nội (Ảnh: Hồng Hạnh)

Theo thống kê từ các trường ĐH, thì đợt hai này có trên 287.000 hồ sơ "ảo". Số thí sinh đến đăng ký dự thi của các trường ĐH phía Bắc trong đợt này đều đạt trên 60%. ĐH Luật Hà Nội, khối C đạt trên 64%, khối D đạt gần 62%.ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội đạt gần 61% trên tổng số 11.530 hồ sơ ĐKDT. ĐH Ngoại thương cơ sở 1 (phía Bắc) là 57,4% và cơ sở 2 (phía Nam) là 68%; ĐH Sư phạm Hà Nội đạt 65,5%; ĐH Thái Nguyên đạt 72%, trên tổng số gần 44.000 hồ sơ; Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt 62% trên tổng số 11.000 hồ sơ đăng ký...

Đợt thi đại học thứ hai này với nhiều môn thi tự luận nên Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, giám sát. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường lưu tâm, nhắc nhở thí sinh và giám thị không mang điện thoại di động vào phòng thi để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Đà Nẵng: Thời tiết nóng nhẹ, giao thông thông suốt

Thí sinh Đà Nẵng sốt ruột trước giờ vào phòng thi

Cơn mưa đêm qua đã làm cho thời tiết Đà Nẵng sáng nay dịu hơn. Từ sáng sớm, từng dòng người đã đổ về các Hội đồng thi nhưng giao thông vẫn đảm bảo thông suốt nhờ lực lượng cảnh sát giao thông và sinh viên tình nguyện hoạt động tích cực.

Bác Nguyễn Bình, quê ở Điện Bàn (Quảng Nam) đưa con gái đi thi tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Từ nhà đến địa điểm thi khoảng 25km nên hai cha con không thuê phòng trọ mà đi về trong ngày cho đỡ tốn tiền. Từ 4 giờ sáng, hai cha con đã “lục đục” lên đường.

Còn ông Nguyễn Quang Ngọc (Đà Nẵng) hăng hái chở cháu gái đến trường thi vì bố mẹ cháu bận đi làm. Cầm tay cháu, ông dặn dò: “Cố gắng lên con, bình tĩnh chứ đừng có lo”.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Bách khoa, các bậc phụ huynh được chở con vào tận khu vực để xe. Nhiều phụ huynh con đã phòng thi nhưng vẫn chưa muốn về. Ai cũng muốn đứng thêm một chút nữa để yên tâm hơn.

Huế: Chưa thi Văn đã lo môn Sử khó

Lượng thí sinh đông gấp đôi đợt 1 nên đã xảy ra tình trạng kẹt xe trong sáng 9/7

Hơn 33.000 thí sinh tại cụm Huế bước vào buổi thi đầu tiên của đợt 2 trong điều kiện thời tiết khá mát mẻ (dao động từ 32-35 độ C). Tuy vậy, khí hậu mát mẻ vẫn không hạ nhiệt được tâm trạng lo lắng, hồi hộp của các thí sinh và người nhà.

Đợt này, ĐH Huế có 9 thí sinh khiếm thị, các em được tổ chức thi riêng tại điểm thi ĐH Sư phạm Huế.

Em Nguyễn Kiều Nga thi khối C, điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh: “Lần đầu đi thi nên em thấy hơi hồi hộp. Em đã có sự chuẩn bị tương đối tốt, chỉ hơi ngại môn Sử chiều nay”.

Mặc dù từ tờ mờ sáng lực lượng công an TP Huế đã có mặt ở nhiều điểm “nóng” nhưng do lượng thí sinh đợt 2 gấp đôi so đợt 1, lưu lượng xe và người quá lớn nên tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra ở một số tuyến đường như Đống Đa, Lê Lợi, Ngô Quyền.

Hình ảnh các sĩ tử đi thi ngày 9/7

Tranh thủ ăn sáng. Ảnh chụp tại cụm thi Quy Nhơn
Vội đến phòng thi cho kịp giờ.Theo quy định, 15 phút sau khi đề thi được bóc (từ 7h30), thí sinh sẽ không được vào phòng thi.Ảnh: Lê Anh Dũng
Làm thủ tục gửi đồ tại Học viện hành chính Quốc gia. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lo lắng ngồi chờ con thi
Vội đến trường thi
Thí sinh cuối cùng tại cổng trường thi Học viện Quan hệ quốc tế
Mang tinh thần lạc quan
Những bước đi lo lắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gần 600.000 sĩ tử đua sức thi ĐH đợt 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO