Đừng để nông dân mất cơ hội

30/06/2009 07:41

Trên thực tế, việc thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp còn khá nhiều bất cập.

Đừng để nông dân mất cơ hội

“Nếu được Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất thì chúng tôi vui lắm. Chắc rằng, vụ mùa này, nông dân không phải chạy đôn, chạy đáo kiếm lao động cắt lúa”, lời giãi bày của ông Phan Văn Bảy ở xã Ninh Hoà (huyện Hồng Dân) cũng là mong ước của nhiều nông dân Bạc Liêu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp còn khá nhiều bất cập.

“Khát máy" như khát nước

Thiếu đầu tư, cơ giới hoá trong sản xuất thật sự trở thành vấn đề bức xúc trong ngành nông nghiệp hiện nay, kìm hãm sự phát triển. Cụ thể như việc cắt lúa, cứ vào mùa thu hoạch, bà con nông dân lại đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn lao động. Những cánh đồng lúa chín vàng, hạt gần chạm đất nhưng kiếm không ra người cắt. Giá nhân công cắt lúa vì thế đội lên mức khá cao, 120.000-150.000 đồng /công (1.000m2), vào thời điểm thu hoạch rộ, hoặc lúa bị đổ do trời mưa, công cắt có thể trên 180.000 đồng /công. Việc thiếu nhân công trong những ngày mùa đã trở thành điệp khúc lặp đi, lặp lại, nhưng nông dân vẫn phải bóp bụng thuê người. Vì thế, chi phí đầu tư sản xuất liên tục tăng trong khi lợi nhuận giảm dần. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trúng mùa nhưng vẫn lỗ”.

Đầu tư cho cơ giới hoá là một trong những biện pháp cải thiện tình hình trên, song không phải nơi nào, hộ dân nào cũng có điều kiện để thực hiện được điều đó. Đơn cử như tại Phước Long, một trong những huyện phát triển mạnh về cây lúa và được tỉnh Bạc Liêu chọn làm điểm phát triển nông thôn toàn diện, nhưng vào mùa vụ, nông dân vẫn phải “vắt giò” kiếm máy cày, máy gặt để làm cho kịp thời vụ. Với diện tích lúa ổn định ở mức 11.200ha, nhưng toàn huyện chỉ có 5 máy gặt đập liên hợp. Bởi thế, vào mùa thu hoạch phải huy động hàng chục máy từ các tỉnh khác như: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp sang làm thuê. ông Trần Văn ân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phước Long cho biết: “Không chỉ thiếu máy gặt đập liên hợp, vào mùa mưa, nông dân còn phải đối mặt với khó khăn do không có lò sấy, các lò sấy hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của nông dân. Nhiều nông dân rất muốn đầu tư máy gặt, lò sấy nhưng lại không có tiền”.

Việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất sẽ giúp nông dân trút đi những gánh nặng, lo toan lâu nay. Điển hình như việc áp dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch sẽ giúp họ chủ động được nguồn nhân công ở khâu cắt, suốt, thu hoạch kịp mùa vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa. Trên thực tế, nếu có máy gặt đập liên hợp, mức tổn thất chỉ chiếm 1% sản lượng. So sánh việc thu hoạch truyền thống bằng máy suốt, cắt gom bằng tay với việc sử dụng máy gặt đập liên hợp cho thấy, tổng chi phí từ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ bằng 37,5% chi phí thu hoạch truyền thống, trung bình mỗi hecta, nông dân lãi 1-1, 5 triệu đồng. Với tổng diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh hơn 150.000ha/năm, con số đem về cho nông dân sẽ là hàng trăm tỷ đồng nếu áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Điều đó không dừng ở hiệu quả kinh tế, nó còn tác động tích cực đến việc khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất mới, loại bỏ dần hình thức canh tác lạc hậu và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa .

Đừng để nông dân mất cơ hội

Chuyện đưa cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được nói đến từ lâu và được xác định là giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Vậy mà, các vùng nông thôn, những chiếc máy cày, máy gặt vẫn còn rất khiêm tốn. Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cây lúa đã có thương hiệu, nhưng toàn huyện chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp, trong khi tổng diện tích sản xuất lúa lên tới gần 24.000ha. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QĐ -TTg về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng trở thành niềm vui lớn của nông dân. Song, vấn đề đáng bàn hiện nay là ngành quản lý cần làm gì để người nông dân được hưởng lợi từ chủ trương này?

Qua khảo sát cho thấy, nhiều nông dân vẫn chưa nắm được thông tin này, thậm chí ngành quản lý ở một số địa phương cũng tỏ ra mù mờ không biết quyết định được ban hành khi nào, đã triển khai thực hiện hay chưa!? Mặc dù, Quyết định số 497 đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến từ tháng 4/2009 và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị về việc phối hợp thực hiện Quyết định 497 và Thông tư số 09 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Có thể thấy, giải pháp kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng ở vùng nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức và nông dân rất dễ bị mất cơ hội thay đổi phương thức sản xuất.

Theo kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010, 100% diện tích gieo trồng lúa sẽ được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Để hoàn thành mục tiêu này, có lẽ ngành quản lý phải tăng tốc việc thống kê, tuyên truyền để nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đừng để một cơ hội lớn tuột khỏi tầm tay nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng để nông dân mất cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO