Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 254 (ra ngày 31/7)

P.V tổng hợp| 29/07/2013 00:38

Bức tranh kinh tế u ám, nhưng các giải pháp đưa ra lại chưa đủ để đem lại niềm tin là tình hình có thể được cải thiện.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 254 (ra ngày 31/7)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 254 (phát hành ngày 31/7) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
(PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC - Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới)

Chuyện bên ngoài kinh tế

Nền kinh tế đang chứng kiến những khó khăn trầm trọng của doanh nghiệp (DN) với hàng tồn kho lớn, ngân hàng với nợ xấu cao... Bức tranh kinh tế u ám, nhưng các giải pháp đưa ra lại chưa đủ để đem lại niềm tin là tình hình có thể được cải thiện. Nguyên nhân của nền kinh tế hiện nay không nằm trong lĩnh vực kinh tế mà nằm bên ngoài kinh tế.

Kinh tế Việt Nam dẫn đến tình trạng như hiện nay là do những đánh giá về kinh tế có vấn đề. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng 7% nhưng tăng trưởng GDP tới hơn 5,03%. Điều này chưa có trong lịch sử kinh tế Việt Nam, bởi chúng ta thường phải đạt tăng trưởng tín dụng 20-30% mới tạo ra được mức tăng trưởng GDP 6 -7%.

Ở đây, có hai điểm quan trọng thuộc quan điểm phát triển mà chỉ có trung ương mới có thể quyết được.

Thứ nhất, dẹp bớt và thu hẹp lại. Trên thế giới, không có nền kinh tế thị trường thực sự nào mà lại có khu vực DNNN khổng lồ như Việt Nam, tới 34-35% GDP.

Thứ hai, buộc DNNN quản trị theo các chuẩn quốc tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất nền kinh tế, mới có thể thoát ra được bối cảnh hiện nay. Không thể tái cơ cấu kinh tế dựa trên nền tảng, quan điểm cũ.

Chuyên đề:

Những cuộc tháo chạy ngàn tỷ

Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen rồi Tân Hiệp Phát đều ghi tên mình vào danh sách các nhà đầu tư cảng biển. Một mặt các dự án này nhắm đến nhu cầu vận chuyển của chính các doanh nghiệp, mặt khác hướng dòng tiền đầu tư vào một lĩnh vực đầy tiềm năng với lợi nhuận khổng lồ. Nhưng...

Dù “nở rộ” nhưng rất nhiều cảng biển rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng vì cung vượt cầu. Bên cạnh đó, kinh doanh cảng biển có thời gian thu hồi vốn rất lâu, nhưng trong thời gian đó, cảng biển cũng phải liên tục được nâng cấp nên đòi hỏi phải có nguồn tài chính dồi dào. 

Các cảng, kể cả nội địa và quốc tế, đều không nghĩ rằng rủi ro suy thoái kinh tế có thể xảy ra và đã quá kỳ vọng vào những con số tốt đẹp đầy ấn tượng về tình hình tăng trưởng cao đã nhìn thấy vào năm 2007. Chưa kể, một số nhà đầu tư vào cảng biển cũng nhắm tới mục đích “lướt sóng” bán dự án.

Nhà đất:

Hơn thua ở cách bán

Dù bị đánh giá là phân khúc gặp nhiều khó khăn nhất trong thời điểm thị trường khó khăn, nhưng thực tế căn hộ dưới 40 triệu/m2 vẫn có giao dịch.

Một khách hàng từ Hà Nội vào TP.HCM tìm mua căn hộ cho con trai vừa ra trường, đã chia sẻ, hiện bà muốn mua một căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng nhưng phải gần khu vực trung tâm và dĩ nhiên kèm theo đó là chất lượng xây dựng tốt. Tuy nhiên, vấn đề của vị khách hàng này là những căn vừa túi tiền lại không ưng, trong khi căn quá cao thì lại thích. Vậy làm cách nào để có thể tiếp cận được căn hộ ưng ý?

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường DTZ, thị trường căn hộ vẫn còn nhiều khó khăn trong quý II/2013 khi các chủ đầu tư vẫn tiếp tục giảm giá bán hay trì hoãn tiến độ dự án.

Do cung nhiều hơn cầu nên để thu hút khách mua, các chủ đầu tư đã “mạnh tay” đưa ra các chương trình khuyến mãi khá linh hoạt. Lợi thế trong những “cuộc đua” giữa các chủ đầu tư tập trung vào một số yếu tố, như: vị trí dự án, hiện trạng dự án, tính kết nối với khu vực chung quanh, tiện ích, tên tuổi nhà phát triển, tiến độ thanh toán và cuối cùng là giá. Điều này hoàn toàn trái ngược với ưu tiên lựa chọn trước đây của người mua, giá luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Quản trị:

Đo lường social media

Đo lường và quản lý hiệu quả truyền thông xã hội (social media) là việc làm đầu tiên khi doanh nghiệp (DN) bước chân vào lĩnh vực này.

Số lượng người sử dụng internet lên tới gần một phần ba dân số và 79% người sử dụng truyền thông xã hội tại Việt Nam có link hoặc theo dõi một nhãn hiệu nào đó. Vì thế, social media hiện nay đã được nhiều DN ứng dụng trong các chiến dịch marketing. Tuy nhiên, do ít quan tâm đến các báo cáo về các số liệu đo lường nên DN không nhận ra tầm quan trọng cũng như lợi ích có được từ kênh truyền thông mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 254 (ra ngày 31/7)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO