Dự báo giá 11 mặt hàng thiết yếu

P.V| 09/04/2010 06:44

Bộ Tài chính đã công bố Báo tình hình giá cả thị trường tháng 3 và quý I/2010, trong đó có đưa ra những dự báo về xu hướng giá trong thời gian tới của những mặt hàng chủ yếu trong đời sống.

Dự báo giá 11 mặt hàng thiết yếu

Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính đã công bố Báo tình hình giá cả thị trường tháng 3 và quý I/2010, trong đó có đưa ra những dự báo về xu hướng giá trong thời gian tới của những mặt hàng chủ yếu trong đời sống.

Lúa gạo tăng nhẹ

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu năm 2009/2010 khoảng 440,3 triệu tấn. Tiêu thụ toàn cầu trong năm 2009/2010 dự báo ở mức 440,6 triệu tấn. Dự báo về lâu dài giá gạo sẽ khó giảm sâu.

Trước tình hình giá gạo trong nước liên tục giảm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thu mua 1 triệu tấn gạo (tính đến ngày 19/3 các doanh nghiệp của Hiệp hội đã mua tạm trữ được 790.000 tấn), đây là yếu tố tác động giữ giá lúa gạo Nam Bộ sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong tháng tới.

Do sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được mùa năng suất đạt khá cao (6,2-6,5 triệu tấn/ha), thời tiết hiện đang diễn biến khá thuận lợi nên sản lượng năm 2010 dự kiến đạt 39,22 triệu tấn.

Lượng lúa để giống và hao hụt giảm nhờ cải tiến kỹ thuật sản xuất nên tổng nhu cầu dự kiến năm 2010 ở mức khoảng 27,68 triệu tấn thóc.

Như vậy lượng lúa hàng hoá dành cho xuất khẩu khoảng 11,54 triệu tấn cộng với tồn kho năm trước chuyển sang cho phép xuất khẩu gạo năm nay ở mức khoảng 6 triệu tấn.

Đường có xu hướng giảm

Giá đường thế giới tháng 3/2010 giảm mạnh so với 2 tháng đầu năm 2010 và cuối năm 2009. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức đường quốc tế ISO thị trường đường thế giới có thể thiếu hụt khoảng 7,2 triệu tấn, dự báo giá đường thế giới có thể sẽ giảm nhẹ hoặc ổn định trong tháng tới.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dự kiến mía ép cả vụ 2009/2010 đạt 9,8 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 940.000 tấn cộng với lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 321.000 tấn và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Mặc dù đã vào cuối vụ sản xuất nhưng do lượng đường tồn kho nhiều và giá đường thế giới đang trong xu thế giảm khuyển khích hoạt động nhập khẩu đường nên dự báo giá đường trong nước sẽ có xu hướng giảm.

Thực phẩm tươi sống ổn định giá

Quý I/2010, do tháng 1 thời tiết miền Bắc liên tục rét đậm nên ảnh hưởng đến nguồn cung, đồng thời Tết Nguyên đán vào khoảng giữa tháng 2, cộng với các Lễ hội sau Tết đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thực phẩm khiến giá thực phẩm tuơi sống tháng 1 và tháng 2 có biến động tăng; cá biệt một số ngày giáp Tết giá tăng cao hơn.

Dự báo tháng 4, giá các mặt hàng thịt sẽ ổn định, giá các loại rau củ quả sẽ giảm nhẹ do bắt đầu vào hè, thời tiết thuận lợi cho trồng trọt, lượng cung thường tăng lên.

Phân bón ure đáp ứng đủ nhu cầu

Giá urê thị trường trong nước ổn định trong tháng 1 và từ cuối tháng 2 bắt đầu theo xu hướng tăng do nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân cao cùng với tỷ giá và giá một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng.

Đầu tháng 3 giá urê trong nước vẫn theo xu hướng tăng so với tháng 2 do tác động tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, tỷ giá. Tuy nhiên thời điểm cuối tháng 3 giá urê trong nước đang tương đối ổn định.

Dự kiến khối lượng sản xuất và tồn kho phân Urê trong nước dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu cho vụ Hè Thu (bắt đầu vào tháng 4 tới đến cuối tháng 6/2010).

Về giá cả, tháng 4, giá phân bón trên thế giới khả năng sẽ phục hồi trở lại nếu các nhà nhập khẩu, đặc biệt là Ấn Độ tham gia thị trường.

Tháng tới, các tỉnh ĐBSCL bắt đầu bước vào sản xuất vụ Hè Thu nhưng nguồn cung urê đáp ứng đủ nhu cầu nên khả năng giá phân bón sẽ chỉ tăng nhẹ.

Thức ăn chăn nuôi: Trong nước tăng, thế giới giảm

Giá thức ăn hỗn hợp một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước trong tháng 3/2010 phổ biến ở mức 7.600 - 8.320đồng/kg (đối với thức ăn cho lợn) và ở mức 6.980 - 8.100đồng/kg (đối với thức ăn cho gà). So với tháng 2, giá thức ăn chăn nuôi tháng 3 ổn định.

Quý I/2010, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có xu hướng tăng do thuế VAT trở lại mức 10%, biến động tăng tỷ giá và chi phí đầu vào. So với thời điểm cuối năm 2009, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 - 10%, trong đó giá thức ăn cho lợn tăng 7,8 - 8,3%, giá thức ăn cho gà tăng 9,6-10,2%.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì sản lượng đậu tương thế giới ước đạt 255,9 triệu tấn, tăng 0,9 triệu tấn. Trong đó, sản lượng của Braxin - nhà sản xuất đậu tương thứ 2 thế giới - dự báo đạt mức kỷ lục 67 triệu tấn. Dự kiến giá ngô và đậu tương tháng 4/2010 có xu hướng giảm.

Dự báo giá thức ăn chăn nuôi trong nước có thể tăng trong tháng tới do tác động của yếu tố đầu vào tăng.

Sữa - Đứng giá ở mức cao

Từ cuối năm 2009, do chịu áp lực từ các yếu tố chi phí đầu vào có biến động tăng như tỷ giá ngoại tệ, lãi suất vay vốn, tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp theo Nghị định 97/2009/NĐ-CP và 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ nên một số doanh nghiệp kinh doanh sữa tăng giá bán.

Kiểm tra các đại lý thực hiện tăng giá bán sữa bắt đầu từ 1/1/2010, các cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa đều chấp hành việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết và nguồn cung sữa ở các địa phương đều đầy đủ, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá lên. Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra trực tiếp các nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu vì họ qui định giá bán cho các đại lý (các nhà phân phối, sản xuất, phân phối đều đóng trên địa bàn thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...).

Giá sữa trong thời gian tới dự báo vẫn đứng ở mức cao.

Xi măng tăng giá nhẹ

Trong quý I/2010, tổng sản lượng sản xuất xi măng của toàn ngành ước khoảng 10 triệu tấn (chiếm khoảng 20% kế hoạch năm), trong đó của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam 3,4 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ khoảng 10,8 triệu tấn (chiếm khoảng 22,5% nhu cầu cả năm), trong đó của Tổng Công ty CNXMVN khoảng 3,8 triệu tấn.

Tháng 3, tại các nhà máy, giá xi măng ổn định so với cuối tháng 2.

Trên thị trường, giá xi măng PCB 30 và PCB 40 tại các tỉnh phía Bắc khoảng 880.000-1.000.000 đ/tấn (ổn định so với tháng 2); tại các tỉnh phía Nam giá ở mức 1.240.000-1.340.000 đ/tấn (tăng bình quân 120.000 đ/tấn so với tháng 2, tăng khoảng 10%).

Chỉ riêng trong quí I/2010, giá xi măng tại các nhà máy đã 2 lần tăng: Lần thứ nhất: tháng 1, tăng 5% do tính thuế VAT vào giá bán xi măng sau khi "Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp", hết thời hạn áp dụng. Lần 2 vào tháng 2, tăng bình quân khoảng 4% (tương đương tăng 30.000-50.000 đ/tấn) do chi phí đầu vào tăng nhu giá than, giá xăng dầu...

Đến thời điểm cuối quý I, giá xi măng bán tại các nhà máy ở mức ổn định so cuối tháng 2.

Dự báo giá xi măng tháng 4 và Quý II có thể tăng nhẹ do một số chi phí đầu vào như giá điện, giá xăng dầu...tăng và nhu cầu tiếp tục tăng cao trong mùa xây dựng.

Thép xây dựng tăng giá theo ‘‘đầu vào”

Thép đã tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Giá chào phôi thép nhập khẩu trên thị trường thế giới tháng 3/2010 tiếp tục tăng khoảng 20-30 USD/T so với tháng 2/2010 do kinh tế thế giới đang hồi phục và tăng trưởng. Cụ thể: thị trường Đông Nam Á hiện phổ biến ở mức 540-560 USD/tấn tăng 30-40 USD/tấn so với tháng 1/2010; Thị trường Trung Đông và Viễn Đông ở mức 530-550 USD/tấn FOB biển Đen.

Quý I/2010, giá phôi thép trên thị trường thế giới có xu hướng tăng: giá chào phôi thép nhập khẩu thị trường Đông Nam Á từ mức 470-480 USD/tấn (tháng 1/2010) đến nay (cuối tháng 3/2010) đã tăng lên 540 - 560 USD/tấn.

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam, do có sự ảnh hưởng của giá xăng, giá phôi thép tăng và biến động của tỷ giá nên giá bán thép trong tháng 3/2010 của các đơn vị trong Tổng công ty Thép đều tăng (miền Bắc tăng 900.000 đồng/tấn, miền Nam tăng 300.000-700.000 đồng/tấn), tuy nhiên lượng tiêu thụ tăng chậm.

Nhìn chung quý I/2010, giá thép xây dựng có xu hướng tăng và tăng mạnh nhất vào thời điểm tháng 3/2010 (cao nhất tới 900.000đ/tấn).

Dự báo giá phôi thép thị trường thế giới tháng 4/2010 có xu hướng tiếp tục tăng theo đà hồi phục của kinh tế thế giới. Giá thép trong nước dù còn lượng tồn kho (cả phôi thép và thép thành phẩm) song dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4/2010 do ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào tăng và sẽ ổn định trong tháng 5 và tháng 6/2010.

Khí hoá lỏng có thể giảm giá

Tháng 3/2010, do thời tiết đã ấm lên, nhu cầu sử dụng LPG cho dân dụng giảm so với dịp Tết Nguyên đán Canh Dần song nhu cầu LPG cho sản xuất công nghiệp lại tăng, tổng nhu cầu sử dụng LPG trong nước ước tính bằng sản lượng của tháng 2/2010. Cụ thể tổng nhu cầu khoảng 84.000 tấn, trong đó được đáp ứng từ nguồn sản xuất trong nước là 38.000 tấn (45,23%) (tính cả phần tự nhập khẩu của nhà máy Dinh Cố) và nguồn nhập khẩu ước khoảng 46.000 tấn (chiếm 54,76%).

Quý I/2010, tổng nhu cầu khoảng 250.000 tấn; trong đó được đáp ứng từ nguồn sản xuất trong nước là 110.000 tấn (cả phần tự nhập khẩu của nhà máy Dinh Cố) (44%) và nguồn nhập khẩu là 140.000 tấn (56%).

Về diễn biến giá cả, được xác định trên cơ sở giá LPG nhập khẩu giảm, song do tỷ giá USD/VNĐ, điện, xăng,... tăng, nên giá LPG thị trường trong nước tháng 3/2010 tăng 9.300 đ/bình 12kg; 10.000 đ/bình 13kg (=3,16-3,19% so với tháng 02/2010).

Tính chung quý I/2010, mặc dù giá LPG liên tục giảm nhẹ từ 2,5-12,5 USD/T, nhưng do một số yếu tố tác động như nêu trên nên giá bán lẻ LPG có xu hướng tăng trong tháng 2 và tháng 3.

Dự báo tháng 4/2010, giá LPG thế giới có thể giảm tới 20 USD/Tấn (=2,77% với tháng 3/2010); xu hướng giảm giá LPG trên thị trường thế giới có thể diễn ra cho đến hết quý II/2010 vì thời tiết dần chuyển sang mùa hè, nhu cầu tiêu thụ LPG giảm. Giá LPG trong nước cũng có thể giảm ở mức tương ứng (khoảng 5.500đ/bình 12kg; =1,86% so với tháng 3/2010).

Xăng dầu có thể giảm nhẹ

Quý I/2010, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường: tăng trong tháng 1, giảm nhẹ trong tháng 2 và lại tăng trở lại trong tháng 3.

Tại thị trường trong nước, quý I/2010, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giá xăng dầu 4 lần trong đó: xăng: 2 lần tăng; dầu hoả: 1lần tăng, 1 lần giảm; dầu diezen: 1 lần tăng, 1 lần giảm; dầu madut: 2 lần tăng, 1 lần giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu thế giới quý II/2010 có thể sẽ giảm nhẹ so với hiện tại và giao dịch ở mức 78 USD/thùng (giảm 1 USD/thùng so quí I).

Thuốc phòng và chữa bệnh cho người: Tương đối ổn định giá

Tháng 3/2010, giá thuốc nhập khẩu tương đối ổn định, thuốc có giá thay đổi chiếm khoảng 3% tổng số thuốc được nhập. Một số thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ có giá biến động mạnh, trong đó nhiều thuốc có giá giảm mạnh so với thời điểm nhập trước như Barole 20mgh/10v giá 10,53USD/hộp giảm 8%, Cefalexin 500mg h/10 vỉ giá 3,4USD/hộp giảm 8%, Inoert 100 giảm 60%...

Giá nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc để sản xuất thuốc không ổn định, xu hướng biến động tăng giảm liên tục. Trong 2 tuần đầu giá nguyên liệu nhập khẩu có xu hướng giảm thì tuần thứ 3 tỷ trọng các mặt hàng tăng giá chiếm tới 64% lượng mặt hàng nhập khẩu.

Giá thuốc sản xuất trong nước có biến động với biên độ tăng giảm phổ biến khoảng dưới 5%, số mặt hàng thuốc tăng giá nhiều hơn giảm giá.

Nhìn chung, trong quý I/2009, thị trường thuốc có sự điều chỉnh tăng/ giảm về giá ở biên độ hẹp, tuy nhiên, xu hướng tăng giá thuốc vẫn diễn ra.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh Dược trong quý I/2010: khảo sát 16.485 mặt hàng mặt hàng thuốc nội tại thị trường Hà Nội, có 199 mặt hàng tăng giá (chiếm 1,2%) với tỷ lệ tăng từ 5,2-5,4%, số mặt hàng giảm giá là 69 mặt hàng (chiếm 0,41%) với tỷ lệ giảm từ 3-3,4%; về mặt hàng thuốc ngoại: qua khảo sát 19.577 mặt hàng, có 68 mặt hàng tăng giá (chiếm 0,34%) với mức tăng từ 5,1-5,3%, số mặt hàng giảm giá là 28 mặt hàng (chiếm tỷ kệ 0,14%) với mức giảm từ 3,4-5%.

Giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc khá ổn định với mức biến động tăng/giảm khoảng 1-4%.

Dự báo giá thuốc trong tháng 4 tương đối ổn định. Một số mặt hàng có biến động tăng/giảm giá với biên độ khoảng 5%. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự báo giá 11 mặt hàng thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO