Đổi mới mạnh mẽ hơn các hoạt động của Quốc hội

DNSG (theo TTXVN)| 29/03/2011 04:34

Sáng 28/3, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Khóa XII (2007-2011).

Đổi mới mạnh mẽ hơn các hoạt động của Quốc hội

Sáng 28/3, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Khóa XII (2007-2011).

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Chất lượng và hạn chế trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác tổ chức, nhân sự, các công trình quan trọng quốc gia... là nội dung được nhiều đại biểu đề cập. Nhiều đại biểu đã bày tỏ tâm tư về việc Quốc hội (QH) đang hoạt động trong tình thế bị động, nhất là trong phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách.

Các đại biểu cũng đã phân tích những đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của QH; tổ chức, xây dựng, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc của QH, các cơ quan của QH và Đoàn đại biểu QH; sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; mối quan hệ giữa QH với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan khác.

Tăng cường chất lượng đại biểu QH có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Muốn vậy, cần có cơ chế, điều kiện để nhân dân lựa chọn được những người tiêu biểu bầu vào vào Quốc hội; quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của QH; tăng cường quan hệ phối hợp công tác...

Đại biểu Ngô Minh Hồng và đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), Phạm Thị Loan (Hà Nội) kiến nghị cần nêu vai trò chủ động của QH trong một số vấn đề như quyết định và giám sát chi tiêu ngân sách; xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị, QH cần công khai danh sách đại biểu bấm nút thông qua các vấn đề đưa ra tại nghị trường để người dân có thể giám sát hoạt động của đại biểu.

Theo nhiều đại biểu, QH đang rơi vào tình thế Chính phủ đưa luật nào làm luật nấy, không quyết liệt yêu cầu cái gì quan trọng phải trình trước. Ngay dự án, công trình quan trọng của quốc gia đáng lý phải được xem xét cẩn trọng, thì đại biểu cũng chỉ biết đưa gì bàn nấy. Nếu vẫn tiếp tục bị động, QH sẽ rất khó có được sự tín nhiệm của dân.

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Hoàng Thám (TP.HCM) đề xuất, Ban chấp hành Trung ương nên dành thời gian tổng kết, xem xét việc tăng cường hoạt động của Đảng với Quốc hội và các cơ quan dân cử một cách phù hợp và căn cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới mạnh mẽ hơn các hoạt động của Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO