Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 262 (ra ngày 25/9)

P.V tổng hợp| 24/09/2013 08:08

Trong tương lai, nếu tiếp tục độc quyền, NHNN có thể phải bán buôn vàng bằng ngoại tệ mới có nguồn ngoại tệ để cân đối ngoại hối, nếu không sẽ gây mất cân đối và điều này rất nguy hiểm.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 262 (ra ngày 25/9)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 262 (phát hành ngày 25/9) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
TS. NGUYỄN MINH PHONG

Nghịch lý vàng - tiền

Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng có hai mục tiêu. Mục tiêu trước mắt là bình ổn, tránh những cơn sốt nóng, cơn hạ nhiệt, đảm bảo giá thị trường phù hợp với giá thế giới. Đây là mục tiêu đúng và rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện Nghị định 24 thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là bình ổn theo nghĩa đảm bảo nguồn cung, còn yêu cầu phù hợp với giá vàng thế giới, bao gồm cả động thái lên, xuống cũng như mức sát giá thì bản thân NHNN cũng thừa nhận là chưa được.

Việc thực hiện các giải pháp của Nghị định 24 mang lại hai cái lợi nhất định. Thứ nhất, giúp việc kinh doanh vàng giảm xuống và những cơn sốt nóng, cơn hạ nhiệt cũng ít hơn. Thứ hai, nó tạo ra nguồn thu ngân sách bổ sung trong bối cảnh xuất hiện những tình huống ngoài dự kiến liên quan đến dự trữ ngoại tệ. NHNN có thể biện bác về một nguồn nhập nào đấy, nhưng nếu tiếp tục dùng ngoại tệ mua vàng về để bán, nguồn ngoại tệ dự trữ chẳng mấy chốc sẽ hết. Trong tương lai, nếu tiếp tục độc quyền, NHNN có thể phải bán buôn vàng bằng ngoại tệ mới có nguồn ngoại tệ để cân đối ngoại hối, nếu không sẽ gây mất cân đối và điều này rất nguy hiểm.

Chuyên đề

M&A ngược dòng

Gần đây, thị trường tài chính xôn xao chuyện HD Bank mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Nam Société Générale (SGVF), thuộc nhánh Société Générale Consumer Finance của Tập đoàn Tài chính Société Générale - Pháp. SGVF được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007, đến nay đã có 1.100 nhân viên và mạng lưới hoạt động ở hơn 40 tỉnh - thành. SGVF phát triển chủ yếu mảng dịch vụ tài chính cá nhân (với hơn 125.000 khách hàng) thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ ở các cửa hàng xe máy cũng như điện máy trên cả nước. Thương vụ thâu tóm này dĩ nhiên sẽ giúp HD Bank mở rộng mạng lưới hoạt động và đối tượng phục vụ là nhóm khách hàng cá nhân.

Liên quan đến những hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), ông Volker Becker - Giám đốc dự án khối Ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán Bản Việt chia sẻ, một công ty thông thường có hai lựa chọn để phát triển, đó là tự phát triển và mua bán công ty. Một khảo sát của tờ Financial Times thực hiện trên 160 lãnh đạo công ty cho thấy, 83% muốn tăng trưởng nội tại và 55% tin rằng tăng trưởng thông qua thâu tóm là một trong ba lựa chọn chiến lược quan trọng nhất của họ.

Chuyện làm ăn

Quyền uy của siêu thị

“Để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp (DN) đều phải trải qua các khâu thủ tục, giấy tờ vô cùng khắt khe, rườm rà!”, giám đốc một DN hàng tiêu dùng nhanh cho biết. Thủ tục “liên hệ” đầu tiên là DN phải gửi mail, giới thiệu công ty, sản phẩm. Khi mail gửi đi, phải kiên nhẫn chờ phản hồi. Khi được đồng ý chào hàng, phía siêu thị yêu cầu phải có tem của nhãn hàng đính kèm theo sản phẩm, sau đó phải photo và công chứng các loại giấy phép kinh doanh, mã số thuế, giấy đăng ký nhãn hàng hóa. Khi đã đủ hồ sơ, giấy tờ, phải chờ thêm vài tuần để siêu thị đặt hàng...

Đưa được hàng vào đã trần ai nhưng trụ lại trong siêu thị còn khó hơn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty 7B, cho biết: “Sau khâu thủ tục, DN phải cam kết đầu tư quảng bá cho sản phẩm thì siêu thị mới cho hàng vào. Tuy nhiên, ngay cả khi được cấp mã hàng nhưng sản phẩm của mình vẫn chưa chắc đã nằm trên kệ siêu thị mà rải rác đâu đó trong “vòng thử thách” từ 1 - 3 tháng, nếu có doanh số mới được xếp lên quầy kệ như các nhãn hàng khác. Song, những vị trí tốt thì đa số đã được các công ty liên doanh, nước ngoài chiếm hết, thậm chí có tiền cũng không thuê được. Bởi DN nước ngoài có kinh phí quảng cáo nhiều hơn, hàng bán chạy hơn, ổn định hơn”.

Hiện diện của một mặt hàng tại siêu thị thường rất ngắn ngủi, tối thiểu khoảng ba tháng đã bị... thanh lọc. Lý do đơn giản là có quá nhiều DN đang xếp hàng vào siêu thị mà diện tích lại có hạn. Vì vậy, để xếp chỗ cho DN mới, siêu thị sẽ phải liên tục thanh lọc, đẩy đi các DN có doanh số bán thấp hoặc ít tổ chức chương trình khuyến mãi, hỗ trợ siêu thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 262 (ra ngày 25/9)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO