Đẩy mạnh thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước

NGUYÊN BẢO| 05/09/2017 04:32

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi là nhằm cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển.

Đẩy mạnh thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi là nhằm cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển.  

Đọc E-paper

Trước đó không lâu, Bộ Tài chính đã công bố về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế Tài nguyên. Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo sửa đổi các luật này.

Việc cơ cấu lại NSNN, bù đắp thâm hụt không chỉ nằm ở vấn đề tăng thu, chủ yếu là thu thuế, mà còn phụ thuộc vào hiệu quả chi ngân sách và cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - khu vực kinh tế bộc lộ khá nhiều hạn chế, yếu kém trong việc sử dụng và quản lý vốn ngân sách trong thời gian qua. Điều này có thể thấy ở Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được PetroVietnam nhận bàn giao từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (tên cũ là Vinashin) từ năm 2010 với khoản nợ phải trả lên đến gần 7.500 tỷ đồng.

Dù được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rót gần 5.100 tỷ đồng để thanh toán nợ và tăng vốn điều lệ, song nhà máy này vẫn trong tình trạng mất cân đối tài chính, thua lỗ từ đó đến nay. Nếu nhà máy đóng tàu này phá sản (theo một trong những phương án xử lý đã được PVN trình Bộ Công Thương), PetroVietnam sẽ không thể thu hồi được khoản tiền đã rót vào đây.

Tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng. Chính phủ hy vọng tăng cường cổ phần hóa DNNN sẽ dẫn đến thu nhập nhiều hơn và giảm bớt gánh nặng tài chính quốc gia. Trong những tuyên bố gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cho rằng việc thoái vốn tại các DNNN chính là một trong những cách làm tăng thu ngân sách và giảm chi tiêu của Chính phủ. Rõ ràng, đây cũng được xem là giải pháp quan trọng để cơ cấu lại NSNN.

Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN vì tốc độ cổ phần hoá đã giảm trong những năm gần đây. Ví dụ, trong giai đoạn 2003 - 2008, Chính phủ đề ra mục tiêu cắt giảm 1.538 DNNN nhưng chỉ có 312 doanh nghiệp đáp ứng mục tiêu này.

Việc cổ phần hóa không đạt được mục tiêu đề ra và diễn ra chậm chạp một phần là do những thuận lợi của các cuộc cải cách trước đó đã tạo điều kiện cho việc bán (hoặc đóng cửa) hầu hết các DNNN nhỏ đang làm ăn thua lỗ, ngược lại, nhiều công ty đang tồn tại lại có quy mô lớn hơn nhiều với cơ cấu sở hữu và quản lý phức tạp và thậm chí đôi khi không có báo cáo tài chính và nợ rõ ràng. Mới đây, báo cáo về cổ phần hóa cho thấy, nửa đầu năm 2017, chỉ mới hoàn tất được 6 trong tổng số 45 DNNN phải cổ phần hóa theo kế hoạch năm.

Việc cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 đã thu được gần 3,4 tỷ USD cho ngân sách nhà nước, khá thấp đối với khoảng thời gian 5 năm, đặc biệt là khi so sánh với con số 130 tỷ USD là tổng tài sản của các DNNN. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành những chính sách, kể cả chế tài để đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa DNNN, xử lý nghiêm các trường hợp "cố tình" trì hoãn.

>>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO