Đầu tư công đang là thách thức lớn

Nguyễn Hoàng| 31/05/2021 07:00

Hạ tầng là một nút thắt lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam đã nhiều năm. Số liệu mà Bộ Tài chính công bố tuần trước cho thấy đầu tư công chững lại trong bối cảnh Chính phủ buộc phải dành ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19.

DTC-4021-1622081062.jpg

Vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng, nhưng đã qua 4 tháng của năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước chỉ xấp xỉ 19%, khoảng 1/5 kế hoạch.

Trong các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, kể từ quý II/2020 đến nay, đầu tư công được xem là biện pháp quan trọng chặn đà suy giảm kinh tế bởi đại dịch Covid-19. Nhưng nhiều dự án, tiến độ giải ngân để bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, như Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành chẳng hạn, trở nên “kém tích cực hơn”, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Đầu tư công, một phạm trù tài chính gắn liền với chức năng quản lý của Nhà nước về chính trị, kinh tế và xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ưu tiên vốn các dự án quy mô lớn, dự án động lực có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương là quan trọng và cần thiết. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến cáo các tỉnh kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai các dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ. 

Với tuyến đường ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được thẩm định đầu tư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương cần tiếp cận theo hướng tạo ra một hành lang kinh tế, tạo trục kết nối và phát triển cho toàn khu vực này. Nếu các địa phương chỉ trông vào nguồn lực Trung ương và chỉ làm một tuyến giao thông thì sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển của cả khu vực.

Chính phủ vừa có chủ trương xem xét việc tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động của đại dịch Covid-19. Điều này có thể gây áp lực lên chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ. 

Tất nhiên, giải ngân một lượng vốn lớn cho đầu tư công (tổng vốn đầu tư công năm 2021 là 477.300 tỷ đồng) trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động kéo dài bởi dịch Covid-19, với những yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả, là thách thức rất lớn đối với Chính phủ và các tỉnh, thành. 

Nhà nước đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách, nhưng ít bàn về cải cách thể chế lĩnh vực này. Việt Nam cần có những chính sách đặc thù cho đầu tư công, phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”. Những bất cập trong giải ngân đầu tư công do Bộ Tài chính nêu trong báo cáo mới đây đều không mới. Nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công lớn nhất vẫn là xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình công ích.

Ông Lê Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính xác nhận, sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Đó là chưa kể đến tình trạng chủ đầu tư “chưa kiên quyết” trong việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công dẫn đến trì trệ trong giải ngân vốn.

Thay đổi tư duy về thực hiện đầu tư công trung hạn đang được các nhà quản lý và học giả quan tâm và ủng hộ. Các dự án có thể sử dụng nhiều tiền trong một giai đoạn nhất định và gần như không tiêu tiền ở các giai đoạn sau, khi các hạng mục được hoàn thành tương đối. Nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ, công cụ tài khóa để trung hòa nếu đầu tư công ở những thời điểm nhất định gây ra lạm phát và thâm hụt ngân sách tăng. Việc đầu tư vào các dự án dài hạn sẽ tạo ra thu nhập và phát triển, trong tương lai Nhà nước có thể thu tiền về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư công đang là thách thức lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO