Điều chỉnh tỷ giá: DN xuất khẩu hưởng lợi

DUY KHUÊ| 25/08/2015 01:32

Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm từ đầu năm, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN đã kịp thời giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn vào những tháng cuối năm.

Điều chỉnh tỷ giá: DN xuất khẩu hưởng lợi

Tỷ giá USD/VND gần đây biến động mạnh, tác động đáng kể đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK).

Đọc E-paper

Ngày 24/8, USD do ngân hàng bán ra là 22.547 đồng/ USD. Ngoài thị trường tự do ở TP.HCM, mỗi USD bán ra lên đến 22.830 đồng. So với cuối tuần qua, giá bán mỗi USD tại thị trường tự do đã tăng 280 đồng.

Như vậy chưa đầy một tuần kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá lên +/-3% và tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá lại kịch trần.

Liên quan đến việc điều chỉnh tỷ giá VND so với USD, tại Hội chợ Thủy sản quốc tế (diễn ra từ 24 - 26/8 tại TP.HCM), đại diện nhiều DN XK thủy sản cho biết, trong bối cảnh XK thủy sản của Việt Nam liên tục giảm từ đầu năm, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN là kịp thời giúp hàng hóa XK của Việt Nam cạnh tranh hơn vào những tháng cuối năm.

Bởi hiện tại, không chỉ đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á như Malaysia và mới đây là Hàn Quốc cũng đã phá giá đồng nội tệ. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN tạo cơ hội để DN ký những đơn hàng mới.

HSBC dự báo tiền đồng sẽ giảm giá thêm so với USD 2% trong năm 2015 và thêm 2% nữa trong năm 2016.

Cụ thể, dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2015 sẽ tăng từ mức 21.830 lên 22.800 đồng và tăng từ mức 22.300 lên 23.300 đồng vào cuối năm 2016.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đợt điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ tạo ưu thế cho DN XK khi có lợi thế tương đối về giá, nhưng lại tác động ngược chiều tới DN nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng lên khiến khối lượng nhập khẩu có thể phải giảm xuống, giá nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu cho sản xuất của DN tăng thêm.

Theo ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đông Hưng Group, DN chuyên sản xuất giày cho các thương hiệu Puma, Keds, Burberry... theo hình thức tự chủ nguyên phụ liệu (FOB), nếu DN nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất sản phẩm bán tại thị trường nội địa thì tỷ giá USD tăng sẽ là một khó khăn.

Ngược lại, nếu DN xuất khẩu thành phẩm, USD tăng càng tạo thuận lợi cho các nhà XK. Theo ông Hưng, điều khiến DN lo ngại nhất là đồng loạt nhiều nước sẽ phá giá đồng tiền sẽ tác động mạnh đến sản xuất và kinh doanh của DN Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Quang Đấu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), đơn vị đang XK sản phẩm sang EU, Mỹ, Nhật... cho biết, thị trường XK chưa thấy sự cạnh tranh đáng kể với hàng Trung Quốc do DN XK nông sản trong nước vẫn còn nhận được những hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước đến năm 2016.

Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ thì DN XK nông sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn đáng kể.

Ông Bùi Văn Xuân - Phó tổng giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, Tổng giám đốc Công ty CP Gia Định - Phong Phú, bày tỏ quan điểm, USD tăng, đối với các DN XK, giá thành phẩm sẽ tăng do chi phí tăng, nhưng việc này nằm trong dự tính.

Tình hình chỉ trở nên phức tạp nếu biên độ tỷ giá tăng đột biến, khoảng 10%. Song, trước mỗi đợt điều chỉnh tỷ giá đột biến như thế, DN luôn có độ trễ về mặt thời gian để chuẩn bị phương án đối phó.

Còn hiện nay, biên độ dao động của tỷ giá vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của DN.

>Trung Quốc bất ngờ tăng tỷ giá đồng CNY lên 0,05%

>Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%

>Hai mặt của tăng tỷ giá

>Tăng tỷ giá: Gánh nặng thuộc về doanh nghiệp?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điều chỉnh tỷ giá: DN xuất khẩu hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO