FDI vào TPHCM: thách thức từ năng lực quản lý

29/06/2009 08:48

20 năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTNN. Tính đến đầu năm 2009, nguồn vốn thực hiện đã đạt 10,1 tỷ USD, đạt gần 40% so với tổng vốn đầu tư đăng ký.

FDI vào TPHCM: thách thức từ năng lực quản lý

Sau hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại TPHCM diễn ra ngày 27/6, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có buổi phỏng vấn nhanh ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM về những thách thức trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn

Xin ông cho biết những vấn đề thành phố đặt ra trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn sắp tới và những giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay?

- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Trong thời gian sắp tới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn gián tiếp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Một trong những mục tiêu mà thành phố theo đuổi vẫn là đẩy mạnh thu hút các dự án có công nghệ kỹ thuật cao, các dự án trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ, các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, và kiên quyết từ chối các dự án ảnh hưởng đến môi trường. 

Đánh giá một cách khách quan, đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế TPHCM (chiếm 20,1% trong cơ cấu GDP 2007 - PV) nhưng tôi cho rằng yếu tố nội lực vẫn là yếu tố quyết định. TPHCM phải phát triển nền kinh tế thực sự ổn định và bền vững, và thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của thành phố. Ở một khía cạnh khác, các nhà đầu tư nước ngoài đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào việc đổi mới công nghệ, học hỏi kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý và nâng cao tính cạnh tranh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, vì đây vẫn là điểm yếu mà các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra nhiều lần. Yêu cầu mà chính quyền thành phố đặt ra cho các sở, ngành là đẩy, tạo sự đồng bộ trong khâu tiếp nhận thủ tục dự án, tăng cường phối hợp trong việc giải quyết nhanh thủ tục cấp phép dự án. Bên cạnh đó, cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Một vấn đề khác là tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực. Trong giai đoạn ban đầu để thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, thành phố đã chấp nhận những dự án thâm dụng lao động, để tạo việc làm cho một lượng lớn lao động. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại đặt thành phố vào yêu cầu cần phải lựa chọn những dự án có hàm lượng chất xám cao, công nghệ kỹ thuật cao và không thâm dụng lao động.

Một trong những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn nhiều nhất là sự yếu kém trong phát triển cơ sở hạ tầng, và đây vẫn là một sức ép lên tính cạnh tranh của thành phố trong việc thu hút đầu tư?

- Đây là một vấn đề lớn của thành phố, trong đó nổi bật là phát triển hạ tầng giao thông, bao gồm cả giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Từ đây đến cuối năm, thành phố sẽ đưa một số tuyến đường nhu tuyến đường vành đai 2, cầu Phú Mỹ... vào hoạt động và đến năm 2010 tập trung hoàn thành dự án quan trọng như đại lộ Đông-Tây. TPHCM cùng với các địa phương lân cận cũng đang chuẩn bị cho việc khởi công tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây (nối từ TPHCM đến Đồng Nai) từ đây đến cuối năm.

Có thể nói, đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu của TPHCM hiện nay.

Theo ông, trong chặng đường thu hút đầu tư nước ngoài sắp tới, đâu là thách thức lớn nhất cho TPHCM?

Nền kinh tế thành phố đang trong quá trình hội nhập quốc tế, một trong những yêu cầu lớn đặt ra là sớm hoàn thiện pháp lý, tiếp cận với hệ thống quy định pháp lý quốc tế.

Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực có thể tiếp cận được với những nguồn vốn lớn từ quốc tế. Trong sự cạnh tranh đến từ các nước xung quanh về thu hút đầu tư, có thể thấy rằng giá thuê đất rẻ hay chi phí nhân công rẻ chỉ là yếu tố phụ, điều quan trọng là năng lực quản lý và điều hành của cơ quan chức năng, nguồn nhân lực và kiến thức quản lý. Đây mới là vấn đề mà chính quyền thành phố hết sức quan tâm.

Xin cảm ơn ông! 

Những giải pháp của TPHCM trong thu hút đầu tư nước ngoài:

1. Nhóm giải pháp về quy hoạch:

- Hoàn thành quy hoạch về đất đai, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu.

- Thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch, đảm bảo việc xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với các cam kết quốc tế. Tăng cường quản lý sau cấp phép.

2. Nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách:

- Ban hành các văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp về lộ trình cam kết mở cửa đầu tư nước ngoài làm cơ sở xem xét cấp phép đầu tư.

- Nghiên cứu, ban hành các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài cho các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục-đào tạo, y tế, quy hoạch đô thị; ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường công tác phối hợp đồng bộ các chính sách đất đai-đầu tư-tài chính-tín dụng để khuyến khích đầu tư nước ngoài.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn. Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh.

3. Nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư:

- Nhiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.

- Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại thành phố.

- Chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào thành phố.

4. Nhóm giải pháp về cải thiện cơ sở hạ tầng:

- Vừa kêu gọi vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, vừa phải đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng.

- Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách; ưu tiên các dự án cấp-thoát nước, vệ sinh môi trường, đường bộ cao tốc, đường vành đai và đường sắt nội đô.

5. Nhóm giải pháp về lao động, tiền lương:

- Đầu tư nâng cấp hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có, phát triển các trường mới.

- Nghiên cứu, điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Kiến nghị cải cách chính sách về lao động, tiền lương phù hợp trong tình hình mới.

6. Nhóm giải pháp về cải cách hành chính:

- Đơn giản và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài. Nâng cao trình độ củ đôi ngũ cán bộ, công chức nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn sữ tùy tiện nhũng nhiễu do các văn bản luật hướng dẫn còn nhiều bất cập.

- Triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng...

- Tăng cường cơ chế phối hợp quản lý đầu tư nước ngoài giữa trung ương và địa phương và giữa các bộ, sở, ngành, UBND các quận, huyện có liên quan.

(Nguồn: lược trích báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TPHCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI vào TPHCM: thách thức từ năng lực quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO