Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 257 (ra ngày 21/8)

P.V tổng hợp| 19/08/2013 01:53

Việt Nam đang ở mức dưới trung bình về quản trị công ty và ngân hàng.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 257 (ra ngày 21/8)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 257 (phát hành ngày 21/8) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
TS. CẤN VĂN LỰC

Thiếu 6 chữ vàng

Việt Nam đang ở mức dưới trung bình về quản trị công ty (QTCT) và ngân hàng. Trong kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp (DN) niêm yết lớn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2011, điểm QTCT của các doanh nghiệp (DN) đạt 42,5%, mức dưới trung bình trên thang điểm 100%. Tài chính, ngân hàng được xem tốt hơn các lĩnh vực khác về quản trị, nhưng chỉ số khảo sát cũng chỉ đạt 43%.

Các nước đã tiến khá xa trong lĩnh vực QTCT, với hai mô hình cơ bản. Thứ nhất, mô hình một cấp của Mỹ, không có ban kiểm soát, thay vào đó, các ủy viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, không điều hành đóng vai trò giám sát. Thứ hai, mô hình hai cấp, chủ yếu ở châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam, ban kiểm soát giám sát hoạt động của HĐQT, ban điều hành và bộ máy bên dưới, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách, quy trình. Nếu so sánh, không mô hình nào hiệu quả hơn mô hình nào, bởi khủng hoảng vẫn xảy ra tại Mỹ với mô hình một cấp và tại Nhật Bản với mô hình hai cấp, cho nên, vấn đề không nằm ở mô hình mà quan trọng là chất lượng QTCT.

Việt Nam có cả hai mô hình trên song vấn đề của Việt Nam khác với các nước.

Chuyên đề:

Mùa săn nhân sự cao cấp

Một trong những sự kiện chuyển đổi vị trí quản lý cấp cao đáng được quan tâm gần đây nhất là việc ông Phan Minh Tiên, nguyên Giám đốc Marketing Unilever Việt Nam về làm Giám đốc Marketing Samsung Vina. Điều gây chú ý là ông Tiên quyết định ra đi khi đã có 17 năm kinh nghiệm làm marketing tại Unilever Việt Nam, và đang quản lý, phát triển các thương hiệu rất thành công là bột giặt OMO, trà Lipton, hạt nêm Knorr và kem Wall’s, để nhảy sang phụ trách ngành hàng thiết bị điện tử và di động hoàn toàn lạ lẫm.

Cũng không kém lý thú là chuyện ông David Teng, Tổng giám đốc Công ty Bia Việt Nam đã chính thức chuyển sang làm Tổng giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam.

Theo ghi nhận của Mạng cộng đồng các nhà quản lý (Anphabe) từ 11 công ty “săn đầu người” chuyên tuyển dụng nhân lực cấp cao cho hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam là Manpower, Harvey Nash, L&A, Infinity HR, RGF, Faro, Robert Walters, VTalent, Grey Finder, Career Planning, Talent Viet, tổng nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao cấp vẫn tăng trưởng trong năm 2013. Trong 11 công ty trên, có 6 công ty dự báo thị trường tuyển dụng cao cấp tăng trưởng từ 10 - 20% trong vòng 6 -12 tháng tới..

Sáu ngành nghề có nhu cầu thu hút nhân sự cấp cao trong thời gian tới là hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, giáo dục, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và du lịch, dịch vụ. Trong khi đó, một số ngành hiện dư lao động cục bộ sẽ giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp năm nay là ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, xây dựng và công nghệ thông tin.

Ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, logistics... đang cần tuyển hàng ngàn nhân sự vì tốc độ tăng trưởng tốt. Nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này cũng gặp khó vì nhu cầu quá cao.

Chuyện làm ăn:

Mì mạnh vì gạo

Những năm gần đây, hàng loạt loại thực phẩm ăn liền từ bột gạo đã được các nhà sản xuất Vina Acecook, Vinaly, Bích Chi, Asia Food, Bình Tây, Colusa- Miliket, Masan, Vifon... tung ra thị trường với gần 70 loại khác nhau, bao gồm hủ tíu, phở, bún, bánh đa, cháo... Xét về hiệu quả kinh doanh, nhiều DN cho biết, vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của mì gói giảm, chỉ còn 5%, nhưng xu hướng dùng thực phẩm ăn liền từ gạo lại đang tăng và thị trường này hiện tại ít cạnh tranh hơn mì. Vì vậy, các sản phẩm từ gạo đã đóng góp vào doanh thu không nhỏ cho các công ty, thậm chí doanh thu từ mảng này còn tăng trưởng hơn cả mì gói.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Marketing Công ty Vina Acecook, cho biết, sở dĩ sản phẩm từ gạo tăng vì hiện nay việc giao lưu giữa các vùng miền rất mạnh, nên khẩu vị ẩm thực của người tiêu dùng cũng đa dạng, ăn được nhiều món hơn như: bánh canh, phở, hủ tiếu, bún. Bên cạnh đó là nhu cầu đổi mới khẩu vị cũng kích thích sự chọn lựa, cộng vào đó là sản phẩm từ gạo không qua chiên hiện được người tiêu dùng quan tâm chọn lựa nhiều hơn. Song, ưu điểm lớn nhất của dòng sản phẩm này đối với DN là chủ động nguồn nguyên liệu gạo trong nước luôn sẵn có.

Ép duyên có nên chuyện?

Hai năm sau cơn bùng phát ứng dụng nhắn tin miễn phí OTT, những con số chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng như Viber, Line, Zalo, Kakao Talk... khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Theo ông Talmon Marco, CEO Viber, hiện Viber đang có khoảng 4 triệu người dùng ở Việt Nam với mức độ tăng trưởng trung bình khoảng 500.000 người dùng/tháng. Đại diện Viber khẳng định, hiện số lượng người dùng Viber tăng tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng về smartphone ở Việt Nam. Do vậy, đến cuối năm 2013, đơn vị này kỳ vọng số lượng người dùng sẽ có từ 7- 8 con số, nghĩa là chạm đến mức hàng chục triệu người.

Không chỉ có ứng dụng đến từ nước ngoài, ở thị trường nội địa, sau khi cán mốc 4 triệu người dùng vào tháng 8/2013, Zalo đang ráo riết quảng bá, chào mời... để hướng đến mốc 10 triệu người dùng trong năm nay. Những con số trên được đưa ra “đính kèm” với nỗi lo lắng từ nhà mạng. Đại diện của những hãng viễn thông lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone... đều đã đưa ra quan ngại về thiệt hại ngàn tỷ đồng.

Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG, đơn vị đang cung cấp ứng dụng OTT mang tên Zalo cho rằng: “Nhà mạng và các công ty cung cấp ứng dụng OTT nên hợp tác với nhau để mang lại lợi ích cho người dùng và cùng chia sẻ doanh thu trên các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây là việc làm phù hợp với xu thế và cùng có lợi”.

Cả nhà mạng lẫn đơn vị cung cấp đều sẵn lòng ngồi lại. Tuy nhiên, cách thức hợp tác thế nào vẫn là ẩn số bởi ngay cả thị trường thế giới vẫn chưa có nhiều cái bắt tay hợp tác trong trường hợp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 257 (ra ngày 21/8)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO