Dệt may thay mô hình đón chào TPP

06/04/2015 06:48

Phần lớn nguyên liệu nhập khẩu ngành dệt may nước ta hiện nay là từ Trung Quốc - quốc gia không tham gia TPP nên buộc các công ty phải tự chuyển đổi mô hình sản xuất để có thể hưởng được mức thuế suất ưu đãi theo quy định.

Dệt may thay mô hình đón chào TPP

Phần lớn nguyên liệu nhập khẩu ngành dệt may nước ta hiện nay là từ Trung Quốc - quốc gia không tham gia TPP nên buộc các công ty phải tự chuyển đổi mô hình sản xuất để có thể hưởng được mức thuế suất ưu đãi theo quy định.

Ngành dệt may đang tích cực thay đổi mô hình hoạt động để đón đầu TPP

Vừa phát hành IPO thành công 5 triệu cổ phần vào cuối tháng 12 năm ngoái, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) lại lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 6 năm nay, bổ sung thêm cho lượng ít ỏi mã cổ phiếu ngành dệt may niêm yết trên sàn. STK có thể hấp dẫn nhà đầu tư ở những con số tài chính đẹp đẽ với doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014 dự kiến lần lượt ở mức 1.695 tỉ đồng và 116 tỉ đồng. Tuy nhiên, nét riêng của STK lại nằm ở chỗ khác.

Hoạt động chủ yếu của STK là sản xuất sợi - nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may. Khách hàng của Công ty không phải là người sử dụng sản phẩm cuối cùng, mà là các nhà sản xuất vải. Trên sàn chứng khoán, cũng có công ty sản xuất sợi là Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM). Tuy nhiên, mặt hàng chủ lực của TCM vẫn là hàng may mặc, còn sản xuất sợi là để tận dụng mô hình khép kín.

Đặc trưng của ngành dệt may là thâm dụng lao động, nhưng cũng có những phân khúc sản phẩm lại thâm dụng vốn. Có lẽ vì vậy mà những công ty như STK ở Việt Nam là không nhiều, nhưng điều này đang dần thay đổi.

Vốn đổ về sợi

Vài năm trở lại đây, hoạt động đầu tư vào sợi bắt đầu nhiều hơn, mà nguyên nhân chính là điều khoản “Từ sợi trở đi” trong khung thỏa thuận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực dệt may.

Theo đó, các nhà sản xuất hàng may mặc được giảm thuế nếu nguyên liệu sợi được sản xuất ở các nước tham gia TPP. Ở Việt Nam, phần lớn nguyên liệu nhập khẩu hiện nay là từ Trung Quốc, quốc gia không tham gia TPP. Vì thế, nếu vẫn còn nhập sợi từ Trung Quốc, các công ty may mặc sẽ không thỏa được điều kiện này.

Để tranh thủ Hiệp định TPP, nhiều công ty đã mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào sợi. STK, chẳng hạn, liên tục mở rộng công suất qua nhiều năm. Năm 2000, công suất nhà máy chỉ 4.800 tấn thì đến năm 2015, STK dự kiến nâng lên đến 41.000 tấn/năm, tăng 24% so với năm ngoái.

Theo kế hoạch, STK sẽ triển khai đầu tư khoảng 890 tỉ đồng cho dự án nhà máy mở rộng tại chi nhánh Trảng Bàng giai đoạn 3, 4 trong 2 năm tới. Theo chia sẻ của ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị STK, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 hồi cuối tháng 3 vừa qua, công suất tăng thêm chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của khách hàng.

Ngoài STK, còn có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng tăng tốc khởi động các dự án liên quan đến sợi. Gần cuối tháng 3, Vinatex đã khởi công dự án Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may Quế Sơn với quy mô đầu tư 1.200 tỉ đồng. Dự án này là chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sợi đến may, trong đó công suất nhà máy sợi là 5.000 tấn/năm, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2017.

Kế hoạch của Vinatex trong giai đoạn mới là đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi. Sản phẩm của các dự án sợi, dệt, nhuộm là để cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội bộ. Trong năm 2015, Vinatex dự định triển khai 10 dự án sợi, năm 2014 là 12 dự án.

Chiếm đến gần 2/3 lượng xuất khẩu hàng dệt may, các doanh nghiệp FDI cũng mạnh dạn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. Số liệu FDI quý I năm nay của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy dự án đáng chú ý nhất là của Worldon Việt Nam với quy mô 300 triệu USD, tăng thêm 160 triệu so với mức đăng ký hồi năm 2014.

Đầu tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn TAL (Hồng Kông) đầu tư 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở Hải Dương. Mới đây, Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ xây dựng chuỗi dây chuyền công nghệ dệt may khép kín tại Khu Công nghiệp Texhong Hải Hà, vừa mới khởi công vào cuối năm 2014 ở Quảng Ninh. Trước đó Texhong cũng đã có dự án nhà máy sợi 400 triệu USD.

Cuộc chơi của các đại gia

Trước đây, khi nói về dệt may ở Việt Nam, điều dễ mường tượng là đầu tư những máy may cơ bản để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, thay vì máy móc phức tạp hơn. Trên thực tế, mô hình sản xuất may là mô hình sản xuất có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành dệt may. Hai mô hình sản xuất có giá trị cao hơn là sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may và xuất khẩu.

Thông thường, các nước đang phát triển sẽ đảm nhận những khâu này. Còn những nước phát triển thì đầu tư nhiều hơn vào thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm, vốn mang lại giá trị sản phẩm cao nhất.

Các công ty Việt Nam chủ yếu sử dụng mô hình cắt - may (CMT) đơn giản. Theo đó, họ chỉ đơn thuần gia công sản phẩm, còn nguyên liệu đầu vào sẽ được người mua cung cấp. Doanh nghiệp dạng này chiếm 85% lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPTS.

Trong khi đó, cũng theo FPTS, chỉ có 6% lượng công ty trong ngành dệt may ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kéo sợi. Do đó, việc các doanh nghiệp ở Việt Nam như STK mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị cho thấy điểm nhấn mới của ngành. Tuy nhiên, đầu tư vào sợi không đơn giản như việc mua những chiếc máy may.

Ở Việt Nam, ngoài Vinatex, các công ty khác muốn đầu tư đều phải cần vốn nhiều. Chẳng hạn như STK, để có tiền xây nhà máy, công ty này liên tiếp chào bán cổ phần và tăng tốc niêm yết nhằm huy động thêm vốn. Trong khi đó, một doanh nghiệp niêm yết hiện đang sản xuất sợi là TCM cũng đồng thời là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn.

Một số công ty khác thì vẫn e ngại vì chưa đủ khả năng, hoặc giá trị đem lại không tương xứng với chi phí đầu tư bỏ ra. Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, vốn là “cánh chim đầu đàn” của Vinatex, đã có sẵn kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực sợi - dệt với quy mô hơn 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quyết định đầu tư còn phụ thuộc vào thời điểm TPP chính thức được triển khai, vì “nếu triển khai ngay bây giờ thì sẽ chôn vốn”, như ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Phong Phú, trước đây chia sẻ với NCĐT. Một doanh nghiệp niêm yết là Dệt may Sài Gòn (GMC) cũng có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực dệt - nhuộm, nhưng lại vấp phải vấn đề xử lý môi trường đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ.

Rõ ràng, ngoài các đại gia trong nước, sự tham gia vào thị trường sợi có lẽ phần lớn dành cho các tập đoàn nước ngoài mạnh về vốn. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước đang ngày càng rộng ra, nhất là sau khi các doanh nghiệp FDI liên tiếp triển khai những dự án có quy mô lớn.

Với lợi thế cạnh tranh về chi phí, dòng vốn đổ vào ngành dệt may ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Dù có những chuyển động mới trong mô hình đầu tư thay cho những máy may truyền thống, vẫn cần lời giải dài hơi hơn cho Việt Nam và chỉ mỗi Vinatex thì có lẽ là chưa đủ.

>TPP giúp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp, cải thiện chất lượng sản phẩm
>Đàm phán TPP vẫn còn nhiều bất đồng
>Sau TPP, Mỹ sẽ đầu tư toàn diện ở Việt Nam
>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dệt may thay mô hình đón chào TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO