Đề nghị công khai tài sản

09/11/2010 08:07

Sáng 8/11, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND.

Đề nghị công khai tài sản

Sáng 8/11, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND.

Đại biểu Trần Văn Tấn: "Đã nói đến bầu cử, có nghĩa là lựa chọn"
Đại biểu Lê Quốc Dung: "Phải công khai từ tài sản đến tiểu sử, bằng cấp để nhân dân kiểm tra"

Tuy mục đích chính của việc sửa đổi hai đạo luật trên chỉ nhằm “gom” hai cuộc bầu cử vào cùng một ngày, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần mở rộng các quy định hướng đến việc mở rộng số dư tại các đơn vị bầu cử, chất lượng ứng cử viên, đề cao quyền tự ứng cử, minh bạch tài sản... để các cuộc bầu cử thật sự dân chủ và chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: "Hiện nay quyền ứng cử quy định tương đối lỏng"

Quy định còn tương đối lỏng

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng hiện nay quyền ứng cử quy định tương đối lỏng, tức là gần như mọi công dân đủ tuổi và có một số tiêu chuẩn nhất định đều có quyền tự ứng cử. Cho nên nhiệm kỳ vừa rồi có quá đông người tự ứng cử mà lại không thể chọn được.

“Phải quy định thêm như thế nào đấy, ví dụ như có được chữ ký ủng hộ của bao nhiêu người, hoặc bao nhiêu tổ chức mới là cơ sở để đưa ra lựa chọn” - ông Xuân đề xuất.

Theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang): “Nếu chỉ quy định chung chung là có số dư thì các cơ quan tổ chức sẽ chọn phương án tối thiểu để an toàn cho ứng cử viên. Nhiệm kỳ vừa qua số dư thường chỉ có một hoặc hai, điều này làm hạn chế ý nghĩa của bầu cử. Đã nói đến bầu cử có nghĩa là lựa chọn. Cử tri phải có quyền lựa chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước, việc chuẩn bị số dư hầu như tối thiểu đã cản trở sự lựa chọn của cử tri”.

Công khai để dân kiểm tra

Ông Tấn kiến nghị: Để việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng tiến bộ, dân chủ và bình đẳng, tôi đề nghị dự án luật quy định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba đại biểu, số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất hai người.

“Để đảm bảo tính cạnh tranh, dân chủ, công bằng giữa các ứng cử viên trong bầu cử, đề nghị dự án luật quy định mỗi đơn vị bầu cử có ít nhất số dư là hai người” - đại biểu Danh Út (Kiên Giang) tán thành.

Để nâng cao chất lượng đại biểu, ông Lê Quốc Dung cho rằng: “Luật sửa đổi lần này phải chú trọng tiêu chuẩn, công khai từ tài sản đến tiểu sử, bằng cấp... để nhân dân kiểm tra. Việc bố trí làm sao để những người ra ứng cử và tự ứng cử phải tương quan, nghĩa là người dân có thể chọn một chín một mười, chứ không thể là một mười một năm được, như vậy sẽ không ổn”.

Đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) cũng “thấy cần thiết phải bố trí tỉ lệ hợp lý đại biểu tự ứng cử trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ứng cử, phát huy dân chủ trong nhân dân”.

Theo đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái), trong Quốc hội “đại biểu nữ phải từ 30% trở lên và đại biểu chuyên trách phải từ 35% trở lên, trong đó có đại diện các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong xã hội”.

Bà Chư kiến nghị: “Hiện nay việc công khai tài sản và sự tín nhiệm của người ứng cử không được thực hiện tại hội nghị nhận xét nơi cư trú và nơi công tác của ứng cử viên, chỉ để lưu hồ sơ khi có đơn tố cáo mới được xem xét. Tôi đề nghị kê khai tài sản của ứng cử viên phải thực hiện công khai tại hội nghị cử tri nơi cư trú và nơi công tác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề nghị công khai tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO