Dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc: Sự phân luồng trong đầu tư

Song Anh| 12/06/2019 09:12

Các nhà đầu tư đang quan sát rất kỹ để lựa chọn Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ để chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, và không cho Việt Nam là điểm đến số một - PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định.

Dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc: Sự phân luồng trong đầu tư

PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

* Theo quan sát của ông, thương chiến Mỹ - Trung Quốc đang tác động thế nào đến đầu tư và thương mại tại Việt Nam?

- Thuế quan đang buộc nhiều công ty tại Trung Quốc phải di dời nhà máy sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Việt Nam được lợi trước mắt về đầu tư và nguồn đầu tư mới này có thể tác động trong cả trung và dài hạn. Sự dịch chuyển này không chỉ có tác động tích cực mà còn có thể tác động tiêu cực, như những khoản đầu tư làm ảnh hưởng đến môi trường và xã hội chẳng hạn.

Trong khi đó, thương mại đang chịu những ảnh hưởng pha trộn. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 40,2% trong quý I/2019. Hơn nữa, hàng hóa của Việt Nam đang có lợi thế về giá tại thị trường Mỹ do hàng hóa từ Trung Quốc bị áp mức thuế cao và người tiêu dùng Mỹ chuyển sang sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn.

Nhưng đồng thời xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp khó khăn do chính phủ và doanh nghiệp nước họ quay lại bảo vệ thị trường nội địa. Chính quyền Trung Quốc đã có những thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào Trung Quốc, đưa ra những quy định với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước, bao gồm việc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho mặt hàng rau quả, hàng hóa phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói phải có đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.

* Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 5 tháng năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD. Theo ông con số này nói lên điều gì?

- Theo tôi, đây chính là tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam, trong đó có sự dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Kể từ đầu năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận dòng vốn FDI khá lớn từ Trung Quốc. Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vào quý I/2019, với tổng số vốn đăng ký đạt 723,2 triệu USD.

Tuy nhiên, đã có sự phân luồng về đầu tư ra ngoài Trung Quốc, trong đó những nước có công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ muốn tìm điểm đầu tư dài hạn. Họ quan sát rất kỹ để lựa chọn Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ, nhất là môi trường đầu tư cũng như tiềm năng lao động. Tôi thấy, nhóm các nước này không cho rằng Việt Nam là điểm đến số một. Một số công ty đa quốc gia đã chọn Thái Lan, Indonesia và Malaysia, những nước có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đồng thời là những nước có lợi thế tiếng Anh và nguồn lao động có kỹ năng.

* Như ông nói, Việt Nam chỉ là một ứng cử viên trong đợt dịch chuyển đầu tư lần này?

- Khuynh hướng chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là có thật. Doanh nghiệp Trung Quốc thấy Việt Nam có sự gần gũi về địa lý, văn hóa, về hệ thống chính trị. Tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt so với nhiều nước đã đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng bởi các nhà đầu tư có những tính toán riêng.

Sự tính toán của các nhà đầu tư trong việc dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc là không thể kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần lựa chọn các nhà đầu tư dài hạn, có công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trách nhiệm đối với xã hội và môi trường Việt Nam, như Nhật Bản hay Mỹ. Muốn vậy, nước ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật nghiêm minh. Nếu tiếp tục dễ dãi trong các quy định về điều kiện kinh doanh, môi trường và lao động, các nhà đầu tư phù hợp sẽ đến nhiều hơn, trong khi các nhà đầu tư có chất lượng cao sẽ rời đi vì không được tôn trọng.

* Cảm ơn ông!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc: Sự phân luồng trong đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO