Doanh nghiệp tư nhân trổ tài kinh doanh đa ngành

07/09/2012 08:40

Trong khi các tập đoàn nhà nước phải quay về hoạt động chủ chốt thì ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, danh mục đầu tư kinh doanh có khi dài tới cả trang giấy A4.

Doanh nghiệp tư nhân trổ tài kinh doanh đa ngành

Trong khi các tập đoàn nhà nước phải quay về hoạt động chủ chốt thì ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, danh mục đầu tư kinh doanh có khi dài tới cả trang giấy A4.

Trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho biết đang đầu tư vào 52 công ty con thuộc 6 ngành khác nhau. Trong đó, lĩnh vực trồng cao su có 17 công ty, bất động sản 15 công ty. Các mảng còn lại, mỗi lĩnh vực đều có vài công ty.

Theo lĩnh vực phân ngành tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM, HAG được xếp vào mảng bất động sản. Trên bản cáo bạch về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp này còn đăng ký thêm "các ngành nghề khác mà pháp luật không cấm".

Mới đây, lãnh đạo HAG đã kiến nghị với Chính phủ xem xét cho nhập khẩu mía đường từ Lào về. Tập đoàn đang đầu tư cụm công nghiệp mía đường 100 triệu USD tại Lào với công suất 7.000 tấn mỗi ngày.

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang đầu tư vào 4 ngành chính là bất động sản, trồng cao su, khai thác - chế biến gỗ và thủy điện. Dù vậy, đăng ký kinh doanh của đơn vị này dài 22 danh mục và thay đổi tới 10 lần trong vòng 3 năm, từ năm 2007 đến 2010.

Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI) có danh mục đăng ký ngành nghề kinh doanh dài tới cả trang giấy A4, bao gồm từ chế biến, xử lý rác thải, tới luyện kim, sản xuất máy lọc nước và cả... thủy điện. Mới đây, SHI còn dự kiến đầu tư cả vào siêu thị.

Dự án trồng cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào

Trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nơi doanh nghiệp này đang niêm yết, lĩnh vực phân ngành chính của SHI là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong văn bản công bố thông tin thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 4 hồi tháng 1/2011, SHI bổ sung thêm 4 nghề thu gom rác thải độc hại; thu gom rác thải không độc hại; xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại; xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại.

Những đơn vị trên đều không đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2012. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng của HAG khoảng 154 tỷ, giảm gần 330 tỷ so với cùng kỳ. 2 năm qua, từ 2010-2011, doanh thu bán căn hộ của HAG giảm 16%, xuống còn 2.833 tỷ đồng trong khi hầu hết các mảng khác như cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa.. đều tăng từ 20 đến trên 95% doanh thu.

Tại QCG, doanh thu lĩnh vực bất động sản (mảng chính) cũng giảm 2,3 lần trong năm 2010-2011 và chỉ đạt 277,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, QCG lại lãi cao từ hoạt động bán hàng khi thu về 122 tỷ đồng năm 2011, tăng 62,4% so với năm 2010.

Theo báo cáo tài chính năm 2010 và 2011 của SHI, doanh nghiệp này hầu hết thu lãi ở mọi lĩnh vực kinh doanh. Trong đó hoạt động bán hàng đạt 331,6 tỷ đồng năm 2011, tăng 9,1% so với năm 2010. Dù vậy, sang 6 tháng đầu năm 2012, SHI báo lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận của đơn vị này giảm tới 80%.

Hiện, 2 sàn HOSE và HNX có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết. Bản cáo bạch của hầu hết các đơn vị này hầu hết đều công bố nhiều hơn một lĩnh vực hoặc ngành nghề kinh doanh.

Nhận định về xu hướng đầu tư đa ngành nói trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng :"Điều này hết sức bình thường, các doanh nghiệp tư nhân tự biết phải làm gì với tiền của họ".

Ông Ánh nhận định, khó có thể so sánh việc đầu tư đa ngành của các doanh nghiệp tư nhân với các đơn vị nhà nước. Bởi, doanh nghiệp nhà nước nhận tiền để thực hiện nhiệm vụ được giao, còn doanh nghiệp tư nhân có thể linh hoạt trong việc sử dụng số tiền của chính mình, ông Ánh phân tích.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân ngoại, một số người cho rằng lấn sân đa lĩnh vực không hẳn là lựa chọn khôn ngoan.

Ông Bruce Wilcox, một nhà đầu tư quốc tịch Mỹ tại Việt Nam cho hay: “Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp mở rộng sang nhiều ngành khác nhau, việc phân tích tình hình hoạt động những công ty này sẽ vô cùng phức tạp”.

Cũng theo ông Bruce, các công ty lấn sân sang nhiều lĩnh vực khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá lợi thế, doanh thu từng ngành cụ thể. “Nếu tôi muốn tìm kiếm cơ hội ở các ngành khác nhau, tôi sẽ chọn những doanh nghiệp riêng biệt xuất sắc hẳn trong lĩnh vực đó để mua cổ phiếu”, ông Bruce nói thêm.

Chung quan điểm trên, anh Lâm, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ: “Bản thân tôi cũng không mua cổ phiếu công ty đa ngành. Người xưa có câu ‘nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’, doanh nghiệp cứ làm thật tốt một lĩnh vực trước đã”.

Anh Lâm cho rằng, việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn cũng có lợi thế phân tán rủi ro, hỗ trợ những mảng kinh doanh yếu kém hơn. Tuy nhiên, vì không phải là ngành chuyên môn chính nên những doanh nghiệp này rất có thể chi mở rộng về quy mô mà chất lượng chưa chắc đã tốt, anh Lâm nhận định.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, khi nói về cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ - Bộ Công Thương nhận định, doanh nghiệp Việt đang làm các đối tác ngoại quốc bối rối vì lĩnh vực kinh doanh của mình.

"Website các công ty đang cố gắng đưa ra tất cả những ngành nghề kinh doanh. Từ bất động sản, xuất khẩu hàng hóa đến du lịch... Nhưng các đối tác nước ngoài khi chọn một đơn vị kết hợp, họ chỉ chú ý những công ty chuyên về một lĩnh vực", Vụ trưởng Khiên nói.

TS Alan Phan cho rằng đầu tư đa ngành thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp của công ty.

Theo TS Alan Phan, cách đây 50-60 năm, kinh tế Mỹ từng có rất nhiều công ty đầu tư đa ngành như GMG, AT&T.. Tuy nhiên, sau đó các tập đoàn này đã phải nhận những cú đánh trên thị trường chứng khoán và gặp thất bại.

Thời gian sau này, hầu như không còn công ty Mỹ đầu tư ngoài ngành, thậm chí cả những doanh nghiệp niêm yết hoặc có rất nhiều tiền mặt cũng tránh hoạt động này nhằm bảo toàn giá cổ phiếu.

TS Alan Phan cho rằng: “Việc đầu tư đa ngành thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp của công ty, đồng thời đặt doanh nghiệp vào thế nguy hiểm khi lĩnh vực họ bỏ vốn không phải chuyên môn chính, trình độ đạo tạo và đội ngũ nhân sự cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu. Điều này sẽ gây lãng phí nguồn tiền lớn”.

Một điểm nữa TS Alan Phan lưu ý phần lớn các tập đoàn Mỹ sử dụng nguồn vốn nội lực để đầu tư nên nếu lỗ, họ vẫn sống được. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dùng vốn vay và quan hệ để mở rộng ngành. Các công ty chuyên biệt từng lĩnh vực sẽ dễ dàng xác định lợi thế cạnh tranh và vươn lên dẫn đầu hơn, TS Alan Phan khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tư nhân trổ tài kinh doanh đa ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO