EVN kiên trì đòi tăng giá điện

07/01/2012 08:15

Ngày 6/1, tổng kết năm 2011, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết tiếp tục lỗ. Nhiều tổng công ty của EVN khẳng định nguy cơ vỡ hệ thống điện do không có vốn đầu tư.

EVN kiên trì đòi tăng giá điện

Ngày 6/1, tổng kết năm 2011, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết tiếp tục lỗ. Nhiều tổng công ty của EVN khẳng định nguy cơ vỡ hệ thống điện do không có vốn đầu tư.

>> 'EVN không sòng phẳng khi bất ngờ tăng giá điện'
>> Giá điện sẽ tăng cao nhất 15,38%, không phải 4,6%
>> EVN lại muốn tăng giá điện 13%

Người dân cảm thấy không vui khi trong năm 2011 phải chịu hai đợt tăng giá điện. Trong ảnh: khách hàng đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định giá điện phải điều chỉnh, chỉ còn cân nhắc thời điểm phù hợp...

Lỗ do giá điện?

Theo báo cáo tổng kết của EVN, năm 2011 tập đoàn này vẫn lỗ tới 3.500 tỉ đồng. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, cho biết nguyên nhân lỗ vẫn là do giá điện chưa được điều chỉnh, giá bán điện nhiều khi thấp hơn cả giá thành. Theo ông Thanh, dự tính đầu năm con số lỗ có thể lên tới 11.000 tỉ đồng nhưng do những nỗ lực trong điều hành, mức lỗ đã giảm đi.

Trong phát biểu tổng kết, ông Thanh cũng nhắc đến kinh doanh viễn thông ở EVN Telecom và cho rằng đây là “nỗi đau” của ngành. Ông Thanh nêu ba mục tiêu của EVN trong năm 2012 là đảm bảo đủ điện, đầu tư đảm bảo các mục tiêu và tái cơ cấu tập đoàn... Phần kiến nghị, EVN đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện quyết định về bán điện theo cơ chế thị trường và chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ sự cần thiết của việc điều chỉnh giá...

Trả lời câu hỏi của PV tại hành lang hội nghị, ông Đặng Hoàng An - Phó tổng giám đốc EVN - cho biết năm 2012 sẽ không thiếu điện! Theo ông An, với những chỉ số về nước tại các hồ thủy điện, cộng với các tổ máy phát điện mới, năm 2012 EVN có thể tự tin cân đối được điện đủ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông An cũng loại trừ một số trường hợp đặc biệt như sự cố lớn đột xuất, thiên tai lớn..., “còn lại sẽ đảm bảo đủ điện cho các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp” - ông An nói.

Các doanh nghiệp viễn thông lãi to

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giữ mức tăng trưởng cao về doanh thu, điển hình là Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) ước đạt 120.800 tỉ đồng (tăng 18,26% so với năm 2010), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) ước đạt trên 116.000 tỉ đồng. Thông tin trên được Bộ Thông tin - truyền thông công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai công tác năm 2012 diễn ra ngày 6/1 ở Hà Nội.

Tại hai đơn vị này, lợi nhuận trước thuế của mỗi tập đoàn đạt khoảng 1 tỉ USD. Một đơn vị khác của Bộ Thông tin - truyền thông là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cũng có mức doanh thu đạt trên 10.300 tỉ đồng.

Tại hội nghị, Bộ Thông tin - truyền thông cho biết năm 2012 sẽ xây dựng cơ chế giám sát, điều tiết thị trường viễn thông, hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông và thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp để phát triển tốt hơn. Trước mắt là việc tổ chức lại VTC và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Ngoài ra, việc sáp nhập hay chia tách Vinaphone và MobiFone cũng là điều được xem xét thực hiện trong năm 2012.

Đánh giá về việc tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc tái cơ cấu này là để thị trường tiếp tục phát triển lành mạnh chứ không phải sinh ra các doanh nghiệp độc quyền hay làm thị trường viễn thông VN méo mó, không phát triển được.

Phát biểu chỉ đạo EVN, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng việc vận hành hệ thống với dự phòng về công suất mỏng manh, nếu có vấn đề đột xuất hoặc nhu cầu tăng đột biến thì khả năng đủ điện là khó khăn. Ông Hoàng yêu cầu EVN trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo đủ điện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Tư pháp: phát hiện nhiều văn bản trái luật

Cùng ngày, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2012. Báo cáo tổng kết năm 2011 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên trình bày cho thấy công tác kiểm tra và kiến nghị xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đã được quan tâm, góp phần giải quyết những bức xúc của đời sống xã hội. “Các sở tư pháp đã phát hiện 3.598 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm tỉ lệ 8%), trong đó 1.002 văn bản có nội dung trái pháp luật” - ông Liên cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý trong năm 2012 ngành tư pháp dành ưu tiên cho công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 vì “đây là vấn đề nóng bỏng đang được nhân dân cả nước chờ đợi”. Phó thủ tướng cho biết tới đây sẽ tổ chức hội thảo ở cả ba miền về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 để lấy ý kiến nhiều chiều của các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm hoàn thiện các nội dung để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình Quốc hội.

Bộ TN-MT: dừng khai thác titan để dành cho con cháu

 “Thủ tướng đã chỉ đạo trong nhiệm kỳ này phải làm rất chặt chẽ, quyết liệt về vấn đề khai thác khoáng sản. Tới đây Thủ tướng có chỉ thị riêng về vấn đề thăm dò, cấp phép, khai thác và chế biến để chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản hiện nay”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Bộ TN-MT sáng 6/1.

Theo ông Quang, vấn đề khai thác khoáng sản thời gian qua được nhận định là rất nóng ở các địa phương, do vậy phải xem xét chấn chỉnh. “Cụ thể như vấn đề khai thác titan ở các tỉnh miền Trung. Chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ dừng khai thác xuất khẩu thô titan. Về lâu dài chỉ cho thăm dò, khai thác loại khoáng sản này nếu như có công nghệ chế biến sâu. Còn các cơ sở hiện nay đang khai thác tới đây sẽ dừng lại, cho san lấp trả mặt bằng, sau đó sẽ quy hoạch để làm tài nguyên dự trữ cho con cháu” - ông Quang nói.

Tham luận tại hội nghị về vấn đề quản lý khai thác khoáng sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn cho biết cứ kiểm tra tới đâu thì thấy sai tới đó. “Tổng cục đã xin ý kiến lãnh đạo bộ tới đây sẽ xử lý kiên quyết, xử lý đến cùng và sẵn sàng thu hồi giấy phép với các trường hợp cố tình vi phạm” - ông Thuấn khẳng định.

Liên quan đến kết quả “chấm điểm”, Bộ TN-MT đứng cuối trong số 14 bộ, ngành về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố, ông Quang nói: “Tôi nghĩ việc lấy ý kiến cần khách quan hơn để bộ cũng có trao đổi thông tin, chỉ lấy ý kiến một số doanh nghiệp rồi công bố, chúng tôi cũng cảm thấy không thoải mái lắm, dư luận cứ nghĩ bộ yếu kém lắm nhưng thực tế không hẳn như vậy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVN kiên trì đòi tăng giá điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO