Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam

Nguồn: VTV| 03/05/2017 05:08

Thay vì tiếp tục rót vốn vào các dự án sản xuất, chế tạo như trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất, cụ thể trong ngành bán lẻ.

Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam

Thay vì tiếp tục rót vốn vào các dự án sản xuất, chế tạo như trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất, cụ thể trong ngành bán lẻ. 

Đây hiện là một trong những lĩnh vực phi sản xuất được các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, với sự xuất hiện của hàng loạt trung tâm thương mại đến từ Nhật Bản như: Aeon Mall, Takashimaya...

Chỉ riêng Aeon Mall, tính đến nay, doanh nghiệp này đã có 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và đang có kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại thứ 5 tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Yukio Konishi - Tổng giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam chia sẻ: "Theo tính toán, cứ khoảng một triệu dân, thì có thể mở một trung tâm thương mại. Vì vậy, tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi chúng tôi sẽ mở 10 trung tâm thương mại. Chúng tôi rất trông chờ vào sự phát triển này". 

Trước đó, nhiều chuỗi cửa hàng tiện ích của Nhật Bản như: Family Mart, Ministop,... đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo báo Nikkei (Nhật Bản), vào tháng 2/2018, 7-Eleven - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới, sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam.

>>Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

Tuy nhiên nhiều đại diện phía Nhật Bản cho biết, hiện các doanh nghiệp bán lẻ của nước này vẫn gặp một số khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam.

"Các doanh nghiệp bán lẻ của chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển tại Việt Nam để có thể đưa được những sản phẩm tươi, giữ nguyên chất lượng đến tay người tiêu dùng. Hi vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng các chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản", ông Katsuro Nagai - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, số dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 560 dự án. Trong đó, số dự án đầu tư ở lĩnh vực khách sạn, dịch vụ ăn uống tăng gấp đôi.

Ở chiều ngược lại, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực chế tạo Việt Nam hiệnđang sụt giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế Nhật Bản chững lại trong những năm gần đây khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo - đa phần là các doanh nghiệp lớn của nước này - dè dặt hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư. 

Do đó, để có thể thu hút đầu tư cùng lúc vào cả hai lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế tạo, Việt Nam cần sớm nhanh chóng cải thiện trình độ kỹ thuật và trình độ tay nghề của người lao động. 

>>Giám đốc chiến lược Misfit: Những lỗ hổng trong trình độ lao động Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO