Dệt may ồ ạt đón vốn ngoại

KHÁNH ĐINH| 22/04/2014 04:55

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Hàn Quốc... đã vào Việt Nam đầu tư đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với EU, Liên minh Thuế quan.

Dệt may ồ ạt đón vốn ngoại

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Hàn Quốc... đã vào Việt Nam đầu tư đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với EU, Liên minh Thuế quan.

Đọc E-paper

Gần đây nhất, giữa tháng 4, UBND tỉnh Long An đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Huafa Hồng Kông triển khai đầu tư dự án nhuộm bông, kéo sợi màu với tổng vốn khoảng 136 triệu USD tại KCN Thuận Đạo, huyện Cần Đước. Tại Bình Dương, Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) cũng công bố đầu tư thêm 54,2 triệu USD cho giai đoạn 2 (giai đoạn 1 đã đầu tư 40 triệu USD) cho nhà máy sản xuất sợi cotton tại KCN Bàu Bàng.

Trước đó, hồi tháng 2, UBND TP.HCM đã cấp phép đầu tư cho 2 dự án dệt may với số vốn khá lớn tại KCN Đông Nam, huyện Củ Chi. Đây là Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cho thể thao dưới nước và Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.

Ở khu vực phía Bắc, Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được UBND tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn 68 triệu USD. Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất sợi thứ 4 ở Việt Nam với tổng vốn 300 triệu USD tại Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) kiêm Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), khi Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP và FTA với EU, Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan)... thuế suất hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường quan trọng này sẽ được cắt giảm mạnh. Do vậy, sẽ có sự bùng nổ trong xuất khẩu hàng dệt may và nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đón đầu cơ hội đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm nhằm hoàn tất chuỗi sản xuất hàng dệt may.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của khối doanh nghiệp FDI đạt hơn 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 1/2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu 4,4 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa khiến vốn FDI vào dệt may tăng mạnh là một trong những yêu cầu đối với hàng may mặc của TPP là quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" - sản phẩm khi xuất khẩu sang các nước thuộc TPP phải sử dụng mọi nguyên phụ liệu được làm tại các nước thuộc TPP.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn còn trong tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu. Bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Coats Phong Phú (thành viên Tập đoàn Coats Holding., Ltd) cho biết, lượng đơn hàng đặt mua nguyên phụ liệu tại Coats Phong Phú năm 2014 đã tăng khoảng 30% so với năm 2013. Tuy nhiên, hiện khoảng 60% nguồn hàng được lấy từ nhà máy tại TP.HCM, còn lại vẫn phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hungary... là những nước không thuộc TPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dệt may ồ ạt đón vốn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO