Dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn

NGUYÊN BẢO| 05/07/2017 06:27

Phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận các chỉ số cơ bản "đo sức khỏe" của nền kinh tế trong nửa đầu năm đều đạt.

Dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn

Phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong ngày 3/7 để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và các giải pháp cho nửa cuối của năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận các chỉ số cơ bản "đo sức khỏe" của nền kinh tế trong nửa đầu năm đều đạt.

Đọc E-paper

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2% (số % tăng giảm trong bài đều so với cùng kỳ 2016). Tăng trưởng phục hồi mạnh, quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%, đưa kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,73% (cao hơn 0,21% so với cùng kỳ).

Trong 6 tháng, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng hơn 30%, đạt 6,2 triệu lượt. Việt Nam là một trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Tín dụng tăng trưởng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, kể từ tháng 3/2008, chỉ số VN-Index đạt trên 777 điểm vào ngày 30/6 vừa qua. Chỉ số PMI do Nikkei đánh giá trong tháng 6 đạt 52,6 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Thêm nữa, xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt khoảng 200 tỷ USD. Đáng chú ý, một số ngành có sự hồi phục hoặc tăng trưởng liên tục so với những năm trước, điển hình nhóm hàng nông sản chính.

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,8 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị. Giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả 6 tháng ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6%.

Nửa đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, bổ sung và góp vốn cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Đã có trên 61.000 doanh nghiệp thành lập với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh những mặt tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức. Trước hết, việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó có một ngành giảm sâu như khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%.

Thủ tướng cho rằng, chưa có giải pháp nào đẩy mạnh khai khoáng, tăng trưởng 6 tháng đầu năm có được là do chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế. Tình hình sản xuất, kinh doanh tuy có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao, năng lực cạnh tranh cần phải được cải thiện hơn nữa, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, việc thoái vốn còn chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, giá trị vốn thoái mới đạt 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế nêu trên, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để đạt mục tiêu cả năm 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42% (phải đảm bảo yếu tố bền vững, không phải tăng trưởng bằng mọi giá).

Đây là mục tiêu cao nhưng có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh, xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi, nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, vấn đề đặt ra là phải quyết tâm thực hiện cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất, kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.

Trong phần trao đổi với các địa phương, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các đô thị lớn như TP.HCM, vốn là đầu tàu kinh tế, chiếm 23% GDP của cả nước. Khi TP.HCM đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm 1% thì đóng góp 0,21% vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các kiến nghị của TP.HCM, kịp thời đưa ra những cơ chế phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của Thành phố.

>>Thủ tướng chỉ thị thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO