Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị gì cho TPP?

11/03/2015 08:31

Doanh nghiệp trong nước đưa ra những góc nhìn khác nhau về cơ hội và thách thức khi Hiệp định TPP đàm phán thành công.

Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị gì cho TPP?

Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội ngày 9/3 đã phối hợp với Văn phòng Luật sư Sterling Harwood tổ chức Hội thảo “Cơ hội Đầu tư và Kinh doanh tại Mỹ trước thềm TPP” nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu chính sách, cơ hội đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh.

Đánh giá về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Đặng Đức Dũng – Chuyên gia tư vấn đầu tư, nguyên phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho rằng TPP sẽ hé mở cơ hội lớn cho Việt Nam vì đây là một thị trường khổng lồ, chiếm 40% GDP toàn cầu với khoảng 800 triệu dân và chiếm 30% thương mại toàn cầu.

Hiệp định này có tác động rất lớn là loại bỏ các rào cản thương mại thông thường trong một thời gian xác định tại tất cả các nước thành viên. Những nước chậm phát triển như Việt Nam sẽ có thời gian chờ đợi.

TPP sẽ xử lý những vấn đề chính sách mới. Những vấn đề đi theo Hiệp định này sẽ ra đời và sẽ tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia phát triển như Mỹ hay Canada với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Chile. Đây là điều mà vòng đàm phán Doha thất bại.

TPP đề cập đến những vấn đề sau đường biên giới như lao động, hàng hóa, lao động, minh bạch, khả năng dự đoán được.

Ông Dũng cho rằng đây không phải là hiệp định tự do thương mại thông thường mà là một là hiệp định mang tính bao trùm và rất đặc biệt. Nó sẽ tạo ra khuôn mẫu mới cho thế kỷ 21 là liên kết kinh tế.

Lợi ích và thách thức từ Hiệp định TPP

Theo ông Dũng, lợi ích của Hiệp định TPP là việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ giảm thuế. Nhiều sắc thuế sẽ về 0%.

Đặc biệt là các nước không phải cạnh tranh với Trung Quốc, nước rất giỏi trong việc lách các luật. Các nước TPP sẽ giúp nhau chuyển giao công nghệ đầu vào mà không có xuất xứ của Trung Quốc ở đó.

Thông qua kết nối các thành viên của TPP, hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều chuyển giao về công nghệ và vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển trong TPP để đáp ứng nguyên liệu cho việc sản xuất.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức đặt ra. Sau khi TPP ra đời, Việt Nam sẽ phải thỏa mãn các vấn đề khá nhạy cảm như: Sở hữu trí tuệ, lao động (sẽ không có vấn đề di chuyển lao động dễ dàng như trong ASEAN), các yếu tố khác như môi trường, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, quyền lao động, việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập, quyền tụ họp, quyền đình công. Điều đó đòi hỏi các nước tham gia sẽ phải có những đổi mới.

Theo đó, khả năng năm 2015 sẽ có khá nhiều thay đổi, đặc biệt là thay đổi về thể chế, vì đó là nền tảng để bước vào sân chơi lớn hơn. Vấn đề cải tổ doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được đặt ra, để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân.

Dù TPP là hiệp định được thương lượng một cách bí mật, nhưng ông Dũng cho rằng những thông điệp mà Chính phủ muốn nhấn mạnh với cộng đồng doanh nghiệp có 3 điểm chính.

Thứ nhất, TPP cho chúng ta cơ hội tiếp cận trực tiếp với những phản hồi của khách hàng. Hiện nay chúng ta có rất nhiều hàng hóa thâm nhập vào thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, may mặc, giày dép, nhưng chúng ta không có kết nối trực tiếp với các khách hàng mà phải thông qua các nhà bán lẻ, các nhà buôn trung gian, các nước mà chủ yếu nói tiếng Hoa.

Nhờ TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đưa hàng hóa của mình đến khách hàng, sẽ có các cửa hàng, và sự tiếp cận với thị trường sẽ cho chúng ta cọ xát với khách hàng, xem khách hàng cần gì, khách hàng phản hồi gì để chúng ta đáp ứng tốt hơn cho thị trường rộng lớn như Mỹ hay Canada.

Thứ hai là TPP giúp mở rộng sự lựa chọn đối tượng cung ứng cũng như nhập khẩu của chúng ta trên thị trường. Trước đây chúng ta phải qua các nhà buôn khác, quốc gia khác và thường bị ép giá, thì giờ đây có thể tiếp xúc với nhiều nhà buôn hơn. Các công ty Việt Nam ở bên kia có thể tiếp xúc với bất cứ ai, có thể bán cho vùng này một đại lý, vùng kia một đại lý, và không bị hạn chế, yêu cầu đòi hỏi quá đáng về độc quyền.

Yếu tố nữa Chính phủ muốn nhấn mạnh là biên lợi nhuận (margin). Khi chúng ta tiếp cận được với thị trường, bán được hàng trực tiếp, thì mức lãi sẽ cao nhờ tiết kiệm chi phí. Khi hàng hóa chúng ta đi qua nước khác chúng ta phải chịu thuế, khi vào TPP rất nhiều mặt hàng thuế sẽ giảm về 0%. Trong điều kiện giá cả vẫn như vậy thì lãi sẽ lớn hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho TPP?

Trao đổi với báo giới, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài lao động, còn cần chuẩn bị về nguyên liệu đầu vào.

TPP có quy định chặt chẽ về nguyên liệu đầu vào. Khi xuất khẩu phải chứng minh được trong khối của sản phẩm. Cái khó khăn của Việt Nam là tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu đang nhập từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu ra điều đó và đang tìm kiếm. Đó cũng là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp của Việt Nam có thể kết hợp làm ăn.

Nguyên vật liệu mua nội khối là một trong những cái quyết định Việt Nam có thành công được với TPP hay không. Ông Vương cho rằng nếu không lo được vấn đề nguyên liệu, thì TPP đến cũng không có giá trị gì.

Hiện nay các doanh nghiệp và Nhà nước cũng đang chú ý đến công nghiệp hỗ trợ chứ không phải "nói chơi" nữa.

"Chỉ có công nghiệp hỗ trợ mới mang lại những nguyên vật liệu để sản xuất ra những chi tiết do chính chúng ta làm ra, tạo thành những sản phẩm hoàn thiện xuất khẩu mang đầy đủ nội hàm để được hưởng ưu đãi trong khối TPP" - ông Vương nới

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Đồng Hành về việc doanh nghiệp cảm thấy sợ nhất điều gì khi vào TPP, ông Trần Anh Vương cho biết:

Việt Nam có thể nói là một trong những nền kinh tế yếu nhất trong khối. Khi một nước yếu nhất vào trong một sân chơi chung, bao giờ cũng chịu sức nặng của những nước lớn nhất đè. Cho nên rào cản ở đây thì không phải là đàm phán mang tính kỹ thuật giữa Việt Nam với Mỹ hay Nhật Bản, tức thỏa thuận song phương, mà rào cản doanh nghiệp sợ khi vào TPP là chúng ta nhỏ so với các doanh nghiệp nước bạn. Rào cản khi một doanh nghiệp nhỏ làm với một doanh nghiệp lớn hơn là “phải nhảy” và có những cái phải cố. Đấy là cơ hội, nhưng nhiều người nghĩ rằng không thể cố được.

Theo ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty Công nghệ mới Hải Minh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thích ứng và thay đổi nhanh hơn.

Ông Minh cho rằng điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là sự thích ứng kém và thay đổi kém. Chẳng hạn, một đơn vị sản xuất mà muốn đưa sản phẩm ra thị trường ngay tháng sau thì doanh nghiệp Việt Nam không cách gì làm được, nhưng người Mỹ ngay tháng sau có thể đưa sản phẩm ra được.

Ông cho rằng các nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, và để sử dụng họ, cần tạo hành lang cho họ phát triển và trao quyền để họ làm việc.

Đối với thị trường Mỹ, ông Minh đánh giá đây sẽ không phải thị trường khó tính nếu các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đủ.

Lời khuyên ông Minh là doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ pháp lý thật đầy đủ và phải có nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn thì hãy vào thị trường Mỹ, còn "vào để chơi" thì không nên vì sẽ mất nhiều hơn là được.

>Đàm phán TPP vẫn còn nhiều bất đồng
>TPP, TIPP ảnh hưởng đến sự phồn thịnh của Mỹ
>Sau TPP, Mỹ sẽ đầu tư toàn diện ở Việt Nam
>Logistics trước thềm TPP: Khó tứ bề

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị gì cho TPP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO