Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 259 (ra ngày 4/9)

P.V tổng hợp| 02/09/2013 01:25

Dù chiếm đến 88% thị phần nhưng hai đối thủ lớn nhất trong thị trường bột giặt là Unilever và P&G vẫn liên tục “tung chiêu”...

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 259 (ra ngày 4/9)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 259 (phát hành ngày 4/9) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:


Ông ĐẶNG XUÂN MINH - Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTCValue

Định giá: Quyền lực trong tay ngân hàng

Tại Việt Nam, việc định giá mới phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây, đóng vai trò nhất định trong các hoạt động kinh tế. Trong 10 năm qua, định giá tài sản hữu hình (bất động sản, máy móc, thiết bị) diễn ra tương đối phổ biến, đáp ứng phần nào các yêu cầu của thị trường. Duy chỉ có các tài sản vô hình là còn chưa được thực hiện nhiều do các yếu tố về tiêu chuẩn định giá hoặc do sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Định giá đúng giá trị tài sản, giúp doanh nghiệp có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra không ít trường hợp định giá sai lệch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến định giá sai lệch, cả chủ quan và khách quan. Mặt khác, Việt Nam còn tồn tại sự không thống nhất về giá bất động sản, giá đất nhà nước quy định và giá giao dịch thực tế của thị trường.

Chuyên đề:

Bọt ngầu ở thị trường 15 ngàn tỷ

Dù chiếm đến 88% thị phần nhưng hai đối thủ lớn nhất trong thị trường bột giặt là Unilever và P&G vẫn liên tục “tung chiêu”...

Năm 2012, dù kinh tế khủng hoảng, sức mua của nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm nhưng thị trường bột giặt vẫn đạt mức tăng trưởng 10% với doanh thu khoảng 13.000 tỷ đồng. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, ba nhãn hiệu nằm trong “nhận biết” của người tiêu dùng là Omo, Tide và Viso. Với sức mạnh tài chính từ tập đoàn cung ứng hàng gia dụng, tiêu dùng lớn của thế giới cộng với các chương trình marketing chuyên nghiệp đã giúp Unilever và P&G chiếm lĩnh thị trường.

Với thị phần lớn nhất nên “cuộc chiến” trên thị trường bột giặt là sự đối đầu giữa Unilever và P&G. Từ nhiều năm nay, Omo của Unilever và Tide của P&G bằng nhiều cách khác nhau (tung sản phẩm mới, tiếp thị, truyền thông, quảng cáo...) để gia tăng thị phần.

Trước sức ép của Unilever và P&G, DN sản xuất bột giặt đã “chiến đấu” với nỗ lực cuối cùng bằng quảng cáo, bán hàng, giá thành... Song, các thương hiệu lớn nhất trong thị trường nội địa hiện nay như ICC, Mỹ Hảo, Vico vẫn loanh quanh gia công cho đối thủ hoặc bị đánh dạt về thị trường nông thôn.

Trong lúc các DN bột giặt trong nước đang đi theo chiến lược “ba chân” thì gần đây, thị trường bột giặt bỗng sôi động khi Aba, một thương hiệu bột giặt 100% nội địa lại dám chọn hướng đi đối đầu trực diện với sản phẩm của các “ông lớn” và ngay lập tức đã tạo thế chân vạc trên thị trường bột giặt gồm: Unilever (bột giặt Omo), P&G (Ariel) và Đại Việt Hương (Aba). Mặc dù được các DN cùng ngành đánh giá cao về sự táo bạo này nhưng vẫn có những nghi ngại Aba cũng sẽ rơi vào tình trạng... hụt hơi như các DN bột giặt khác.

Chuyện làm ăn:

Việt Nam trên đường trở thành “công xưởng xe máy”

Cuối tháng 8, trên trang web của hãng Honda Nhật Bản đã công bố bản tin cho biết, mẫu xe SH Mode của Honda Việt Nam (HVN) sẽ chính thức bán tại Nhật kể từ ngày 13/9, với khoảng 3.000 xe được bán ở đây mỗi năm. Như vậy, đây là mẫu xe thứ hai của HVN được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm nay.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, khi ra mắt xe Lead 125, HVN cũng công bố sẽ xuất khẩu dòng xe này sang thị trường Nhật Bản. Số lượng dự kiến cho dòng xe này tại Nhật Bản là 12.000 xe mỗi năm. Với việc xuất khẩu sang Nhật, HVN trở thành quốc gia thứ tư cung cấp sản phẩm Honda toàn cầu, sau Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Hai năm qua, cùng với nền kinh tế đi xuống, sức tiêu thụ xe máy cũng liên tục đảo chiều. Hầu hết các hãng xe máy đều cho rằng, tình hình kinh doanh xe máy trong năm 2012 là “vô cùng khó khăn”.

Khó khăn là thế, nhưng các hãng xe máy vẫn không ngừng triển khai các dự án mở rộng sản xuất. Trong đó, nhà máy thứ ba của HVN với kinh phí 120 triệu USD tại Hà Nam đang trong quá trình hoàn tất. Vào cuối năm nay, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động và như vậy, tổng công suất sản xuất của HVN cũng sẽ được nâng lên 2,5 triệu xe/năm.

Theo các chuyên gia, với công suất quá dư thừa cho thị trường thì việc tăng cường cho xuất khẩu là điều tất yếu. Và với số lượng lớn như vậy thì trong 5 - 10 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng xe máy” của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 259 (ra ngày 4/9)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO